Trên cơ sở kết quả rà soát các luật thuế hiện hành, Bộ Tài chính đã có công văn số 4191/BTC-CST ngày 30/3/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế hiện hành, gồm có Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên.
Ngày 19/4/2017, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3964/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Ngày 6/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, theo đó dự án Luật này được giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch xây dựng dự án Luật trong Quý III/2017.
Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho sửa đổi, bổ sung 05 Luật thuế hiện hành. (Ảnh: vksbacninh.gov.vn) |
Nhìn chung nhiều ý kiến chuyên gia và người dân, doanh nghiệp đồng tình với sự cần thiết và mục tiêu việc sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế hiện hành trên để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14 và thực tiễn hội nhập mới...
Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đồng thuận với định hướng chung về điều chỉnh các luật định liên quan theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, điều chỉnh phạm vi, đối tượng;
Rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệpvà ổn định kinh tế vĩ mô...
Đặc biệt, dư luận và doanh nghiệp cũng hoan nghênh việc sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế hiện hành còn nhằm khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần tăng cân đối ngân sách nhà nước, với yêu cầu cải cách tổng quát từng sắc thuế là:
Về thuế giá trị gia tăng: Giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%;
Xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường;
Đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu);
Hoàn thiện phương pháp tính thuế, tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế;
Quy định về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế giá trị gia tăng phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều sản phẩm hàng hóa |
Về thuế tiêu thụ đặc biệt: Điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và thực hiện các cam kết quốc tế;
Bổ sung quy định về giá tính thuế đối với một số trường hợp hợp tác, phân công giữa các nước trong chuỗi sản xuất toàn cầu, bảo đảm điều tiết công bằng giữa hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu;
Kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Điều chỉnh giảm mức thuế suất chung theo lộ trình phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh;
Đơn giản hóa chính sách ưu đãi thuế theo hướng hẹp về lĩnh vực, tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn;
Bổ sung quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế;
Bổ sung các quy định để bao quát được các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong kinh tế thị trường hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế như:
Hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế, hiện tượng “vốn mỏng” khi xác định chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay, điều chuyển hoặc đánh giá lại tài sản khi tái cơ cấu doanh nghiệp, thỏa thuận trước về giá của các doanh nghiệp liên kết.
Về thuế thu nhập cá nhân: Mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế;
Sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế;
Điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế; cơ bản thống nhất mức thuế suất đối với thu nhập cùng loại hoạt động hoặc hoạt động tương tự đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân (doanh nghiệp);
Điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.
Về thuế tài nguyên: Quản lý, bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo;
Thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu và góp phần hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến;
Sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế, thuế suất và thực hiện phương pháp quản lý thu cho phù hợp với thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên theo từng giai đoạn.
Đề xuất sửa đổi một số điều luật về thuế, phải đảm bảo công khai minh bạch |
Dư luận cũng đồng tình với việc điều chỉnh Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân như bổ sung quy định khống chế chi phí được trừ đối với chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) để đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu để kinh doanh, với doanh nghiệp sử dụng vốn vay (chi phí lãi vay được tính vào chi phí), đồng thời đảm bảo an toàn tài chính vĩ mô;
Tăng ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ để thực hiện Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ; ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư tại Khu (Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung); dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ;
Đồng thời, điều chỉnh chính sách thuế đối với cá nhân có thu nhập từ trúng thưởng theo hướng tăng điều tiết vè ngân sách nhà nước...;
Sửa đổi chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, với mức thuế suất thông thường 10% và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Đặc biệt, các doanh nghiệp hoan nghênh việc điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ (áp dụng thuế suất 17%) và doanh nghiệp siêu nhỏ (áp dụng thuế suất 15%).
Trong đó, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng thuế suất ưu đãi chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ như đang nêu tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (không áp dụng mức thuế suất 17% đối với doanh nghiệp vừa).
Hơn nữa, có thể nghiên cứu bỏ quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế giá trị gia tăng để chuyển sang chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất thông thường 10%;
Bỏ điểm n khoản 2 Điều 8 quy định về hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim được áp dụng thuế suất 5% để chuyển sang áp dụng mức VAT 10%;
Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng như quy định tương ứng tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được thể hiện tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật và khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật.
Ngoài ra, dư luận cũng đồng tình nên tăng mức thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và thuốc lá, ô tô phân khối lớn, phát thải ô nhiễm môi trường cao; Tăng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn, casino...
Đồng thuận cao, song không phải không có ý kiến băn khoăn về sự tương hợp giữa các nguyên tắc và yêu cầu điều chỉnh với những đề nghị chỉnh sửa một số nội dung cụ thể trong các luật thuế theo giải trình trên đây, nổi bật là:
Thứ nhất, cân nhắc mức tăng thuế suất VAT phổ thông từ 10% lên mức mới 12% để không làm giảm khả năng thanh toán và sức mua thị trường đang còn thấp, cũng như làm tăng gánh nặng tiêu dùng cho người dân có thu nhập trung bình và thấp trong bối cảnh mức thu nhập và mức sống đa số người dân còn thất như hiện nay.
Hơn nữa, việc tăng mức thuế phổ thông này có thể làm giảm tiêu dùng và kéo theo giảm sản xuất, giảm đóng góp ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa và dịch vụ chịu mức tăng thuế VAT và các mức thuế khác.
Thứ hai, cần chú ý cân nhắc việc bỏ quy định tính thuế VAT 5% đối với “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên”.
Hiện nay, trước vấn nạn xuất khẩu tài nguyên thô và tận khai thác các nguồn lợi từ tài nguyên, việc bãi bỏ quy định thuế nêu trên dễ tạo thêm kẽ hở và động lực kéo dài, thậm chí làm đậm thêm xu hướng này;
Ngoài ra, việc bỏ quy định này còn làm tăng xu hướng bao cấp ngược của Việt Nam (ví dụ như trong ngành xi măng, thông qua giá điện thấp) cho người tiêu dùng nước ngoài và dung dưỡng các doanh nghiệp dùng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn và làm căng thẳng cân đối năng lượng trên thị trường trong nước...
Thứ ba, cân nhắc kỹ việc dự kiến điều chỉnh bỏ điểm a khoản 2 Điều 8 quy định về nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt áp dụng thuế suất 5% để chuyển sang áp dụng mức thuế suất 10%, vì như vậy có thể làm tăng chi phí nước sạch của người dân có thu nhập trung bình và thấp trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực áp dụng chuẩn giảm nghè đa chiều bền vững từ năm 2016...
Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng, bảo đảm hài hòa mục tiêu và lợi ích, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu và điều tiết tiêu dùng xa xỉ, tăng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lòng tin và chất lượng sống người dân;
Cũng như triển khai đồng thời với các giải pháp tiết kiệm chi tiêu, thúc đẩy cải cách hành chính phải là nguyên tắc xuyên suốt cùng với mục tiêu cân đối ngân sách nhà nước trong điều chỉnh thuế lần này.