Học đến cấp 2, học sinh phát âm vẫn chưa chuẩn
Ngay sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai (sinh năm 1985) cùng chồng rời quê hương Sơn Dương, Tuyên Quang lên nhận công tác tại trường Dân tộc nội trú Mèo Vạc, Hà Giang vào năm 2009.
Đối với cô Mai quyết định này là niềm vui, niềm hạnh phúc vì được làm việc tại chính ngôi trường mà mẹ cô đã từng gắn bó cả cuộc đời dạy học mặc dù ngày đầu tiên nhận công tác cô thấy rất tủi thân vì ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ toàn thấy núi rừng.
Quá trình giảng dạy khó khăn lớn nhất mà cô giáo trẻ này gặp phải đó là vấn đề về trình độ, khả năng giao tiếp của học sinh còn kém, khả năng tiếp nhận văn hóa của người dân còn nhiều hạn chế, hoàn cảnh gia đình của hầu hết các em còn nhiều khó khăn.
Cô Đỗ Thị Hồng Mai, giáo viên trường Dân tộc nội trú Mèo Vạc (Ảnh: Thùy Linh) |
Đặc biệt, theo lời kể của cô Mai, đến mùa thu hoạch ngô, phụ huynh gọi con cái về làm giúp nên nhiều học sinh bỏ học để về nhà. Lúc đó, giáo viên lại đi vận động học sinh, năm nào cũng như vậy.
Vượt qua mọi khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện đi lại, điều kiện sinh hoạt, cô Mai đã từng bước khẳng định được vị trí của mình trong ngành giáo dục.
Và kết quả của sự cố gắng, nỗ lực ấy là cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai trở thành 1 trong 126 giáo viên được tuyên dương trong buổi lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 và phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 19/10 vừa qua.
Gặp chúng tôi trong buổi lễ tuyên dương, cô giáo Mai vui vẻ khi chia sẻ về những kinh nghiệm trong thời gian đã dạy dỗ, gắn bó với các em học sinh dân tộc thiểu số.
Cô Mai nhận thấy, cái khó khi tiếp cận với học sinh trong giờ dạy môn Ngữ văn chính là cách phát âm chưa chuẩn do các em bị ảnh hưởng của cách phát âm tiếng địa phương.
Cô Mai tâm sự: “Những ngày đầu dạy các em, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghe học sinh nói và đọc các bài viết của học sinh, thậm chí đã có lúc tôi hiểu ngược hoàn toàn ý của các em.
Lỗi thường gặp trong phát âm của các em là thiếu hoặc thừa các phụ âm, không chính xác âm thanh từ các từ, phát âm sai các thanh điệu”.
Cô giáo này nêu ví dụ: Từ “kim” phát âm thành “ki”, từ “quyên” phát âm là “quên”, “quyết” phát âm là “quết”, “khuyên” phát âm là “khuên”, “mớ rau” phát âm là “mỡ rau”, “con muỗi” phát âm là “con muối”, “lá chuối” phát âm là “lá chuỗi”, “nước lã” phát âm là “nước lá”…
Miệt mài tìm giải pháp “cứu” học trò
“Cá nhân tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của mỗi giáo viên dạy môn Ngữ văn là qua những bài học, tiết học phải dạy được cho học sinh nói chính xác tiếng nói dân tộc Việt, hiểu được các nghĩa của các từ trong tiếng Việt.
Đồng thời giáo dục được tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh, giáo dục các em ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, cô giáo Mai tâm sự.
Từ tình yêu học trò và nhận thấy điều khó khăn mà học sinh gặp phải khi học môn Ngữ văn, cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai đã tiến hành thực hiện sáng kiến kinh nghiệm “Rèn cách phát âm chuẩn chính tả cho học sinh THCS vùng cao qua dạy bộ môn Ngữ Văn”.
Cô giáo vùng cao vượt qua 5.000 giáo viên, đạt giải Nữ giáo viên sáng tạo(GDVN) - Đó là cô giáo Võ Thị Ngọc Ánh đã từng bước vượt qua khó khăn để đến với nghề nhà giáo và liên tục đạt nhiều giải thưởng do Bộ GD&ĐT tổ chức. |
Nội dung sáng kiến kinh nghiệm này cô Mai tập trung nêu ra những vấn đề hạn chế trong cách phát âm của học sinh và từ đó có những giải pháp thiết thực.
Cụ thể, đối với lỗi phát âm thừa hoặc thiếu các phụ âm, giáo viên phát hiện luôn lỗi và ghi trên bảng, sau đó ghi lại từ đúng để cho học sinh so sánh nghĩa các từ, các em sẽ nhận ra khi phát âm thừa hoặc thiếu các phụ âm thì các từ đó sẽ biến đổi nghĩa.
Đối với việc phát âm thiếu vần “y” trong các từ như: quyên, khuyên, quyết, quyển, chuyện, luyện… Trong quá trình giao tiếp với học sinh, giáo viên sẽ chỉnh ngay bằng việc cho học sinh nhìn vào từ được ghi đúng và phát âm liên tục cho đến khi đúng.
Đối với lỗi nhầm thanh sắc và thanh ngã, giáo viên sẽ đưa ra các mẹo để học sinh có thể dễ dàng chỉnh sửa. Ví dụ, “rau” đi liền với “mớ”, nước chưa đun sôi gọi là “nước lã”…
Trong quá trình cho các em đọc văn bản trên lớp nếu phát hiện lỗi cô giáo sẽ chỉnh sửa ngay cho các em và giải thích nghĩa cặn kẽ của từ các em đọc sai và từ đọc đúng.
Qua 6 năm triển khai trong thực tế giảng dạy đến nay sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai đã trở thành một phần trong mỗi tiết học, bài học của tất cả các cô giáo dạy môn Ngữ Văn ở Trường Dân tộc Nội trú huyện Mèo Vạc.
Thấm thoắt đã gần chục năm gắn bó với vùng cao Hà Giang, khi được hỏi có muốn chuyển công tác về nơi thuận lợi hơn, cô giáo Mai lắc đầu và nói: “Không, tôi sẽ mãi chọn nơi này”.