Báo cáo đánh giá VNEN và những điều phi thực tế

10/09/2017 08:07
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Chỉ có tiếng nói trung thực của quý vị mới cứu được chính con em chúng ta thoát khỏi những bùng nhùng của một số cách làm áp đặt, “cưỡng bách".

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của thày giáo Nguyễn Nguyên, một người trực tiếp giảng dạy theo mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) về báo cáo đánh giá tác động của VNEN từ Ngân hàng Thế giới, mà Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông vừa dịch, công bố. 

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này và cảm ơn thầy Nguyễn Nguyên. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng kính mời các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các thày cô giáo và phụ huynh các trường, lớp VNEN lên tiếng trao đổi về mô hình này. 

Sau khi Ngân hàng Thế giới chính thức công bố kết quả đánh giá tác động của VNEN và công bố này được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thì đã có nhiều ý kiến của bạn đọc không đồng tình. 

Bởi phần nhiều của bản công bố là nhấn mạnh đến nhưng ưu điểm, đến sự đồng tình của hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh. 

Nhưng thực tế như thế nào thì trên các diễn đàn giáo dục trong thời gian qua chúng ta đã tường tận về những “ưu điểm” của VNEN.

Kể từ năm học 2012-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thí điểm VNEN tại 24 trường tiểu học và 48 lớp 2 ở 12 huyện thuộc địa bàn 6 tỉnh. 

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo Trường học mới Việt Nam với tỉnh Thái Bình ngày 24/3/2017. Thày Hiển được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 30/6/2016. Nguồn ảnh: Cổng thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình.
Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo Trường học mới Việt Nam với tỉnh Thái Bình ngày 24/3/2017. Thày Hiển được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 30/6/2016. Nguồn ảnh: Cổng thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình.

Đến năm học 2017-2018 này thì số trường áp dụng đã nâng lên rất nhiều lần so với năm bắt đầu triển khai dự án, gồm: có 4.800 trường Tiểu học (gần 32% tổng số trường) và 1.500 trường Trung học cơ sở (trên 14% tổng số trường). 

Như vậy, nếu nói về số lượng thì VNEN đã “thực sự thành công” về mặt nhân rộng, kể cả quy mô cũng như tốc độ, cho dù là “tự nguyện” hay “cưỡng bách trên tinh thần tự nguyện”

Song xét về mức độ phản đối của xã hội thì cũng không có chương trình đổi mới giáo dục nào bị phản ứng dữ dội nhiều như VNEN. 

Báo cáo đưa ra nhiều con số không ai kiểm chứng được, khác xa với thực tế

Nhiều địa phương chính quyền phải vào cuộc, thành lập Hội đồng đánh giá tác động của VNEN và đi đến kết luận là dừng nhân rộng. Một số tỉnh đã dừng triển khai hoàn toàn VNEN.

Như ở thành phố Vinh, Nghệ An, phụ huynh trường Trung học cơ sở Hưng Dũng áp dụng mô hình VNEN đã phải “theo kiện” hơn một năm nay về việc dừng thí điểm mô hình này với con em họ, đến bây giờ họ mới thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm.

Sau một năm khiếu nại kiên trì không mệt mỏi của phụ huynh, cuối cùng Sở Giáo dục và Đào tạo mới chấp nhận thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “triển khai VNEN trên tinh thần tự nguyện”.

Theo Báo Nghệ An ngày 9/9, hôm 7/9 Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản trả lời về đơn kiến nghị của phụ huynh nhà trường.

Trong đó, dù chưa khẳng định có hay không việc triển khai dạy học theo mô hình trường học mới, nhưng Sở đồng ý để ban giám hiệu nhà trường lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh và học sinh về phương án lựa chọn sách giáo khoa.

Theo phương án này, có thể hiểu nếu đại đa số phụ huynh chọn sách giáo khoa hướng dẫn học của chương trình trường học mới thì nhà trường tiếp tục dạy học theo chương trình này.

Ngược lại, nếu các ý kiến lựa chọn sách giáo khoa hiện hành thì nhà trường sẽ trở lại dạy học theo chương trình phổ thông hiện tại.

Nhận được quyết định này, ông Ninh Viết Tăng, hiệu trưởng nhà trường không giấu được niềm vui bởi hơn bao giờ hết ông rất muốn nhà trường sớm ổn định chương trình để triển khai việc dạy và học có hiệu quả, nhất là khi việc tựu trường đã được 2 tuần. [1]

Báo cáo đánh giá VNEN và những điều phi thực tế ảnh 2

Quyền tự quyết VNEN và câu hỏi gửi các thầy Nguyễn Vinh Hiển, Lê Tiến Thành...

Vì thế, khi Ngân hàng Thế giới công bố bản đánh giá chính thức về tác động của VNEN đã khiến cho nhiều người bất ngờ, thất vọng.

Phải nói rằng bản đánh giá tác động VNEN của Ngân hàng Thế giới tương đối công phu, trình bày rõ ràng, mạch lạc từng đề mục. 

Sau khi Ngân hàng Thế giới đưa lên Website thì Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông đã dịch ra tiếng Việt thành 2 bản. Một bản tóm tắt và một bản đầy đủ. 

Có điều chúng tôi tiếp cận với hai bản dịch này, đặc biệt là bản dịch tiếng Việt đầy đủ với 183 trang thì nhận thấy, chủ yếu báo cáo ca ngợi ưu điểm, về sự đồng tình khi áp dụng chương trình VNEN nhưng không đề cập đến nguồn kiểm chứng

Chỉ có 2 trang (171-172) trong số 183 trang là nói về “thách thức của VNEN”. 

Tuyệt nhiên không có một chữ nào nói về “hạn chế” về những “phản ứng” ở nhiều địa phương khi giảng dạy VNEN.

Dường như những phản ứng, những tiếu kêu của phụ huynh và giáo viên VNEN các địa phương không đến được tai các chuyên gia xây dựng báo cáo này.

Trong khi bản đánh giá này đưa ra nhiều con số cho thấy nhiều hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh tán đồng, coi VNEN là tốt là ưu điểm.

Thế nhưng tuyệt nhiên không có tên trường, địa phương, thầy hiệu trưởng, thầy cô giáo, học sinh, phù huynh nào cụ thể. 

Có thể thấy đánh giá của báo cáo này không khác nhiều so với các chuyên gia VNEN như thầy Nguyễn Vinh Hiển, thầy Lê Tiến Thành, thầy Phạm Ngọc Định, thầy Đặng Tự Ân trên truyền thông.

Có khác chăng chỉ là báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra các con số chi tiết, nhưng lại không có tên tuổi và nguồn kiểm chứng cụ thể. 

Vì thế, bản đánh giá tác động của VNEN chưa đủ sức thuyết phục để tạo niềm tin với công chúng về những “điểm sáng” cụ thể, con người cụ thể. Thậm chí nó càng làm người ta nghi ngờ tính trung thực của báo cáo này.

“Thách thức” thực sự của VNEN là gì?

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá có 3 thách thức đối với VNEN thông qua đề mục:

7.7 Các thách thức của VNEN

7.7.1 Thách thức do tư duy của giáo viên.

Báo cáo viết:

"Mặc dù mức độ hiệu quả của giáo viên tăng lên khi áp dụng VNEN, vẫn phải cần thời gian để thay đổi tư duy của họ hướng tới việc áp dụng hoàn toàn VNEN...

Các thày cô giáo tham gia tập huấn mô hình VNEN, ảnh chụp từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới.
Các thày cô giáo tham gia tập huấn mô hình VNEN, ảnh chụp từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Mặc dù việc thay đổi quan điểm của giáo viên không phải là dễ dàng, nhưng sự cố gắng không ngừng nghỉ để đưa giáo viên đến với VNEN thông qua sự phát triển chuyên môn có vai trò quyết định.

Các sinh hoạt chuyên môn hai tuần một lần sẽ là nền tảng quan trọng giúp giáo viên không chỉ thảo luận và thực hành các phương pháp VNEN, mà còn giúp họ có cơ hội học hỏi từ các giáo viên cùng dạy VNEN..."

7.7.2 Thách thức từ sự thành thạo tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số

Phần này báo cáo không đưa ra được có bao nhiêu học sinh dân tộc thiểu số học mô hình VNEN trên tổng số học sinh VNEN của cả nước. 

Với cách triển khai ồ ạt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi tin rằng tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số học VNEN rất ít so với tổng số học sinh VNEN của cả nước.

7.7.3. Những thách thức liên quan đến cha mẹ học sinh

Báo cáo viết: "Giáo viên thường cho rằng, một thách thức khác là việc cha mẹ học sinh không đủ khả năng để giúp con trong học tập, do thiếu kiến thức và tình trạng di cư tạm thời".

Hãy nghe một cô giáo dạy VNEN ở Nghệ An, cô Nguyễn Thị Thanh Hằng, giáo viên dạy Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 7A trường Trung học cơ sở Lê Thị Bạch Cát, thị xã Cửa Lò chia sẻ lý do tại sao VNEN không hiệu quả:

Đó là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng học sinh đông nên khó bao quát đánh giá hết học sinh một cách chu đáo.

Với sách giáo khoa, phần nội dung khó phân tiết một cách rõ ràng, phần lý thuyết và thực hành bị tách rời nên khó củng cố kiến thức.

Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, do chương trình không nặng về kiểm tra, mỗi kỳ chỉ có hai bài thi (thay vì 10 bài thi) như các chương trình hiện hành nên không đánh giá đúng năng lực học sinh, không có động lực cho học sinh phấn đấu. 

Báo cáo đánh giá VNEN và những điều phi thực tế ảnh 4

Chuyên gia VNEN khuyên, nếu phụ huynh không chấp nhận mô hình này thì thôi

Công tác làm sổ sách, đánh giá học sinh “nặng nề” và “rườm rà”. Học sinh ngoài vở và sách giáo khoa khó tìm tài liệu để tham khảo. 

Báo Nghệ An bình luận thêm:

Những hạn chế trên cũng là điều gặp phải ở nhiều trường trung học cơ sở đang dạy thí điểm chương trình trường học mới khác. 

Điều bất cập là ở chỗ, dù đang có nhiều ý kiến nghi ngại về chương trình nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo (Nghệ An) lại chưa tổ chức một hội nghị toàn ngành để lấy ý kiến từ cơ sở để bàn phương án triển khai trong năm học này và những năm học tiếp theo. 

Thay vào đó, lại là những ý kiến chỉ đạo còn mang tính chung chung như “chủ động lựa chọn một số thành tố của mô hình để thực hiện đổi mới phương thức giáo dục” hay phải thực hiện “linh hoạt, không rập khuôn, cứng nhắc” khiến các trường bị động trong quá trình thực hiện. [1]

Chuyên gia VNEN Lê Tiến Thành và Nguyễn Vinh Hiển thì khẳng định điều hoàn toàn ngược lại.

Thầy Lê Tiến Thành Thành được nhà đài VTV hỏi: 

“VNEN khó nhất là gì ạ? Là kinh phí, là cơ sở hạ tầng, là số lượng học sinh quá đông, là sách giáo khoa hay trình độ giáo viên, thưa ông?”

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học kiêm Giám đốc ban quản lý Dự án GPE-VNEN Lê Tiến Thành trả lời:

"Tất cả đối với chúng ta, cả cái nền giáo dục này, nan giản nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên. 

Vậy thì đội ngũ giáo viên với VNEN không phải không đủ trình độ về khoa học để dạy nó, mà (họ) chưa quen với một phương pháp dạy học mới.

Ta chỉ quen là giảng giải truyền thụ, bây giờ chuyển sang là mô hình tổ chức, hướng dẫn hoạt động học cho học sinh." [2]

Ngày 15/8, thầy Vinh Hiển có bài viết trên Báo Giáo dục và Thời đại, thầy Hiển khẳng định: phòng chật, học sinh đông vẫn có thể triển khai VNEN. [3]

Phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng ủng hộ VNEN, xin hãy cho chúng tôi biết quý vị đang ở đâu?

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, mục Quan điểm về VNEN của cha mẹ học sinh biết về VNEN cho ta thấy một con số vô cùng ấn tượng. 

Cột Rất ủng hộ  61%, Ủng hộ 24%; Trung lập 24%; Không ủng hộ 4% và Rất không ủng hộ 2%.

Trong quá trình làm khảo sát 6000 cha mẹ học sinh thì có tới 85% là “bày tỏ quan điểm tích cực về VNEN”. 

Báo cáo đánh giá VNEN và những điều phi thực tế ảnh 5

VNEN qua góc nhìn tương phản từ hai vị Giám đốc Sở

Với một con số ấn tượng như vậy thì cớ gì phụ huynh ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Đăk Lắk…lại cùng nhau kéo đến trường để phản đối VNEN?

Cũng theo bản đánh giá thì khi khảo sát về câu: “Mô hình truyền thống đang vận hành tốt” đã có 70% giáo viên và 75% hiệu trưởng không đồng ý với nhận định này. 

Và cũng trong bản đánh giá thì "Hiệu trưởng VNEN cho thấy niềm tin vào bản thân của họ ngày càng lớn khi họ được áp dụng thử mô hình".

Điều này cũng có nghĩa là họ đã thừa nhận VNEN hay hơn chương trình hiện hành.

Đề nghị quý thày cô hiệu trưởng các trường áp dụng VNEN và các thày cô giáo dạy VNEN được các chuyên gia phỏng vấn, hãy lên tiếng và đưa ra những bằng chứng xác tín về hiệu quả của VNEN.

Chúng tôi thi thoảng cũng có thấy một vài thày cô chia sẻ điều này trên Báo Giáo dục và Thời đại, nhưng tất cả đều chỉ dừng ở lý thuyết và nhắc lại những gì các chuyên gia VNEN như thầy Hiển, thầy Thành, thầy Định, thầy Ân vẫn nói.

Chưa thầy cô nào đưa ra được bằng chứng xác tín chứng minh cho quan điểm, lập luận của mình.

Ở chiều ngược lại, thầy Lê Văn Anh Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Thạch Linh, Thành phố Hà Tĩnh cho biết: 

“Tại kỳ họp Hôi đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa rồi, tôi được mời đến để nói về VNEN và tôi đã thẳng thắn đề xuất là phải dừng lại ngay" bởi theo thầy là có 5 hạn chế của VNEN không thể khắc phục được. [4]

Thầy Bùi Quang Huân, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cẩm Bình huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho rằng:

VNEN có những điểm tích cực nhưng cũng có nhiều điểm hạn chế, chưa phù hợp với đối tượng học sinh ở vùng nông thôn. Bởi vì sĩ số đông, phương tiện và đồ dùng dạy học không đầy đủ. 

Môn văn, sử, địa lý thì các em có thể học tiếp thu dễ hơn so với môn toán, lý, hóa.

Đặc biệt, với các môn tự nhiên vì không chấm bằng điểm cụ thể, không có bài kiểm tra điểm, không có bài tập về nhà cho nên hạn chế học sinh rất nhiều”. 

Thầy Huân nhấn mạnh rằng: 

“Với cách dạy và học như vậy, phụ huynh không kiểm tra được việc học của con em mình.

Học VNEN không có bài kiểm tra thường xuyên, không hậu kiểm được, con học được bao nhiêu điểm phụ huynh không thể kiểm tra được. 

Đặc biệt, các môn khoa học tự nhiên không tính bằng điểm.

Không có bài tập thường xuyên để đánh giá nên các thầy cô đánh giá không sát thực tế.

Tôi cho rằng, cách học này với các môn khoa học tự nhiên là không phù hợp." 

Cả thầy Lê Văn Anh và thầy Bùi Quang Huân cho thấy, VNEN có nhiều điểm yếu.

Việc dạy và học theo mô hình VNEN không đem lại chất lượng như kỳ vọng của phụ huynh học sinh. Không chỉ vậy, cách dạy học này còn rất tốn kém và lãng phí. [4]

Bản đánh giá tác động của VNEN còn rất nhiều con số, nhiều luận điểm khiến cho chúng tôi băn khoăn, thậm chí dư luận hoang mang không hiểu thật giả thế nào.

Làm giáo dục, điều tối quan trọng là sự trung thực. Chừng nào còn có sự nghi ngờ về tính trung thực trong các báo cáo về giáo dục, thì đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà còn là điều xa vời.

Vì thế, chúng tôi mong rằng các nhà quản lý, các thày cô và phụ huynh học sinh ở các trường dạy - học theo mô hình VNEN, xin hãy lên tiếng!

Chỉ có tiếng nói trung thực của quý vị mới cứu được chính con em chúng ta thoát khỏi những bùng nhùng của một số cách làm áp đặt, “cưỡng bách trên tinh thần tự nguyện” trong giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baonghean.vn/giao-duc-khoa-hoc/201709/thuc-hien-vnen-o-nghe-an-khong-da-bong-cho-phu-huynh-va-nha-truong-2841818/

[2]http://vtv.vn/van-de-hom-nay/mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-nen-dung-hay-tiep-tuc-20170831012121807.htm

[3]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/phong-chat-hoc-sinh-dong-van-co-the-trien-khai-vnen-3669184-v.html

[4]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Y-kien-xac-thuc-cua-cac-thay-hieu-truong-o-nhung-truong-da-noi-khong-voi-VNEN-post178381.gd

Nguyễn Nguyên