Nhà đầu tư BOT tay không bắt giặc, dân nghèo bị ép vào "trận địa" thu phí

19/08/2017 06:59
Trinh Phúc
(GDVN) - "Nhà nước phải kiểm soát dòng tiền chứ không thể để tình trạng như vừa rồi tất cả các doanh nghiệp BOT đều tay không bắt giặc”.

Nghịch cảnh không sử dụng dịch vụ cũng phải trả tiền

Tình trạng các trạm thu phí BOT mọc lên trên những cung đường chả liên quan gì đến các dự án BOT đang khiến người dân phản đối kịch liệt và được xem là nguyên nhân của việc dùng tiền lẻ trả phí qua trạm thu phí gây ách tắc giao thông ở Bến Thủy (Vinh – Nghệ An), Cai Lậy (Tiền Giang), Sông Rác (Hà Tĩnh)… thời gian vừa qua.

Rồi các mức thu phí đắt đỏ, lên xuống tùy tiện khiến người dân mất niềm tin vào sự minh bạch tài chính trong các dự án BOT.

Được biết, từ năm 2011 đến 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2%.

Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng.

Nhà đầu tư BOT tay không bắt giặc, dân nghèo bị ép vào "trận địa" thu phí ảnh 1BOT Cai Lậy và bài học về quyền của dân

Hiện trên các tuyến quốc lộ có 88 trạm thu phí, Bộ Giao thông vận tải quản lý 74 trạm (45 trạm đang thu phí, 29 trạm chưa thu), Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý 14 trạm (ngoài ra còn một số trạm đặt trên các tuyến tỉnh lộ).

Theo quy định của Thông tư 159, trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và khoảng cách giữa các trạm bảo đảm tối thiểu 70km, trường hợp nhỏ hơn 70km Bộ Giao thông vận tải phải thống nhất ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra tình trạng trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án hay cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án và khoảng cách giữa các trạm thu phí dưới 70 km.

Người dân phản đối vị trí và mức phí bằng cách trả tiền lẻ. ảnh: Tiền phong.
Người dân phản đối vị trí và mức phí bằng cách trả tiền lẻ. ảnh: Tiền phong.

Việc đặt các trạm thu phí ngoài các dự án BOT, thu phí với mức giá không hợp lý đang là nguyên nhân khiến người dân bức xúc, phản đối kéo dài.

Trước đây, khi trạm thu phí BOT ở cầu Bến Thủy đi vào hoạt động người dân Nghi Xuân đã chỉ ra bất cấp khi đi khám bệnh ở thành phố Vinh đón xe taxi có mất 50 nghìn đồng trong phải gánh thêm phí BOT lên đến 80 nghìn đồng.

Trong khi, người dân không sử dụng cầu Bến Thủy 2 – công trình được xây dựng theo hình thức BOT.

Điều tương tự xảy ra ở trạm thu phí Cai Lậy ở Tiền Giang, khi người dân và tài xế không sử dụng đường BOT nhưng vẫn phải đóng phí BOT.

Lý do, dựng trạm thu phí BOT không nằm trên đường BOT được xác định là nhằm đảm bảo các phương án tài chính cho nhà đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp thứ 13, Quốc hội khóa 14 đã chỉ ra các bất cập trong đầu tư BOT hiện nay:

Thứ nhất là "chuyện đường độc đạo, huyết mạch, ông bà tổ tiên để lại từ đời nào, bây giờ tôn tạo rồi thu tiền, bà con bức xúc là đúng rồi”.

Thứ hai là một số công trình, dự án kém chất lượng.

Thứ ba, giá thành dự án đầu tư cao.

Thứ tư, mật độ đặt trạm thu phí dày.

Thứ năm, công nghệ thu phí lạc hậu, còn thu thủ công thì chậm chạp, dễ gây tắc nghẽn giao thông.

Thứ sáu, việc chọn lựa và chỉ định thầu, có nhà đầu tư chưa biết gì về kỹ thuật nhưng được chỉ định thầu, trong khi đường sá liên quan đến tính mạng con người.

Đang có hiện tượng bỏ quên lợi ích của người dân sinh sống trong khu vực gần trạm thu phí BOT, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Trong khi, các nhà đầu tư BOT lại được ưu ái quá mức, trở thành mãnh đất màu mỡ.

Đơn cử như trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa) nhờ đặt trên quốc lộ 1A cách tuyến tránh thành phố Thanh Hóa (dự án BOT) tới… 50km nên đã thu được khoản tiền lớn đến mức nhờ việc đặt “nhầm chỗ” mà trạm thu phí Tào Xuyên đã giảm tới 20 năm thu phí hoàn vốn.

Tại sao lại có sai số lớn khủng khiếp như vậy? Rõ ràng khi đặt trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ nên đã thu được triệt để kể cả những xe không sử dụng đường tránh Thành phố Thanh Hóa.

Với việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư “tận thu” nên có tình trạng đổ xô vào đầu tư BOT giao thông, không ít doanh nghiệp “tay không bắt giặc” để thu được siêu lợi nhuận.

Trăm dâu đổ đầu dân nghèo

Để giúp hiểu rõ hơn về những tồn tại của các dự án BOT hiện nay, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội Khóa 13.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, chủ trương phát triển các công trình BOT giao thông là đúng nhưng trong thời kỳ phát triển nóng đã dẫn đến nhiều sai phạm từ phía quản lý cho đến phía nhà đầu tư.

Chuyên gia này cũng thừa nhận có sự “tự tung tự tác” của nhà đầu tư trong các dự án BOT.

Theo ông Bảo căn nguyên của việc này xuất phát từ việc: “Chúng ta chưa chuẩn bị được hành lang phát lý, những luật về đầu tư cho phương thức đầu tư này nên dẫn đến một sự tự tung tự tác giữa chủ đầu tư và các doanh nghiệp đứng ra làm BOT”.

Đại biểu Quốc hội khóa 13 - ông Nguyễn Ngọc Bảo (ảnh giaoduc.net.vn).
Đại biểu Quốc hội khóa 13 - ông Nguyễn Ngọc Bảo (ảnh giaoduc.net.vn).

Ông Nguyễn Ngọc Bảo đã chỉ ra những điểm bất cập như: “Các nhà đầu tư mong muốn thu hồi vốn nhanh nên dẫn đến đẩy giá thu cao, cơ quan quản lý không kiểm soát được giá. Chính vì thế mà người dân nộp phí rất bức xúc.

Khâu thẩm định BOT giao thông là khâu quan trọng nhất nhưng hiện nay hoàn toàn không đạt yêu cầu. Vì thẩm định không đạt yêu cầu nên khi triển khai thu phí thì người dân, tài xế, chủ phương tiện, doanh nghiệp bức xúc.

Tất cả các dự án BOT soát lại đều thấy một điều là thời gian thu hồi vốn quá dài, giá quá cao, nhiều điểm đặt trạm thu phí bất hợp lý”.

Nhà đầu tư BOT tay không bắt giặc, dân nghèo bị ép vào "trận địa" thu phí ảnh 4Lùm xùm ở những dự án BOT giao thông bao giờ mới đến hồi kết?

Ông Bảo cũng cho rằng: “Phải tiếp tục phát triển các dự án BOT nhưng muốn làm thì khâu kiểm soát của nhà nước phải chấn chỉnh.

Nhà nước phải kiểm soát dòng tiền chứ không thể để tình trạng như vừa rồi tất cả các doanh nghiệp BOT đều tay không bắt giặc”.

Qua trao đổi với vị chuyện gia này có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án giao thông BOT không đảm bảo năng lực tài chính tự có mà đang sử dụng phần lớn là vốn vay.

Trong bài toán vốn vay, khi làm một dự án BOT doanh nghiệp được phép vay ngân hàng theo quy định 70 – 80% tổng mức đầu tư.

Do đó, các nhà đầu tư không cần bỏ vốn ra mà chỉ cần sử dụng 70 -80% vốn vay ngân hàng theo quy định thì đã có lãi lớn.

Chính vì vậy, tất cả các dự án BOT hiện nay kinh phí đội lên rất cao so với giá trị thực và cuối cùng vẫn là tiền của từ người dân móc ví ra trả.

“Người dân có mức thu nhập rất thấp nhưng phải đóng phí rất cao. Cách thu phí của BOT còn không kích thích được doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Tại sao BOT giao thông đang nóng, vì nó nhức nhối ở khâu quản lý và khâu tổ chức thực hiện. Nó đội giá một cách vô lối, xuất hiện các điểm thu bất hợp lý.

Tôi tin rằng trong những ngày tới đây, Chính phủ sẽ giải quyết triệt để vấn đề này, đúng với tinh thần hành động, liêm chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh”, ông Bảo nói.

Trinh Phúc