Việc khó bằng trời mà nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội vẫn làm được
Thông tin kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra việc trong năm 2015 Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh khi còn là Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội – thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã hướng dẫn đến 44 học viên thạc sĩ các ngành Luật, Chính sách công, Công tác xã hội trong khi quy định chỉ được 7 khiến dư luận giật mình.
Không ít ý kiến cho rằng, một người trong một năm hướng dẫn đến 44 học viên thạc sĩ thì chỉ có “tài thánh” mới hoàn thành nhiệm vụ.
Không chỉ vậy, trong năm 2015, ông Võ Khánh Vinh còn hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh (tiến sĩ) trong khi quy định chỉ có 5.
Chính việc hướng dẫn lượng thạc sĩ, tiến sĩ vượt quy định như vậy nên dư luận đặt nghi vấn liên quan đến chất lượng của các vị thạc sĩ, tiến sĩ do ông Võ Khánh Vinh trực tiếp hướng dẫn.
Trước đây, Học viện Khoa học xã hôi đã gây ổn ào vì chỉ tiêu đào tạo 350 tiến sĩ/năm. Nhiều người ví Học viện này là “lò ấp” tiến sĩ.
Do đó, khi thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra được những điểm bất hợp lý trong việc hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ ở Viện khoa học Xã hội thì mối lo chất lượng trước đây mà dư luận đặt ra ngày càng hiện hữu.
Viện Khoa học xã hội nơi nỗi danh đào tạo 350 tiến sĩ mỗi năm (ảnh giaoduc.net.vn). |
Để có cái nhìn cụ thể hơn, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi qua điện thoại với Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Ông Phạm Văn Đức cho biết: “Vấn đề một giáo viên hướng dẫn 44 luận văn thạc sĩ trong khi quy định chỉ có 7, học viện đã được chấn chỉnh. Việc phân công hướng dẫn như thế là không được và hoàn toàn sai.
Hiện nay, Học viện bắt buộc việc phân công hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ phải theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn những gì đã phê duyệt vào năm 2015 đành phải chấp nhận. Từ nay trở đi không cho phép làm như thế nữa”.
Trước những băn khoăn, một giáo viên hướng dẫn với số lượng lớn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ như vậy có đảm bảo được chất lượng, ông Phạm Văn Đức cho biết: “Chất lượng đào tạo có hội đồng bảo vệ thẩm định.
Nguyên tắc đi học, cái quan trọng nhất là người học tự phấn đấu. Còn giáo viên với vai trò hướng dẫn, nếu có thời gian nhiều thì người ta giúp được nhiều hơn cho học viên, ít thời gian thì giúp được ít.
Hướng dẫn nhiều như vậy thì việc giúp đỡ của thầy ít và học viên sẽ vất vả hơn.
Đánh giá một cách công bằng người hướng dẫn nhiều như vậy chất lượng sẽ không tốt được.
Không thể phủ nhận vai trò, sự giúp đỡ của người hướng dẫn với học viên.
Do đó một giáo viên mà hướng dẫn nhiều học viên quá quy định cần phải được chấn chỉnh”.
Đã sai nhưng không thể hồi tố?
Phóng viên có đề cập đến cụ thể liên quan đến chất lượng của 44 luận văn thạc sĩ được ông Võ Khánh Vinh trực tiếp hướng dẫn, ông Phạm Văn Đức cho rằng: "Chất lượng do hội động người ta đánh giá, mình không đánh giá chủ quan được. Cái này, phải có hội đồng thẩm định".
Về hướng xử lý các luận văn, luận án do ông Võ Khánh Vinh hướng dẫn, ông Phạm Văn Đức có quan điểm: “Từ nay trở đi sẽ siết chặt quy chế. Còn sự việc nó qua rồi, đã xảy ra vào năm 2015 thì bây giờ hồi tố làm sao được. Cái này khó.
Còn muốn đánh giá chất lượng phải kiểm tra trên hồ sơ luận văn, luận án cụ thể”.
Qua trao đổi, ông Phạm Văn Đức phủ nhận nguyên nhân khiến một người hướng dẫn tới 44 luận văn thạc sĩ là do số lượng tuyển sinh hiện nay quá đông.
Theo ông Đức nguyên nhân xuất phát từ việc phân công người hướng dẫn.
Bởi nguồn lực của Viện Hàn Lâm khoa học Xã hội Việt Nam có đến mấy trăm tiến sĩ. Để xảy ra việc này là do sự phân công tập trung vào một người.
Sự phân công thẩm định của Giám đốc phụ trách phòng đào tạo không hợp lý chứ không phải thiếu người người hướng dẫn.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có quyền mời người bên ngoài vào hướng dẫn thêm nữa, tập trung các nhà khoa học trong cả nước thì làm sao có chuyện thiếu lực lượng hướng dẫn học viên.
Phóng viên có đặt vấn đề về lợi ích nhóm trong việc phân công nghiên cứu khoa học, ông Phạm Văn Đức cho rằng: “Đây là do phân công thôi, do lợi ích của người phân công. Quyền phân công là của Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội và Chủ nhiệm khoa.
Giám đốc mà nghiêm chỉnh thì không thể có chuyện phân công vượt quá quy định như vậy”.
Từ kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo và qua trao đổi với ông Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có thể thấy, để xảy ra việc một Giáo sư hướng dẫn đến 44 luận văn thạc sĩ, 12 nghiên cứu sinh tiến sĩ một năm là chuyện không bình thường, là “con voi chui lỗ kim” trong khoa học.
Ở bất cứ góc độ nào thì việc xử lý trách nhiệm người phân công, hướng dẫn đều phải rõ ràng không thể để “chìm xuồng” coi như việc đã rồi.
Cần thiết phải thẩm định các luận văn thạc sĩ, đặc biệt các luận án tiến sĩ của các nghiên cứu sinh do đích thân ông Võ Khánh Vinh hướng dẫn.