Ngày 28/8 Báo Tuổi Trẻ đưa tin, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là 800 nhưng chỉ có hơn nửa học sinh đủ điểm đậu, hai trường trung học phổ thông ở Phú Yên xin phép được nhận cả học sinh điểm liệt.
Khi chuyện bất thường trở nên bình thường
Ông Đặng Đình Bảy - phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du - cho biết chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 của trường là 400 học sinh.
“Tuy nhiên, kết quả thi tuyển chỉ có 240 học sinh đủ điểm, còn thiếu 160 chỉ tiêu. Hầu hết học sinh đều không vượt qua kỳ thi tuyển vào lớp 10 do bị điểm liệt (dưới 0,5 điểm/môn), một số em bỏ thi.
Đây là vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên học lực của các em cũng có hạn chế” - ông Bảy cho biết.
Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Phú - hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu - cho biết chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 của trường năm học này là 416 học sinh nhưng chỉ 284 học sinh thi đậu.
Hình minh họa: VTV.vn. |
Số còn lại hầu hết rớt do bị điểm liệt các môn.
Do đó, Ủy ban nhân dân hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa có kiến nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên xin được cho phép xét điểm trong học bạ của các học sinh thi rớt và tất cả đều được tuyển vào lớp 10.
Ông Ngô Ngọc Thư - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên - xác nhận:
“Đây là lần đầu tiên xảy ra tình huống thế này và việc giải quyết cũng là cấp thời đối với hai huyện này thôi. Còn các trường khác thiếu 15-20 học sinh thì sở không cho hạ điểm”. [1]
Báo Tuổi Trẻ ngày 31/8 đưa tin, Phú Yên mở lớp riêng cho các học sinh được "vớt" vào lớp 10.
Ông Phan Đình Phùng - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, cho biết đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này:
Phải có kế hoạch chỉ đạo hai trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (huyện Sông Hinh) và Trung học phổ thông Phan Bội Châu (huyện Sơn Hòa) bồi dưỡng, nâng cao học lực cho các học sinh bị điểm liệt nhưng được “vớt” lên lớp 10 năm học 2017-2018.
Cùng ngày, ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên cho biết:
Sở đã chỉ đạo hai trường nêu trên mở các lớp 10 riêng cho số học sinh vừa được “vớt” lên, bố trí giáo viên giỏi giảng dạy, tăng thời gian bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, học lực cho các em. [2]
Chúng tôi có thể hiểu được giải pháp của lãnh đạo tỉnh Phú Yên mang tính chính sách, nhân văn, "tạo điều kiện" cho các học sinh điểm liệt, vì hầu hết các em là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên là một nhà giáo, chúng tôi không hình dung nổi các thầy ở 2 trường này làm thế nào có thể "bồi dưỡng" được kiến thức 9 năm học cho các em lớp "vớt", bởi kiến thức là quá trình tích lũy từ thấp đến cao, cần thời gian và nỗ lực của thầy và trò.
Điều gì khiến học sinh lớp 6 rơi nước mắt vì không biết đọc, biết viết? |
Kiến thức 9 năm học liệu có "nén" lại được qua một lớp "bồi dưỡng"?
Cách đây 1 tháng, ngày 26/7 Báo Đồng Khởi đưa tin, có hơn 10 ngàn trong tổng số 14 ngàn bài thi Văn vào lớp 10 dưới điểm trung bình, chiếm tỉ lệ 80%. [3]
Báo Tuổi Trẻ ngày 27/7 dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre cho biết về sự kiện này:
Đề ngữ văn năm nay nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 9, được đánh giá là vừa sức với học sinh. Nhưng theo giáo viên chấm thi, cách hành văn, câu cú của học sinh thể hiện trong bài làm rất yếu.
Những năm trước tỉnh này cũng có khoảng trên 70% bài thi môn Văn vào lớp 10 dưới điểm trung bình. Ngoài ra, điểm Toán cũng không khá hơn, năm nay số bài dưới điểm trung bình chiếm 60%.
Vị Phó giám đốc sở bình luận:
“Kết quả điểm thi lần này đã phản ánh một phần thực tế cách dạy học môn ngữ văn ở cấp trung học cơ sở tại Bến Tre chưa được tốt lắm”. [3]
Bất ngờ với điều "bình thường ở Bến Tre" một, thì người viết ngỡ ngàng với giải pháp lãnh đạo ngành giáo dục Bến Tre mười.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn cho biết sở đã yêu cầu các phòng chuyên môn rút kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng điểm văn quá thấp ở địa phương này trong các kỳ thi. [4]
Dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh đến hết lớp 9 mà vẫn chưa "sõi", nói như Phó giám đốc Sở Nguyễn Văn Huấn là "cách hành văn, câu cú của học sinh thể hiện trong bài làm rất yếu".
Thế nhưng Bến Tre lại vừa có chủ trương thí điểm học tiếng Anh với người nước ngoài cho học sinh mần mon, tiểu học.
Báo Giáo dục và Thời đại ngày 12/7 cho biết:
Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre vừa chính thức đồng ý với tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre về việc tổ chức triển khai thí điểm việc học tiếng Anh với người nước ngoài cho học sinh ở một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn năm học 2017 - 2018.
Điều Báo Giáo dục và Thời đại gọi là "tin vui" này được ông Lê Văn Chín, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre cho biết bên lề Hội nghị Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh.
Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, 13 trường mầm non thuộc các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam và thành phố Bến Tre được thực hiện thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ;
14 trường tiểu học cũng trên địa bàn 3 huyện trên được học Tiếng Anh với người nước ngoài.
Đơn vị cung ứng "giáo viên người nước ngoài" cho Bến Tre là "công ty thuộc Nhà xuất bản Giáo dục" (được sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh).
Điều đáng buồn hơn nằm ở sự "tự hào" của người đứng đầu ngành giáo dục Bến Tre. Ông Lê Văn Chín được Báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời khẳng định:
"Hoá ra từ dưới lên trên đều cố gắng lừa dối nhau vì bệnh thành tích" |
"Năm học 2016 - 2017, giáo dục tiểu học tỉnh Bến Tre tiếp tục được giữ vững qui mô phát triển và nâng chất lượng giáo dục toàn diện theo quan điểm chỉ đạo của Ngành.
Mạng lưới trường, lớp tiểu học ổn định và được đầu tư cơ sở vật chất, phát triển theo hướng chuẩn quốc gia.
Đến nay toàn tỉnh có 9/190 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tỉ lệ 4,7% (tăng 1 trường so với cùng kì). Chất lượng giáo dục tiếp tục giữ vững." [4]
Chúng tôi không biết phải nói gì trước sự “lạc quan” của ông Giám đốc sở.
Nhưng có lẽ bạn đọc sẽ không còn thắc mắc, tại sao 3 điểm vẫn đỗ sư phạm.
Những thông tin trên, có thể gây sốc với nhiều người, nhưng lâu nay với giáo viên thì chúng cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Bởi câu chuyện học, chuyện thi trong ngành giáo dục không còn nằm trong 3 từ “bệnh thành tích” mà dư luận vẫn nói.
Nó đã trở thành căn bệnh dối trá vẫn đang hiện hữu khắp nơi và hàng ngày, hàng giờ hủy hoại nền giáo dục.
Dối trá ăn mòn ngành giáo dục
Sau sự kiện “2 không” khiến chất lượng giáo dục được đưa về đúng giá trị thật của nó trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007, dư luận bàng hoàng, ngành giáo dục lao đao nhốn nháo.
Những tưởng đây là cơ hội chấn hưng lại nền học nước nhà sau lời kêu gọi “nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử”, nhưng sức ép từ chính phụ huynh, xã hội và chính quyền địa phương quá lớn, ngành giáo dục đã đánh mất cơ hội.
Cứ nhìn những áp lực và phản ứng từ dư luận, đặc biệt là chính phụ huynh học sinh trường Trung học phổ thông Vân Tảo với thầy Đỗ Việt Khoa là có thể thấy bản chất vấn đề.
Người ta chấp nhận dối mình, dối người chứ không chấp nhận sự thật.
Người ta sống trong ảo tưởng thay vì đối diện với hiện thực và tìm ra giải pháp thực sự căn bản, lâu dài.
Để rồi từ năm 2008 về sau, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông lại quay trở về con số 98%, 99% và năm sau cao hơn năm trước.
Cá nhân người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương các cấp và phụ huynh, nhà trường đã nhầm lẫn về “bệnh thành tính”.
Nói đúng ra, đó là bệnh “DỐI TRÁ”.
Người trong cuộc VNEN, sao đến bây giờ thầy mới nói? |
Quay trở lại với câu chuyện hôm nay. Bạn nghĩ gì khi một học sinh thi “đỗ lớp 10” chỉ đạt 0.5 điểm / môn?
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, tuyển những học sinh này vào giáo viên sẽ dạy thế nào? Học sinh sẽ học ra sao?
Xin thưa, chỉ khoảng giữa năm học, tức là thi học kì 1 thì kết quả học tập của những học sinh này sẽ “được cải thiện đáng kể”.
Sẽ xuất hiện nhiều con số ấn tượng như học sinh giỏi, học sinh tiên tiến chiếm khoảng 50-60%, học sinh yếu kém chỉ còn khoảng 10%.
Và cuối năm học, tỉ lệ lên lớp thẳng có khi gần chạm ngưỡng 100%. Và cũng những học sinh này sau 3 năm học, chắc chắn sẽ thi đỗ tốt nghiệp đến 99%.
Có ai muốn biết, bí quyết để học sinh đạt kết quả thần tốc như thế?
Chẳng phải như các bản báo cáo thành tích mà nhà trường thường đọc mỗi khi làm lễ sơ kết, tổng kết rằng:
“Nhà trường đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Giáo viên đã nỗ lực thay đổi phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm, có kế hoạch kèm cặp học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh khá giỏi có chất lượng…”.
Những bí quyết nâng chất lượng học sinh kiểu này thì giáo viên nào cũng biết, cũng hiểu.
Chỉ có điều, nếu muốn tiếp tục sống với nghề thì cần im lặng. Họ không được phép nói, không được phép viết hoặc nhận xét vào hồ sơ, giấy tờ.
Giáo viên chỉ còn mỗi quyền ngầm hiểu với nhau và cùng nhau dối lừa (một cách có ý thức).
Bí quyết nâng "kết quả" học tập
Nhà trường tổ chức dạy thêm gọi là dạy phụ đạo một cách bắt buộc. Giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà, tại trung tâm và chủ yếu dạy học trò của mình trên trường.
Thầy cô là người ra đề nên hầu như toàn bộ đề kiểm tra, đề thi đã được ôn luyện “nhừ như cháo” ở các lớp học thêm.
Những học sinh này khi kiểm tra, khi thi đương nhiên sẽ là những học sinh đạt điểm 9, 10 ngất ngưởng.
Số học sinh còn lại hoặc chỉ đi học thêm trên trường, học sinh do gia cảnh quá nghèo không thể đi học được nhưng do thầy cô sợ học sinh thi bị nhiều điểm liệt sẽ ảnh hưởng đến thi đua của bản thân.
Bởi thế, thầy cô thường rút gọn đề cương ôn tập vào những ngày gần thi, nới đáp án để học sinh dễ đạt điểm cao, tránh được điểm liệt…
Để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp quốc gia, nhiều nhà trường lại ngầm chỉ đạo giáo viên nới rộng ba-rem điểm để trao cho học sinh “phép lợi thế” khi xét tốt nghiệp.
Thế nên không ít em thi đạt 2 điểm nhưng lại có điểm tổng kết môn là 8.0.
Dư luận chắc chẳng ai quên được cách đây đúng 10 năm mà chúng tôi vừa nhắc lại phía trên.
Do công tác coi thi bậc trung học phổ thông được xiết chặt nên có hàng trăm trường tỉ lệ tốt nghiệp chạm đáy là 0%.
Nhưng năm học này, những ngôi trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp 0% ấy đã bất ngờ cho kết quả tốt nghiệp là 100%.
Điều gì làm nên chiến tích ấy? Chắc chắn không thể tránh khỏi những bí quyết vừa được trình bày ở trên.
Chuyện học sinh học yếu nhưng thi toàn đạt điểm cao gần như cả xã hội biết. Nhưng “xã hội" còn mải làm mải ăn, biết rồi cũng để đấy.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhập khẩu mô hình Trường học mới từ Colombia về Việt Nam (VNEN), tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng.
Chất lượng giáo dục thực sự bị che dấu bằng đủ mọi cách, như bỏ chấm điểm, bỏ thi…
Đó là lý do tại sao các quan chức ngành giáo dục, các “chuyên gia” dự án VNEN cố hết sức để ca ngợi thành tựu, thành công mà dân chẳng ai tin, theo những gì tôi thấy, tôi biết.
Chưa có mô hình nào lãnh đạo bộ, giám đốc sở, trưởng phòng, hiệu trưởng không ngớt lời khen ngợi mà dân lại phản đối, năm lần bảy lượt làm đơn xin dừng mô hình ấy lại để cứu con em họ như VNEN.
Để khắc phục thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn thẳng vào vấn đề để tìm nguyên nhân xử lý, chuyện này cấp thiết hơn rất nhiều chuyện thay sách, thay chương trình như hiện nay.
Với thực trạng giáo dục đáng buồn như thế, và chừng nào sự dối trá vẫn còn ngự trị thì chừng đó dù có đổ tiền tỉ tiền tấn cho những bộ sách giáo khoa mới cũng vô ích, huống gì chương trình mới chưa xong đã vấp phải nhiều lỗi cơ bản.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://tuoitre.vn/mo-lop-rieng-cho-cac-hoc-sinh-duoc-vot-1378054.htm
[3]http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=55639