Đánh giá và xếp hạng đang là mối quan tâm lớn của các trường đại học trên thế giới.
Đặc biệt, từ năm 2003 sau khi Đại học Giao thông Thượng Hải công bố bảng xếp hạng đại học toàn cầu lần đầu tiên, các bảng xếp hạng đại học khác ra đời, như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics,…
Không chỉ sinh viên tham khảo kết quả xếp hạng để chọn trường, mà bản thân các trường cũng sử dụng kết quả này để điều chỉnh hoạt động của mình.
Ở Việt Nam, năm 2013 Báo cáo Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 có một hạng mục đáng lưu ý:
Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu có một trường đại học lọt vào danh sách 200 đại học tốt nhất trên thế giới.
Tuy nhiên cho đến nay, năm 2017 này trong các bảng xếp hạng đại học uy tín, Việt Nam vẫn chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách 1000 đại học trên thế giới.
Hơn nữa thực tế cho thấy, các trường đại học Việt Nam yếu về tính cạnh tranh, thiếu động lực trong việc minh bạch thông tin, hội nhập quốc tế.
Chính vì vậy nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam - một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, đã tiến hành đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Tại buổi công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành vào chiều 6/9, Tiến sĩ Lưu Quang Hưng - thành viên của nhóm cho rằng:
Nhu cầu và sự thôi thúc cần xếp hạng trường đại học là cần thiết, nhưng dư luận chờ đợi đã lâu, chưa có một tổ chức nào làm việc này mà chỉ có phân tầng chung chung.
Mặc dù nhóm chuyên gia cũng lường trước các phản ứng trái chiều sau khi công bố kết quả này nhưng vẫn quyết tâm làm, với mong muốn góp phần tạo nên động lực cho các trường đại học Việt Nam nhìn nhận lại mình và chuyển động.
Để có được kết quả này, nhóm nghiên cứu đã tập hợp số liệu từ hơn 100 trường đại học trên khắp Việt Nam, sau đó tiến hành xếp loại 49 cơ sở giáo dục đại học có số liệu đầy đủ nhất.
Trong đó, 49 cơ sở giáo dục đại học gồm 5 đại học cấp quốc gia và cấp vùng, 5 học viện, 39 trường đại học công lập và tư thục.
Tiến sĩ Lưu Quang Hưng - thành viên của nhóm cho rằng, nhu cầu và sự thôi thúc cần xếp hạng trường đại học là cần thiết, nhưng họ chờ đợi đã lâu chưa có một tổ chức nào làm việc này mà chỉ có phân tầng chung chung. (Ảnh: Thùy Linh) |
Ông Hưng cho hay, nhóm không đưa vào danh sách các cơ sở giáo dục thuộc khối an ninh, quân đội, chính trị.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học mới thành lập, một số trường liên kết với nước ngoài và một số cơ sở giáo dục đại học địa phương cũng không được đưa vào, vì thiếu số liệu công khai.
Bên cạnh đó, nhóm cũng chưa xếp hạng các trường cao đẳng hoặc tương đương.
Chi tiết 3 tiêu chí xếp hạng đại học Việt Nam
Nguyên tắc xếp hạng được nhóm chuyên gia áp dụng gồm:
Phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế với dựa trên bộ 3 tiêu chí xếp hạng là nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%).
Cụ thể:
Về tiêu chí nghiên cứu khoa học, nhóm cho rằng năng lực nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học có quan hệ mật thiết với số ấn phẩm khoa học của trường.
Ở đây, nhóm lấy số lượng công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế, chuyên ngành và có phản biện làm thước đo đánh giá.
Thước đo này đều được các bảng xếp hạng như THE của tạp chí Times, ARWU của Đại học Giao thông Thượng Hải và WUR của tổ chức QS sử dụng.
Đại học Y và Ngoại thương chỉ là trường trung bình trong bảng xếp hạng 49 |
Về giáo dục và đào tạo, nhóm nghiên cứu đánh giá chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
Trình độ và năng lực đội ngũ giảng viên; năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành nhà trường; chất lượng khung chương trình giảng dạy; không gian lớp học…
Nhóm dùng số lượng cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có trình độ tiến sĩ trở lên được dùng làm thước đo về chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, số lượng sinh viên theo học và chất lượng đầu vào của học viên cũng được đánh giá.
Về cơ sở vật chất và quản trị, chất lượng học tập, giảng dạy và nghiên cứu cần đi liền với cơ sở vật chất tốt.
Những cơ sở giáo dục đại học có cơ sở vật chất tốt phải có môi trường sư phạm rộng rãi, thư viện chất lượng. Không gian lớp học chật hẹp sẽ bị đánh giá kém.
Ngoài ra, nguồn thông tin tham khảo trong thư viện đóng vai trò rất quan trọng. Nhóm đo chất lượng thư viện bằng tỷ lệ đầu sách trên sinh viên.
Như vậy, trường càng có nhiều sách phục vụ nghiên cứu học tập, sinh viên càng có nhiều cơ hội tiếp cận để nâng cao chất lượng học tập.
Và trong mỗi tiêu chí thành phần được lựa chọn phải thỏa mãn 5 điều kiện sau:
Thứ nhất, phản ánh chất lượng của cơ sở giáo dục phù hợp (conformable) với nguyên tắc xếp hạng đã được thiết lập;
Thứ hai, lượng hóa được (measurable) dưới dạng số liệu (data);
Thứ ba, giúp phân biệt được một cách định lượng cao thấp (differantable) giữa các trường với nhau;
Thứ tư, số liệu cho tiêu chí phải thu thập được (collectable) từ các nguồn công khai trên internet, bao gồm trang web của trường, cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế (Web of Science, Scopus),..;
Thứ năm, số liệu cho tiêu chí phải hiện hữu trên đa số (prevalent) trường được lựa chọn.
Trong bảng xếp hạng, các tác giả phân bổ hai tiêu chí lượng hóa quy mô-chất lượng theo tỷ lệ tương đương 1:1.
Phân bổ về điểm số và tiêu chí thành phần lại được chia nhỏ chi tiết hơn, như sau:
Một là, về thước đo về nghiên cứu khoa học dựa trên số liệu là các công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, gồm:
* Quy mô và chất lượng nghiên cứu (20%)
* Mức độ ảnh hưởng trong khoa học của các nghiên cứu (10%)
* Năng suất nghiên cứu (10%)
Hai là, về thước đo về giáo dục và đào tạo tập trung đánh giá quy mô, chất lượng sinh viên và đội ngũ giảng dạy:
* Quy mô đào tạo (10%)
* Đội ngũ giảng dạy (10%)
* Chất lượng giảng dạy (10%)
* Chất lượng sinh viên (10%)
Ba là, về thước đo về cơ sở vật chất và quản trị gồm:
* Giảng đường và thư viện (10%)
* Chất lượng quản trị (10%)
Nguồn số liệu cho hai thước đo sau được lấy từ báo cáo ba công khai, công bố trên website của trường, điểm thi đại học và chỉ số minh bạch thông tin.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng, báo cáo này chỉ là một cách xếp hạng phản ánh góc nhìn riêng của nhóm.
Các nhóm xếp hạng khác có thể tự xây dựng chỉ số và đưa ra những trọng số khác nhau, đưa đến kết quả xếp hạng khác đi.
Kết quả công bố gây nhiều tranh cãi
Ngay trong buổi công bố, Bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam đã gây ra khá nhiều tranh cãi.
Danh sách xếp hạng tổng thể của 49 trường đại học như sau:
Kết quả này cho thấy, các đại học quốc gia và đại học vùng đều có thứ hạng cao.
Ba trong tổng số năm trường dẫn đầu là các đại học quốc gia và vùng ở trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ 1), Đại học Đà Nẵng (thứ 4) và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (thứ 5).
Trong nhóm 10 trường hàng đầu còn có sự góp mặt của các đại học lớn khác là Học viện Nông nghiệp (thứ 3), Đại học Cần Thơ (thứ 6), Đại học Bách khoa Hà Nội (thứ 7), và Đại học Sư phạm Hà Nội (thứ 10).
Điều gây ngạc nhiên là một số trường đại học trẻ lại chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng, bao gồm trường Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 2) và trường Đại học Duy Tân (hạng 9).
Trong khi đó, các trường đại học thuộc khối kinh tế có tiếng lâu nay và là lựa chọn của nhiều sinh viên giỏi (điểm thi đầu vào luôn thuộc nhóm 10-30% của phổ điểm) đều có xếp hạng trung bình, như các trường Đại học Ngoại thương (thứ 23), Đại học Thương mại (thứ 29), Đại học Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40).
Theo nhóm nghiên cứu, thứ hạng cao chủ yếu đến từ thành tích về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách đầu tư và khuyến khích xuất bản của các cơ sở giáo dục đại học này.
Tại tọa đàm, một số ý kiến nhận định nếu dựa trên những tiêu chí nhóm nghiên cứu đã nêu, Đại học Bách Khoa Hà Nội phải giữ thứ hạng cao hơn, không phải hạng 7 như công bố.
Theo đó, nhóm nghiên cứu giải thích, họ coi mỗi đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là cơ sở giáo dục đào tạo thống nhất, các trường đại học thành viên là một bộ phận.
Do vậy, nhóm không xếp hạng các trường đại học thành viên mà chỉ xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học quốc gia.
Cơ sở này tương tự với các đại học vùng. Do đó, trừ Đại học Tôn Đức Thắng, 5 trường đại học xếp trên Đại học Bách Khoa Hà Nội đều có ưu thế hơn.
Bên cạnh việc tiếp thu các ý kiến phản biện, Tiến sĩ Lưu Quang Hưng khẳng định: "Thứ hạng này không đồng nghĩa với chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng sinh viên".
Khó khăn trong quá trình nghiên cứu
Được xem là nhóm xây dựng bảng xếp hạng đại học tổng thể đầu tiên tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu gồm sáu người gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thu thập dữ liệu.
Chẳng hạn, mô hình đại học tại Việt Nam không thống nhất, các trường chuyên ngành và đa ngành có nhiều khác biệt, thiếu số liệu, hoặc có số liệu nhưng không đáng tin cậy và không cập nhật.
Đại học Bách khoa Hà Nội đứng đầu cả nước trong bảng xếp hạng Webometrics |
Do đó, công việc của nhóm bị kéo dài nhiều nhất ở việc tìm kiếm, sàng lọc số liệu.
Vì thế dù nghiên cứu hơn 100 đại học, nhóm chỉ đưa ra kết quả xếp hạng 49 trường được thu thập đầy đủ thông tin, với mong muốn đem lại tiếng nói độc lập, trung thực và khách quan về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay.
"Trong tương lai, Việt Nam có thể có thêm nhiều bảng xếp hạng với các tiêu chí được lựa chọn hoàn toàn khác biệt.
Đây là một phần mục đích của nhóm chúng tôi khi thực hiện nghiên cứu, nhằm thúc đẩy các tổ chức nghiên cứu xếp hạng, khiến các đại học trong nước đổi mới và nâng cao chất lượng, dần khẳng định mình không chỉ ở các bảng xếp hạng trong nước mà còn ở quốc tế", Tiến sĩ Hưng nói.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu hy vọng bảng xếp hạng sẽ tạo động lực cho các trường đại học ở Việt Nam thực hiện cải cách. Hơn nữa hy vọng rằng, sang năm, nhóm nghiên cứu có thể tiến hành đánh giá trên từng lĩnh vực một cách cụ thể hơn.
Thành viên của nhóm nghiên cứu gồm 6 người: - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách DEPOCEN (đồng chủ biên báo cáo); - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh tại Đại học East Angila, Anh. |