Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 2): Mưu sinh và những cung đường đau khổ

17/09/2017 06:54
XUÂN QUANG - HỮU CHÍ
(GDVN) - Những khó khăn mà giáo viên cắm bản vùng biên viễn đang phải đối mặt không thể làm nhụt chí các thầy, cô giáo nơi đây...

Nếu không một lần chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của họ, tôi chẳng thể hiểu được những khó khăn, vất vả mà giáo viên cắm bản vùng biên viễn đang phải đối mặt. Nhưng trên hết, đó là nghị lực vượt khó của "những người lính" không mang quân hàm.

Trời cứ mưa là bản bị cô lập

6 giờ 30 phút, thầy Nguyễn Xuân Minh điểm trống "báo thức" trò nghèo vùng bản tới trường.

"Học sinh trên này không giống dưới xuôi. Hôm nào cũng phải nhắc nhở các em để chúng đến lớp đúng giờ", thầy Minh nói.

Rồi thầy ăn vội bát mỳ tôm đã pha sẵn, trước khi dẫn chúng tôi đến điểm trường lẻ Cá Ráng (trường tiểu học Trung Lý 2).

Trước lúc lên đường, thầy Nguyễn Trọng Hán, Phó hiệu

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 2): Mưu sinh và những cung đường đau khổ ảnh 1

Điều ước trên bản Cò Cài

trưởng nhà trường không quên căn dặn anh em phóng viên:

"Nếu gặp người lạ thì không nên dừng lại nói chuyện nhé. Ở đây thi thoảng vẫn có một số đối tượng nghiện ngập hay xin xỏ này nọ! Các chú là người dưới xuôi mới lên, dễ bị bắt nạt lắm đấy! Cẩn thận vẫn hơn".

Đêm qua, Cò Cài mưa nặng hạt, cung đường tới khu lẻ Cá Ráng trở nên trơn trượt, khiến cuộc "hành trình" của chúng tôi bị chậm lại ít giờ.

"Bản Cá Ráng nằm tách biệt trong rừng, đường lên đó khó đi lắm! Tốt nhất nên để trời hửng nắng rồi vượt núi", thầy Minh chân tình và tiết lộ, đây là bản chưa có điện lưới, đường giao thông, sóng điện thoại.

Để đến được với bản Cá Ráng, không còn cách nào khác là lội suối, vượt đèo. Ảnh: Hữu Chí.
Để đến được với bản Cá Ráng, không còn cách nào khác là lội suối, vượt đèo. Ảnh: Hữu Chí.

Thầy Minh vốn là người từng công tác ở điểm trường này khá lâu, nên chuyện đường xá thầy nắm trong lòng bàn tay. 

"Nói là đường thì chưa hẳn đúng, vì đây là lối mòn duy

Cá Ráng là điểm trường lẻ của trường tiểu học Trung Lý 2. Nơi đây có 5 thầy cô giáo (chủ yếu là người khác huyện) cắm bản. Số học sinh chủ yếu là người dân tộc Mông.  Đây cũng là bản thuộc diện khó khăn nhất của huyện Mường Lát với số hộ thuộc diện nghèo chiếm tỷ lệ cao.

nhất của dân bản thường sử dụng để vào rừng làm nương, rẫy và giao thương với vùng dưới.

Đi nhiều rồi cũng thành "đường".

Ở đây cứ mưa to là bị cô lập. Trước đây, có cô giáo từng bị nước lũ cuốn trôi mất xe máy vì băng qua dòng nước chảy xiết. Cho nên, đoạn nào anh em thấy khó đi thì xuống đẩy xe cho chắc ăn nhé!", thầy Minh khuyên.

Thầy Minh nhớ lại lần đầu tiên từ dưới xuôi lên nhận công tác tại điểm bản Cá Ráng, phải mất nửa ngày trèo đèo, lội suối mới đến được điểm trường.

Tới được trường thì quần áo, đồ đạc cũng ướt sũng vì mưa rừng. Thậm chí có lần thầy phải mượn cả quần áo của đồng nghiệp để mặc lên lớp.

Cung đường hiểm trở chỉ rộng hơn một sải tay, phía dưới là sông Mã, bên trên là núi dựng, trở thành mối đe dọa đối với bất kỳ ai, thậm chí là cả dân phượt ưa mạo hiểm.

Chiếc xe Sirius của thầy liên tục trong tình trạng cài số, nhảy chồm lên mặt đường để thoát khỏi thế trận phục kích của đá hộc, đá cuội và sình lầy nhão nhẹt. Chủ quan tay lái là nguy hiểm đến tính mạng chứ chẳng đùa.

Ông bạn đồng nghiệp ngồi phía sau ôm chặt cứng tay lái lụa rồi thét lên vì sợ hãi, nhưng có lúc lại hí ha hí hửng rút điện thoại trong túi, chụp ảnh lia lịa để ghi lại những trải nghiệm thú vị. 

Gần 2 tiếng đánh vật với quãng đường 5km, chúng tôi đến được khu Cá Ráng cũng là lúc học sinh tan trường.

Những đứa trẻ vùng biên. Ảnh: Xuân Quang.
Những đứa trẻ vùng biên. Ảnh: Xuân Quang.

Mưu sinh  

Cô Trần Kim Quế (quê quán thành phố Thanh Hóa) vừa hoàn thành giờ lên lớp, vồn vã bắt tay các vị khách ghé thăm trường.

Phía trong khu "nhà công vụ", thầy Lang Văn Tuất, nhanh chóng thay bộ đồ "công sở", vận trên người chiếc quần Short bạc phếch, tay cầm chiếc chài, sẵn sàng để ra suối bắt cá.

"Chả mấy khi được tiếp khách quý. Các chú đợi anh tí", thầy Tuất nói chưa dứt lời, cô Quế đã vội chen ngang: "Ở đây thầy Tuất được mệnh danh là "thợ săn" đấy.

Chưa hôm nào ra suối mà thầy về tay không cả" - cô Quế tỏ vẻ tự hào về tài lẻ của đồng nghiệp.

Phụ huynh đưa con tới trường tiểu học Trung Lý 2, khu Cá Ráng. Ảnh: Hữu Chí.
Phụ huynh đưa con tới trường tiểu học Trung  Lý 2, khu Cá Ráng. Ảnh: Hữu Chí.

Bản Cá Ráng không có chợ, đường xá đi lại khó khăn, nên thức ăn chủ yếu được lấy từ rừng, suối và được đem từ dưới xuôi lên (chủ yếu là lạc và cá khô), mỗi lần giáo viên về thăm nhà. Đến cuối tháng, thầy cô ngồi lại tính tiền, thanh toán với nhau.

Vất vả nhất là những ngày mưa dai dẳng, nhu yếu phẩm dự trữ cạn kiệt, giáo viên phải vào rừng, lội suối để kiếm nguồn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tại chỗ.

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 2): Mưu sinh và những cung đường đau khổ ảnh 5

Đến trường nơi thâm sơn cùng cốc (kỳ 1): Niềm vui chưa trọn vẹn

Ở điểm trường lẻ này có 5 thầy cô giáo, chủ yếu là người dưới xuôi lên đây cắm bản. Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, mỗi người được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, người lên rừng lấy măng, người lội suối bắt cá, người chuyên làm công việc nội trợ.

Vào mùa măng, thì vào rừng lấy măng và chế biến thành các món ăn khác nhau (măng xào, măng luộc, măng nấu canh). Đến mùa dế, thì vào rừng đào dế. Mùa trứng kiến thì lên rừng đi tìm tổ. 

Cô Quế bảo: "Nhiều khi đặc sản rừng trên này là điều ao ước của người dưới xuôi đấy!", cô Quế cười.

Thầy Tuất, cô Trang khâu lại chiếc chài vừa bị hỏng sau mỗi lần bắt cá. Ảnh của Hữu Chí.
Thầy Tuất, cô Trang khâu lại chiếc chài vừa bị hỏng sau mỗi lần bắt cá. Ảnh của Hữu Chí.

Cuộc sống sinh hoạt tập thể phần nào giúp thầy cô giáo cắm bản vơi bớt nỗi nhớ nhà và tìm kiếm niềm vui làm động lực để tiếp tục công việc.

"Có lần anh bạn dưới xuôi lên chơi, hí hửng đòi đi cùng giáo viên vào rừng tìm trứng kiến. Ban đầu chúng tôi can ngăn vì tìm được tổ đã khó, lấy được tổ còn khó khăn hơn, nhưng anh ta nhất quyết không nghe.

Đến khi gặp lấy được trứng kiến thì mặt anh ta cũng sưng vù vì bị kiến cắn. Kể từ đó, mỗi lần anh bạn lên đây thăm chúng tôi, chẳng bao giờ dám đề cập chuyện vào rừng nữa", cô Quế cười.

Quá trưa, thầy Tuất mới trở về từ suối, tay cầm chiếc giỏ đựng đầy tép bàn giao lại cho nhà bếp, rồi vội vàng thu dọn phòng, kéo điện (điện nước) để phục vụ khách.

"Hôm nay chồng cô Trang dưới Quan Hóa lên thăm vợ nên anh em ngủ ghép, dành riêng cho vợ chồng một phòng để tiện tâm sự. Có những thứ riêng tư phải từ chối, riêng nhưng chuyện vợ chồng thăm hỏi nhau là anh em ưu tiên hết mức", thầy Tuất cười.

Bữa cơm của giáo viên cắm bản với món tép rang, cá kho, thêm ít rau rừng chưa bao giờ ngon đến vậy... Ở đó, chúng tôi còn có dịp lắng nghe họ chia sẻ những chuyện đời, chuyện nghề về những năm tháng gieo chữ vùng biên viễn.

(Còn nữa)

XUÂN QUANG - HỮU CHÍ