Cần hủy quyết định bổ nhiệm cán bộ không đủ chuẩn, kỷ luật nghiêm người đứng đầu

26/08/2017 09:34
XUÂN QUANG
(GDVN)- Cần hủy quyết định bổ nhiệm cán bộ chưa đủ chuẩn để làm gương. Mạnh tay xử lý người đứng đầu trong việc bổ nhiệm sẽ chấn chỉnh được tình trạng biết sai vẫn làm.

Bổ nhiệm sai thì quyết định bổ nhiệm vô hiệu

Những vụ bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm “nợ” tiêu chuẩn diễn ra quá nhiều trong thời gian qua khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc.

Trong số đó phải kể đến vụ bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam vào tháng 7/2015 làm dấy lên lo ngại về những tiêu cực, tạo tiền lệ xấu trong công tác cán bộ.

Và ngay tại Cục Hàng hải Việt Nam, vào năm 2016 đã có thông tin lùm xùm về việc bổ nhiệm Cục phó Nguyễn Đình Việt khi chưa có bằng đại học, nhưng cho đến nay sự việc này vẫn chưa kết thúc.

Trước đó còn hàng loạt vụ bổ nhiệm bất thường như trường hợp bà Trần Vũ Quỳnh Anh tại Thanh Hóa, hay Vũ Minh Hoàng tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) tại Sabeco.

Từ những ví dụ nói trên, người dân thấy một nghịch lý đang tồn tại đó là cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật lại chính là đơn vị vi phạm pháp luật trong công tác cán bộ; bổ nhiệm cả người đã thi trượt làm Cục trưởng.

Ví dụ mới nhất là Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang, nhưng cho đến nay chưa có kết luận chính thức về vấn đề này.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang, nhưng cho đến nay chưa có kết luận chính thức về vấn đề này. (Ảnh: vinamarine.gov.vn).
Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang, nhưng cho đến nay chưa có kết luận chính thức về vấn đề này. (Ảnh: vinamarine.gov.vn).

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tính thượng tôn pháp luật trong công tác cán bộ cần phải được tuân thủ chặt chẽ.

"Đề cập tới các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện trong việc bổ nhiệm cán bộ là đề cập tới vấn đề thực thi pháp luật và buộc cơ quan hành pháp phải tuân thủ.

Thông thường, khi bổ nhiệm cán bộ đều phải trải qua quy trình hết sức chặt chẽ, nhiều vòng, nhiều cấp. Quyết định bổ nhiệm cuối cùng là do thủ trưởng đơn vị. Trong trường hợp, người thực thi pháp luật vi phạm những nguyên tắc này thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cụ thể, nếu tập thể biết sai nhưng vẫn đề bạt, lãnh đạo biết sai bổ nhiệm thì phải kỷ luật cả tập thể và người đứng đầu đơn vị.

Cần hủy quyết định bổ nhiệm cán bộ không đủ chuẩn, kỷ luật nghiêm người đứng đầu ảnh 2

Cục trưởng Cục Hàng hải đã thi đạt sao còn phải thi lại?

Không thể có chuyện biết sai mà vẫn nói là đúng quy trình. Đúng quy trình nhưng sai về quy định thì quy trình đâu còn ý nghĩa. Quy trình không thể to hơn quy định", ông Thuận nói.

Ông Thuận cũng cho rằng, để lựa chọn được cán bộ tốt thì cần công khai minh bạch các tiêu chí, tiêu chuẩn, kết quả bổ nhiệm theo đúng quy định. 

"Trường hợp bổ nhiệm sai cán bộ cần phải xác định, việc bổ nhiệm đó sai ở khâu nào, thiếu những điều kiện gì để làm rõ trách nhiệm có liên quan. Nói chung, khi bổ nhiệm vi phạm thì quyết định bổ nhiệm đó là vô hiệu.

Mặt khác, để việc bổ nhiệm cán bộ được chặt chẽ, trước hết phải rà soát từ những quy định pháp luật hiện hành, xem xét những kẽ hở (nếu có) để tránh việc người ta lợi dụng để bổ nhiệm sai, gây ảnh hưởng tới chất lượng công tác cán bộ, quản lý nhà nước.

Tôi ví dụ, nếu bổ nhiệm ông thẩm phán nhưng cán bộ này không có chuyên môn thì làm sao bổ nhiệm được. Ông ấy làm sao làm được việc.

Bên cạnh đó, nhà nước phải đưa ra các quy định chi tiết về tiêu chuẩn bổ nhiệm (tiêu chuẩn nào quyết định việc bổ nhiệm, và tiêu chuẩn nào cần hoặc có thể bổ sung).

Các tiêu chuẩn này phải rõ ràng, mang tính chất định lượng, chứ không chung chung, định tính", ông Thuận nói. 

Vi phạm bổ nhiệm phải xử nghiêm 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ đã được phân cấp và có quy trình hết sức chặt chẽ. 

"Tuy nhiên, để lọt cán bộ chưa đủ chuẩn vẫn bổ nhiệm đều do người thực thi pháp luật.

Thậm chí, trong việc bổ nhiệm này có sự nể nang nhau hoặc có sự tác động nào đó. Nhưng nếu là lãnh đạo gương mẫu, họ sẽ không chấp nhận việc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn và ngược lại. 

Cho nên việc bổ nhiệm cán bộ nhưng người đó chưa đủ chuẩn trong một số trường hợp nói trên thường nghiêng về tình hơn là về lý", ông Dĩnh nêu quan điểm.

Bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm khi còn thiếu tiêu chuẩn; kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực. (Ảnh đăng trên Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam).
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm khi còn thiếu tiêu chuẩn; kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực. (Ảnh đăng trên Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam).

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cần xác định rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nặng người đứng đầu đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm nếu việc bổ nhiệm đó không đúng quy định pháp luật.

"Vai trò người đứng đầu trong việc bổ nhiệm đã quy định rõ trong các quy định của Đảng và Nhà nước.

Do đó, cần thiết phải có chế tài mạnh hơn nữa trong việc

xử lý cán bộ vi phạm bổ nhiệm chứ không nên để họ rút kinh nghiệm mãi được. 

Nếu xử lý nghiêm khắc người đứng đầu thì chắc chắn người ta sẽ ngại khi bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn.

Những người nào không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm nhưng vẫn bổ nhiệm thì phải hủy quyết định bổ nhiệm, dù sau đó anh có hoàn thiện được các tiêu chí bổ nhiệm. Cần làm mạnh như vậy để làm gương.

Người đứng đầu có trách nhiệm trong việc bổ nhiệm trái quy định, cũng phải xử lý kỷ luật khiển trách hoặc nặng hơn.

Thậm chí, Bí thư nếu sai cũng phải xử lý kỷ luật chứ không nên chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Nếu không làm nghiêm thì niềm tin vào công tác cán bộ của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng", ông Dĩnh nói.

XUÂN QUANG