Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.
Vấn đề này vốn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là trong thời gian những năm gần đây đã có nhiều cán bộ nhà nước lạm quyền, vi phạm nghiêm trọng đạo đức cán bộ, dẫn tới bổ nhiệm cả những người không xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo.
Mới đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Quy định mới này có tới 5 bước đánh giá chặt chẽ thay cho 3 bước cũ được kỳ vọng sẽ giải quyết được những lỗ hổng trong công tác cán bộ, khi chặt chẽ từ cấp cao thì sẽ làm nghiêm khắc với cấp dưới.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) đánh giá, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ra đời là để kiện toàn bộ máy, chống tham ô tham nhũng. Những gì diễn ra từ thực tế cho thấy mọi chuyện đều do con người gây ra, cho nên mới có chuyện bổ nhiệm cán bộ năng lực yếu kém, đạo đức yếu kém, thậm chí không đủ tiêu chuẩn (thi trượt) mà vẫn được cho “nợ” như tại Bộ Giao thông Vận tải.
Cũng bởi thế vấn đề kiểm soát quyền lực giai đoạn hiện nay đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm, bởi nếu nếu không làm tốt được khâu quan trọng (mấu chốt) này thì tất nhiều việc khác sẽ bị đổ bể.
Nghị quyết, quy định, văn bản bây giờ có đủ cả rồi, chỉ có điều là tổ chức thực hiện có làm được không?
Phó Giáo sư Bùi Thị An: “Thi trượt mà vẫn bổ nhiệm Cục trưởng là không chấp nhận được”. ảnh: giaoduc.net.vn |
Phó Giáo sư Bùi Thị An nêu thí dụ cụ thể với sự việc ông Nguyễn Xuân Sang thi trượt Chuyên viên chính nhưng vẫn được bổ nhiệm: “Tôi đánh giá cao việc trước đây Bộ Giao thông Vận tải từng tổ chức thi tuyển một số chức danh, trong đó có cả Vụ trưởng, Tổng Cục trưởng. Các đồng chí trúng tuyển đã điều hành công việc với tâm thế khác và được mọi người hoan nghênh.
Nhưng, tôi cũng rất bất ngờ vì Bộ Giao thông bổ nhiệm cả trường hợp ông Sang đã thi trượt chuyên viên chính làm Cục trưởng Hàng hải.
Căn cứ vào quy định pháp luật nào mà Bộ Giao thông Vận tải lại tự ý cho “nợ” tiêu chuẩn khi bổ nhiệm, mà lại cho “nợ” với người đã thi trượt? Trong quá trình bổ nhiệm có đưa ra nhiều ứng viên để đánh giá lựa chọn không hay chỉ đưa một mình ông Sang?
Tôi đã đọc giải thích ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải rằng ông Sang thi đạt. Giải thích như vậy là không chấp nhận được. Đạt thì tại sao không được công nhận mà còn phải thi lại?
Tiêu chuẩn bắt buộc cán bộ phải thi đỗ (được cấp chứng chỉ) ngạch chuyên viên chính là để đánh giá trình độ, cho nên không thể coi thường.
Theo tôi, đã là luật, đã là quy định chung thì phải tuyệt đối chấp hành. Cán bộ nhà nước không được phép lách luật, tìm cách này cách khác để bóp méo quy trình dẫn tới chọn cán bộ không chuẩn, không minh bạch".
Theo bà An, Bộ Giao thông Vận tải hay bộ, ngành nào khác cũng không được phép ban hành quy định riêng, lách luật khi bổ nhiệm cán bộ. Ai đã làm sai thì bây giờ các cơ quan quản lý phải xem xét, xử lý trách nhiệm. Không thể để tồn tại mãi cái khẩu hiệu ‘đúng quy trình’ nhưng thực chất thì sản phẩm bổ nhiệm (cán bộ) không tốt.
"Tất nhiên cũng không nên vì một trường hợp sơ xuất như vậy mà phủ định tất cả", bà An nói.
Que diêm, lò nóng và củi tươi |
Những vụ bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm “nợ” tiêu chuẩn diễn ra trong thời gian qua cho thấy vấn đề kiểm soát quyền lực ở đâu đó đang bị buông lỏng.
Vì vậy vấn đề cần đặt ra lúc này là nếu không kiểm soát được quyền lực, tình trạng lạm dụng quyền lực (thậm chí lộng quyền) sẽ diễn ra tràn lan thì xã hội phải gánh chịu những hậu quả gì?
Phó Giáo sư Bùi Thị An chia sẻ: “Đại hội XI của Đảng đã đề cập tới vấn đề kiểm soát quyền lực, nhưng tiếc là sau đó vấn đề này không được thúc đẩy, cho nên mới chỉ ở mức nêu ra thôi.
Đến trước và sau Đại hội XII, đồng chí Tổng Bí thư tiếp tục đề cập tới vấn đề quan trọng này. Quả thực, kiểm soát quyền lực giờ phải được coi là nhiệm vụ then chốt của Đảng, trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, đi liền với chống tham nhũng.
Trong Hiến pháp 2013 cũng đã thể hiện rõ tư tưởng xây dựng nhà nước xoay quanh mục tiêu duy nhất là vì quyền lợi của nhân dân; điều đó cũng có nghĩa là phải chống lạm dụng quyền lực”.
Tha hóa quyền lực gây ra hậu họa khôn lường
Khi mà đất nước đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, trả nợ trung hạn và dài hạn thì đâu đó vẫn đang tồn tại những cán bộ lợi dụng chức vụ, địa vị để đục khoét tài sản của nhà nước, sống xa hoa, lãng phí trước những khổ cực của người dân.
Ông Vũ Quốc Hùng: Tìm cán bộ cho nước cho dân, không phải do yêu hay ghét |
“Chúng ta nói xây dựng nhà nước pháp quyền thì có nghĩa là chúng ta phải có hệ thống pháp luật chuẩn, chặt chẽ để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi nhiệm vụ có hiệu quả; đồng thời cũng có trách nhiệm giám sát lẫn nhau, tránh trường hợp nhân danh phục vụ nhân dân nhưng thực chất lại là lợi ích nhóm.
Thực tế cho thấy ở nơi nào thiếu kiểm soát, giám sát quyền lực là nơi đó xảy ra thiệt hại lớn cho nhà nước. Hãy điểm lại xem đã có bao nhiêu vụ việc bổ nhiệm sai quy trình?
Hãy xem lại có bao nhiêu cán bộ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn bổ nhiệm giống như trường hợp của Cục trưởng Hàng hải?
Bây giờ phát hiện ra rồi mà không xử lý công tâm, vẫn còn loanh quanh bao biện cho nhau thì có chấp nhận nổi không? Dân người ta biết cả đấy, nói gì mà không đúng là không thể thuyết phục được dân đâu”, bà An đặt vấn đề.
Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang, nhưng cho đến nay chưa có kết luận chính thức về vấn đề này. ảnh: vinamarine.gov.vn |
Không chỉ việc bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải gây bức xúc dư luận, mà tại đơn vị này còn có chuyện bổ nhiệm Cục phó Nguyễn Đình Việt cũng gây lùm xùm một thời gian dài và chưa có hồi kết.
Theo phản ánh từ Báo Thanh niên ngày 17/12/2016, bài “Tốt nghiệp “đại học ngắn hạn” vẫn được bổ nhiệm Cục phó” thì ông Nguyễn Đình Việt khi được bổ nhiệm chưa có bằng đại học.
Quyết định tốt nghiệp của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ghi rõ ông Nguyễn Đình Việt tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển hệ cao đẳng khóa 1988 – 1991; tại Công văn số 2480/ĐH hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ “đại học ngắn hạn” của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ bằng “đại học ngắn hạn” và bằng tốt nghiệp cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành từ năm 1991 trở đi có giá trị hoàn toàn như nhau.
Trong khi đó tại Điều 5 Quyết định 3688/QĐ-BGTVT ngày 15/11/2013, Bộ Giao thông Vận tải quy định: Phó vụ trưởng và tương đương phải có bằng đại học phù hợp với lĩnh vực công tác.
Như vậy, ông Nguyễn Đình Việt đã được bổ nhiệm Cục phó khi chưa có bằng đại học như quy định của chính Bộ Giao thông Vận tải.
Môt trường hợp khác cũng tại Bộ Giao thông Vận tải, ông Hoàng Hồng Giang được tham gia thi tuyển cùng 4 Cục phó và một Hiệu trưởng khác vào chức vụ Cục trưởng đường thủy.
Kết quả là ông Hoàng Hồng Giang đã trúng tuyển với số điểm cao hơn người đứng thứ 2 chỉ 0,17 điểm (thang điểm tối đa là 100 điểm), để sau đó “nhảy cóc” từ vị trí Phó trưởng khoa của Đại học Hàng hải lên thẳng Cục trưởng.
Ông Giang chưa phải là Chuyên viên, mà chỉ là Giảng viên, vì vậy việc bổ nhiệm này cũng là trái với tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị hành chính theo chính Quy định mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Dù Bộ Giao thông Vận tải cho nợ chỉ tiêu khi bổ nhiệm, nhưng Bộ Nội vụ vẫn không cho ông Giang thi tuyển Chuyên viên chính trong kỳ thi năm 2016 vừa qua do ông Giang chưa phải là chuyên viên.
Có thể nói rằng, cần thiết phải tìm ra mọi biện pháp để nhân dân tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm soát quyền lực. Trong tất cả các vụ bổ nhiệm thần tốc, sai quy trình, không đủ tiêu chuẩn thì các cơ quan của Quốc hội cũng cần nhanh chóng vào cuộc phát huy vai trò giám sát, để thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân”.
Trở lại với vụ việc bổ nhiệm “méo quy trình” Cục trưởng hàng hải, bà An đề nghị: “Theo tôi, trường hợp này ngoài Bộ Nội vụ thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng phải vào cuộc kiểm tra, kịp thời làm rõ tất cả những băn khoăn của dư luận xã hội; vừa để giữ gìn thanh danh cho cán bộ, đồng thời cũng nghiêm khắc xử lý sai phạm của cán bộ.
Như Tổng Bí thư đã nói thì chẳng thích thú gì khi phải kỷ luật cán bộ mà trái lại còn khổ tâm, xót xa, nhưng phải kiên quyết thực hiện vì lợi ích chung của toàn dân tộc. Nếu không làm cho thật minh bạch thì sau này còn nhiều trường hợp khác bổ nhiệm cũng gây ra điều tiếng xấu, đấy là vấn đề Đảng ta phải kiên quyết đấu tranh”.
Thông tin tham khảo:
http://thanhnien.vn/thoi-su/tot-nghiep-dai-hoc-ngan-han-van-duoc-bo-nhiem-cuc-pho-774911.html
http://congluan.vn/ong-hoang-hong-giang-dang-ngoi-nham-ghe/