Không thể ép buộc người dân phải đi đường BOT

26/08/2017 09:17
Trinh Phúc
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn: "Không nên ép buộc hay có hình thức nào buộc người dân phải sử dụng đường BOT một cách miễn cưỡng".

Người dân phải có quyền lựa chọn BOT hoặc không BOT

Nhiều cầu hỏi đặt ra sau khi các trạm thu phí BOT đi vào hoạt động, trong đó câu hỏi lớn nhất đó chính là việc vì sao các trạm BOT được đặt ngay những vị trí “rất hiểm”, mà cả đoạn đường kéo dài hàng trăm km nhưng chỉ cần sử dụng 1 km cũng đã trả phí.

Anh Nguyễn Tiến An, một người dân ở Bắc Ninh chỉ ra sự thực tế "chạm vạch trả tiền" khi lưu thông trên  đường BOT Hà Nội - Bắc Giang.

Theo anh An, về nguyên tắc, BOT thu tiền khi có sử dụng đường, tức là đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.

Thế nhưng, rất kỳ lạ, đi 1km cũng thu tiền cả tuyến là 35 nghìn đồng cho xe dưới 9 chỗ.

Đây không phải là trường hợp duy nhất, tình trạng không sử dụng đường BOT vẫn phải trả tiền đang trở thành vấn đề bất cập ở nhiều nơi.

Việc người dân từng phản đối gay gắt việc thu phí ở trạm Bến Thủy (Vinh – Nghệ An), Cầu Rác (Hà Tĩnh), Cai Lậy (Tiền Giang) đều xuất phát từ việc họ bị tước quyền lựa chọn đi lại.

Tại sao phải bắt người dân đi vào đường BOT. Vì sao, không sử dụng đường BOT nhưng vẫn phải trả tiền đó là những câu hỏi đặt ra cần phải giải đáp.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (ảnh quochoi.vn).

Liên quan đến việc này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn – Phó đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An Ninh của Quốc hội.

Theo ông Dương Minh Tuấn: "Đúng là người dân có quyền lựa chọn BOT hoặc không BOT.

Đó là nguyên tắc cần được tôn trọng. Người dân phải được lựa chọn công trình giao thông nào mà họ thấy thuận tiện và hợp lý.  

Trừ những đường độc đạo như ở vùng Tây Bắc, ngoài ra giao thông phải đảm bảo được quyền tự do lựa chọn của người dân.

Không nên ép buộc hay có hình thức nào buộc người dân phải sử dụng đường BOT một cách miễn cưỡng”.

Không thể ép buộc người dân phải đi đường BOT ảnh 2Ông Dương Trung Quốc cho rằng quản lý BOT hiện nay như hộp đen

Cũng liên quan đến BOT, là đại biểu Quốc hội đi giám sát thực tế BOT tại quốc lộ 51 (Biên Hòa – Vũng Tàu), ông Dương Minh Tuấn đã phát hiện ra nhiều điểm bất cập: Từ việc chọn lựa nhà thầu cho đến các quy định về mặt pháp lý hiện nay cần thiết phải được điều chỉnh.

Đó là không được phép chỉ định thầu trong các dự án BOT vì điều này dễ nảy sinh lợi ích nhóm.

Tránh tình trạng doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, thì cần điều chỉnh quy định về vốn doanh nghiệp.

Ông Dương Minh Tuấn cho rằng: “Theo quy định, công trình dưới 1500 tỷ đồng thì tỷ lệ vốn góp doanh nghiệp là 15%, trên 1500 tỷ đồng tỷ lệ vốn góp là 10%.

Đề nghị nâng lên thêm 5% nữa, tức là dưới 1500 tỷ đồng thì tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp phải đạt là 20%, còn trên 1500 tỷ đồng là 15%.

Dứt khoát phải góp tỷ lệ vốn ngay khi triển khai dự án chứ không phải giữa chừng mới góp”. 

Có hiện tượng lợi dụng danh nghĩa BOT

Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Người dân không bức xúc với những dự án giao thông BOT mà họ bức xúc với những dự án lấy danh nghĩa BOT để thu tiền bất hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (ảnh quochoi.vn).

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, trên thực tế hầu hết những dự án thanh tra Chính phủ đang nói đến mà người dân phản đối đều là những chủ đầu tư không có năng lực.

"Về bản chất người ta mong muốn đầu tư BOT là để kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực tài chính bỏ tiền ra để đầu tư cùng với nhà nước, sau khi bỏ tiền ra họ sẽ vận hành để thu hồi.

Bởi nếu như trong bối cảnh đường giao thông không có, doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư xây dựng nên cầu, đường và người dân có đường mới, cầu mới để đi chắc chắn người dân sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền ra để mua vé.

Trên thực tế rất nhiều dự án giao thông xây dựng mới hoàn toàn (giá cao) nhưng người dân vẫn đồng tình, người ta đi chẳng ai phản đối.

Do đó, chính xác ở đây là người dân phản đối những dự án lợi dụng danh nghĩa BOT để thu tiền bất hợp lý", ông Cường nói.

Tuy nhiên việc chỉ định thầu như thời gian vừa qua sẽ khó chọn được nhà đầu tư có năng lực, có nguồn lực như mong muốn.

Khi chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu thì còn nhiều vấn đề khuất tất khác dễ phát sinh tiếp sau đó như việc khảo sát quá trình đầu tư, lập dự án, quá trình đầu tư sẽ không được minh bạch, không chính xác.

Theo ông Hoàng Văn Cường, qua theo dõi các vụ việc có thể thấy sở dĩ người dân họ phản đối xuất phát từ việc những tuyến đường giao thông từ trước đến nay người ta đang đi lại bình thường, tiền ngân sách bỏ ra sau đó đưa một dự án BOT vào để cải tạo thêm một chút kiểu như trải nhựa lên, mở rộng thêm một tý rồi tiến hành thu tiền.

"Rõ ràng, người dân đang đi không mất tiền bây giờ đem chặn đường lại thu phí là bất hợp lý. Chưa kể những vị trí đặt trạm thu phí độc đạo khiến cho người dân không có sự lựa chọn nào khác mà bắt buộc phải đi vào đường thu tiền.

Không thể ép buộc người dân phải đi đường BOT ảnh 4Nhà đầu tư BOT tay không bắt giặc, dân nghèo bị ép vào "trận địa" thu phí

Còn nếu xây dựng BOT là con đường không phải con đường hàng ngày vẫn đi, hoặc có một lựa chọn khác (hệ thống trục đường không phải đóng tiền – có thể đi lại khó khăn hơn nhưng người ta không phải bỏ tiền) thì chắc chắn người dân không ý kiến”, ông Cường nói.

Vị Đại biểu Quốc hội này lý giải thêm: “Ở những dự án người dân phản đối đều là những công trình bản thân từ trước đến nay Nhà nước đã bỏ tiền ra đầu tư rồi.

Bây giờ nhà đầu tư chỉ bỏ tiền thêm vào thôi chứ không phải bỏ tất cả. Mặc dù, bỏ thêm tiền vào nhưng thu tiền phí như nhà đầu tư mới.

Có những công trình, có những vị trí đặt trạm thu phí mà người dân không có lựa chọn nào khác. Nên mới xảy ra tình trạng như vụ trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang)".

Trinh Phúc