LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được lá thư từ thày Đạt Nguyễn, nguyên là một cán bộ quản lý giáo dục ở Đồng Nai gửi cô giáo Thuận Phương, chia sẻ những nỗi niềm của “người trong cuộc” về mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Đây cũng là chủ đề được rất nhiều thày cô giáo và phụ huynh có con em đang theo học mô hình VNEN. Lá thư cũng là lời nhắn gửi của một “người trong cuộc” đến các thày cô vẫn đang tiếp tục dạy VNEN.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải lá thư này. Nội dung và văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Kính gửi: Cô giáo Thuận Phương
Tôi viết thư này để bày tỏ sự trân trọng của cá nhân tôi đối với cô khi cô dũng cảm công khai tự nhận mình đã “diễn” trong quá trình dạy học theo mô hình VNEN.
Tôi cảm nhận được ở cô lòng chân thật và ý thức sâu sắc về vai trò và lương tri nhà giáo.
Người ta thường có thể tự nhận về mình nhiều loại yếu kém, thiếu sót khác nhau – khi không thể chối cãi, bao biện được nữa, nhưng không hề dễ dàng nhận là mình dối trá, thiếu thành thật.
Nhưng thưa cô, tôi nghĩ là cô không cần phải áy náy như thế. Cô không hề làm gì sai trái.
Bình tĩnh đọc lại tài liệu tập huấn nghiệp vụ chuyên môn của dự án VNEN, cô sẽ thấy là cô đã làm hoàn toàn đúng và đủ theo những gì cô được yêu cầu trong việc “đào tạo, huấn luyện” các nhóm trưởng – “linh hồn” của nhóm học tập, một “thành tố đặc trưng, quan trọng” của VNEN.
Người dẫn chương trình Vấn đề hôm nay, Ban thời sự VTV và nhà giáo Lê Tiến Thành trao đổi về VNEN hôm 30/8, ảnh chụp màn hình. Nguồn: VTV.vn. |
“Nhóm trưởng là linh hồn của nhóm học tập, là người điều hành, giám sát hoạt động học của mỗi thành viên trong nhóm.
Nhóm trưởng là người hỗ trợ tích cực giáo viên trong việc tổ chức, điều hành các hoạt động và báo cáo với giáo viên kết quả học tập hay những vướng mắc trong học tập của nhóm cần hỗ trợ.
Một nhóm trưởng tốt là phải tạo cơ hội để mọi thành viên tự giác trong tự học, tích cực tham gia các hoạt động nhóm.
Đối với các bạn nhút nhát, thiếu tự tin, cần được nói nhiều, trao đổi nhiều, thể hiện nhiều trong hoạt động nhóm. Không để tình trạng một số thành viên khá làm thay, làm hộ các thành viên khác trong nhóm.”
“Trước mắt, giáo viên chọn những học sinh khá, giỏi, có khả năng điều hành làm nhóm trưởng, bồi dưỡng năng lực điều hành cho các em.
Giáo viên hướng dẫn để các nhóm trưởng có kĩ năng điều hành nhóm, hiểu được các bước của quá trình học tập, biết tổ chức để mọi thành viên trong nhóm đều tích cực, tự giác thực hiện các hoạt động học.
Các học sinh yếu cần được quan tâm nhiều hơn để theo kịp nhóm; những học sinh yếu, nhút nhát chưa nên bầu làm nhóm trưởng.
Nếu giáo viên chủ nhiệm bồi dưỡng được đội ngũ các nhóm trưởng tốt thì đã đảm bảo sự thành công của Mô hình trường học mới.
Lâu dài cần có sự luân phiên làm nhóm trưởng; như vậy mới tạo sự bình đẳng giữa các thành viên trong nhóm, giúp tất cả các thành viên trong nhóm tự tin trước mọi người”.
(Trích nội dung trang 6-7, Tài liệu Hướng dẫn tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các trường thực hiên mô hình VNEN tại Việt Nam – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Người trong cuộc VNEN, sao đến bây giờ thầy mới nói? |
Như vậy, rõ ràng là để bảo đảm cho “sự thành công của mô hình VNEN”, cả giáo viên và học sinh chúng ta chắc chắn phải dành không ít thời gian và công sức.
Nhóm trưởng là một “chức vụ” của học sinh VNEN, có trách nhiệm nào là hỗ trợ giáo viên tổ chức, điều hành các hoạt động học, nào là điều hành, giám sát hoạt động học của mỗi thành viên trong nhóm,…
Yêu cầu về năng lực với nhóm trưởng, nào là phải có kĩ năng điều hành nhóm, hiểu được các bước quá trình học tập, nào là biết tổ chức để mọi thành viên trong nhóm đều tích cực, tự giác thực hiện các hoạt động học…
Với mục đích và yêu cầu đào tạo các “nhóm trưởng” như trên, cô và nhiều đồng nghiệp chúng ta trong các lớp VNEN đang thực thi một nhiệm vụ rất quan trọng là:
Đào tạo một số học sinh khá, giỏi trong lớp mình phụ trách trở thành gần như là giáo viên hay chí ít thì cũng là nhân viên hỗ trợ giáo viên.
Trải qua thời gian đào tạo trong trường sư phạm và bao nhiêu năm thực tế giảng dạy, nhiều anh em giáo viên chúng ta có lẽ cũng chỉ mong có thể thực hiện được những yêu cầu và khả năng đến thế.
Nay chúng ta lại bị yêu cầu phải nhắm đến việc đào tạo lại cho học sinh thân yêu chúng ta đạt được những điều này thì nhất định phải đòi hỏi “tuyệt đỉnh công phu”.
Chính yêu cầu mới mẻ đến mức khác lạ này đã khiến nhiều anh em giáo viên dù đã phải làm việc nhiều hơn nhưng vẫn còn bị nhìn nhận là “chưa đủ năng lực để dạy VNEN”.
Nhưng thôi, chúng ta hãy tạm gác việc bàn về công sức của giáo viên (vì đấy cũng có thể chỉ thuộc vào dạng “nước sông, công lính”) để nhìn về phía học sinh.
Học sinh khá, giỏi thì ở đâu cũng có; thậm chí có nơi, có lúc, giáo viên nhiều năm kinh nghiệm còn có thể nhận diện được một số trường hợp trẻ khôn sớm, già dặn trước tuổi (precocious).
Nhưng đó chỉ là so sánh với những trẻ em cùng trang lứa. Còn việc trở thành nhóm trưởng với các đòi hỏi về trách nhiệm và năng lực như trên thì quả là một áp lực không hề nhỏ cho các em.
VNEN vô hiệu hóa người thầy, càng sửa càng rối |
Vậy vì lẽ gì mà các em phải sớm quên đi những niềm vui học tập của tuổi hồn nhiên, thơ ngây để nhanh chóng trở thành những “cán bộ nòng cốt” và “linh hồn” cho mô hình VNEN?
Vì sự thành công của mô hình ư?
Trong khi đó, ở các lớp phổ thông bình thường, nhóm trưởng cũng cần thiết trong các hoạt động nhóm, nhưng không ai nỡ đặt trên vai các em trách nhiệm nặng nề và vai trò lớn lao đến thế.
Đó là nhờ giáo viên thường có sự chọn lọc cẩn thận về nội dung, mục đích và cách thức tiến hành sao cho vừa sức với học sinh.
Về thời gian, theo yêu cầu nội dung chương trình giáo dục, thời gian học tập của học sinh trong trường đều được phân bố khá sít sao thành các tiết học hay hoạt động giáo dục.
Nay lại thêm yêu cầu huấn luyện, đào tạo nhóm trưởng (cũng như một số chức vụ khác trong hội đồng tự quản) như vậy thì giáo viên đâu còn cách nào khác hơn là cắt bớt thời gian học tập thực sự cho tất cả học sinh?
Trước áp lực đối với giáo viên và học sinh như vậy, dù cố gắng hay tài giỏi đến mấy, cô cũng chỉ có thể dạy cho các em nhóm trưởng một số câu, kiểu cách phát biểu mẫu nào đó để sử dụng khi cần báo cáo, đánh giá, nhận xét,…
Và chắc cô cũng đồng ý với tôi là các em nhóm trưởng ấy đã học khá nhanh và thực hiện với dáng vẻ như là rất tự tin, mạnh dạn;
Nhưng không cần phải là người tinh ý lắm mới có thể nhận thấy là hình như có điều gì đó không phải, không đúng, không phù hợp đã đặt lên những gương mặt bị làm cho già sớm của các em.
Vì vậy cho nên cô cảm thấy áy náy, phải không, thưa cô Thuận Phương?
Nhưng cô ơi, không phải chỉ riêng cô hay tôi có cảm nhận như vậy đâu.
Sau một thời gian thâm nhập vào các lớp VNEN, ông Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đã nhận xét “Nó cứ như theo bài bản;…Đại khái nó như bài học thuộc lòng” về cách thức mà học sinh thực hiện các hoạt động trong lớp.
Đấy là ông ấy tế nhị, không nỡ nói thẳng, nói huỵch toẹt là chúng ta đang diễn mà thôi.
Nhà giáo Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, nguyên Giám đốc Dự án Trường học mới Việt Nam (GPE-VNEN) hôm 30/8 nói trên chương trình Vấn đề hôm nay rằng, nếu phụ huynh không chấp nhận mô hình VNEN thì thôi. Ảnh chụp màn hình, VTV.vn. |
Nào là "đây không phải là Trường học mới”; nào là “các em lên tự quản, nhưng thực ra là diễn tập nhiều hơn” và “thảo luận nhóm cũng không phải thảo luận thật, mà nhiều khi là trình diễn nhiều hơn”.
Nhưng tôi biết chắc rằng những nhận xét bi quan như thế này các chuyên gia nước ngoài chỉ nói thẳng với các vị cấp cao của chúng ta.
Chứ không bao giờ họ trực tiếp nói với giáo viên mình một cách thiếu tế nhị đến vậy, cho dù họ có nôn nóng với sự thành công của mô hình này đến mức nào.
Vì vậy, những giáo viên có lương tâm như cô – nếu còn phải tiếp tục “tự nguyện” theo VNEN, hãy bình tâm chịu đựng và cố gắng làm theo đúng những hướng dẫn.
Tôi tin rằng, sau khi hết đổ lỗi cho giáo viên “không đủ năng lực”, “chưa quen với phương pháp dạy học mới”, nhất định trong thời gian rất gần sắp tới, những vị chủ soái VNEN sẽ tiếp tục chê trách là học sinh chúng ta chưa biết tự chủ, tự giác, v.v…
Và cuối cùng, họ sẽ đưa ra kết luận rất quan trọng như sau:
Do chưa có công cụ phù hợp để đo chính xác khả năng học sinh chúng ta hội tụ đủ các loại “tự” – từ “tự giác, tự quản, tự học”,.. cho đến “tự chủ, tự tin”, nên không thể nói là VNEN không thành công.
Tuy nhiên, cũng vì học sinh chưa có thể “tự” đến mức độ cần và đủ, nên VNEN sẽ tự giải tán.
Và có lẽ, chúng ta cũng chỉ có thể mong chờ sự thành thật đến mức ấy thôi cô ạ.
Chúc cô luôn vui, khoẻ - dù có VNEN hay không.