Quyền tự quyết VNEN và câu hỏi gửi các thầy Nguyễn Vinh Hiển, Lê Tiến Thành...

08/09/2017 06:23
Thuận Phương
(GDVN) - Nếu thực sự vì tương lai con em chúng ta, xin quý thầy, quý cô hãy lên tiếng! Đừng đánh đổi tương lai giống nòi chỉ vì thể diện, vì quyền lợi hẹp hòi.

LTS: Cô giáo Thuận Phương gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới, trao đổi với thầy Nguyễn Vinh Hiển, thầy Lê Tiến Thành và các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đang theo đuổi mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN).

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và mong muốn nhận được phản hồi, trao đổi từ quý thày, quý cô về vấn đề đang được đông đảo phụ huynh học sinh và các nhà giáo quan tâm.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Có lẽ chưa có một mô hình dạy học nào gặp phải sự phản ứng dữ dội như mô hình VNEN. Tiếp tục hay dừng VNEN vẫn chưa đến hồi phân giải. 

Trước sự phản ứng quyết liệt của dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH ngày 8/8/2017, chỉ đạo các địa phương “tiếp tục triển khai trên tinh thần tự nguyện”

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có hướng dẫn cụ thể nào cho các địa phương về việc “tiếp tục triển khai VNEN trên tinh thần tự nguyện”.

Đặc biệt là các bước lấy ý kiến phụ huynh học sinh các lớp VNEN một cách công khai, dân chủ, minh bạch để đảm bảo yếu tố "tự nguyện" được thực thi nghiêm chỉnh ở cơ sở vốn rất hệ trọng, nhưng lại chưa có.

Chính vì thế, các cơ quan quản lý giáo dục dưới địa phương (mà người đứng đầu thường kiêm luôn Giám đốc Dự án GPE-VNEN ở cấp mình) hầu như họ lờ đi từ “tự nguyện” trong Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH.

Điển hình nhất gần đây, hàng trăm phụ huynh Trường Trung học cơ sở Hưng Dũng, thành phố Vinh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thực hiện đúng tinh thần “tự nguyện” trong Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH, nếu không thì sẽ tiếp tục khiếu nại và cho con nghỉ học. 

Phụ huynh VNEN bức xúc vì bị phớt lờ quyền tự quyết, tuyên bố “kiện tới cùng”

Ngày 30/8, tại cuộc họp báo đầu năm học, khi được phóng viên Báo Lao Động hỏi về giải pháp trước kiến nghị bỏ VNEN của phụ huynh, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tuyên bố: 

“Trong giáo dục không thể ép buộc được. Nơi nào phụ huynh học sinh không đồng thuận thì chúng tôi sẽ xem xét”.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu trong một phiên họp, ảnh: Đài Truyền hình Nghệ An.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu trong một phiên họp, ảnh: Đài Truyền hình Nghệ An.

Trước đó, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng nêu quan điểm:

Việc thực hiện VNEN phải trên cơ sở đồng thuận, tự nguyện, có cam kết của phụ huynh. Nếu phụ huynh không đồng ý thì không triển khai VNEN. [1]

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã "xem xét" hơn một năm nay, mà vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Còn phát biểu "trong giáo dục không thể ép buộc được" của bà Nguyễn Thị Kim Chi được "kiểm nghiệm thực tế" ngay ngày hôm sau.

Báo Điện tử Infonet ngày 3/9 tường thuật:

Ngày 01/9/2017, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp với đại diện phụ huynh học sinh 9 lớp (8A, 8B ,8C ,8D , 8E; 7A,7B ,7C ,7D) của trường Trung học cơ sở Hưng Dũng, thành phố Vinh để trả lời về đơn thư đề nghị dừng mô hình VNEN trong năm học 2017-2018.

Thế nhưng cuộc họp kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ mà vẫn không tìm được tiếng nói chung giữa lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An cùng với đại diện phụ huynh học sinh 9 lớp nói trên. 

Trong khi đó, hàng trăm phụ huynh bất chấp nắng nóng chờ đợi bên ngoài để trông ngóng về sự việc. Ông Nguyễn Tiến Hoành - Hội trưởng Hội cha, mẹ học sinh lớp 7B bức xúc: 

“Một trong những điều kiện để tiếp tục triển khai mô hình trường học mới (VNEN) là phải được phụ huynh đồng thuận.

Phụ huynh 9 lớp chúng tôi phản đối, không đồng thuận, tại sao lãnh đạo Sở cho đến Phòng và Hiệu trưởng nhà trường còn né tránh?

Được biết tại cuộc họp báo (ngày 30/8) bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã công bố: “Giáo dục không thể ép buộc”. 

Không ép buộc tại sao hơn một năm nay chúng tôi đã nhiều lần làm đơn tập thể gửi lên lãnh đạo các cấp trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đề nghị dừng mô hình VNEN tại 9 lớp trường Trung học cơ sở Hưng Dũng mà bà vẫn phớt lờ?”

Cuộc họp 3 tiếng không kết quả, ông Nguyễn Khắc Liên (Hội phó hội phụ huynh lớp 8C) cho biết: 

Quyền tự quyết VNEN và câu hỏi gửi các thầy Nguyễn Vinh Hiển, Lê Tiến Thành... ảnh 2

"Tôi trân trọng cô, vì cô đã dũng cảm nhận mình phải diễn khi trên lớp"

“Nếu lãnh đạo Sở, Phòng, Hiệu trưởng nhà trường không thực hiện theo Chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì chúng tôi kiên quyết sẽ tiếp tục khiếu kiện ra Bộ và cho các con nghỉ học”. 

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy đại diện phụ huynh lớp 8A quyết liệt nói:

“Chúng tôi đang tìm hiểu mời Luật sư tư vấn pháp lý làm đơn kiện Giám đốc Sở, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng nhà trường.

Vì chính họ hơn một năm qua làm trái chỉ đạo của cấp trên đã làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần và công ăn việc làm của hàng trăm phụ huynh học sinh chúng tôi.” [2]

Phụ huynh trường này yêu cầu bỏ VNEN vì con em bị đưa ra làm “vật thí nghiệm”, đề nghị được sử dụng sách giáo khoa hiện hành, và không yêu cầu nhà trường hoàn trả tiền đã mua sách VNEN. [3]

Nhắc lại chuyện chẳng vui vẻ gì này cũng là vạn bất đắc dĩ, để những người trong cuộc như chúng tôi muốn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo “thấu cảm” được phần nào với phụ huynh, giáo viên các lớp VNEN.

Phụ huynh kiên quyết từ chối, kiên trì khiếu nại theo đúng tinh thần “tự nguyện”, đấu tranh đòi quyền tự quyết mô hình giáo dục cho con em mình mà Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH năm ngoái, Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH năm nay đều ghi rõ, sao khó khăn đến thế?

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo rõ ràng là vậy, nhưng Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh này vẫn làm ngơ thì có thể thấy lực cản của những người cố sống cố chết bảo vệ VNEN một cách bất chấp, nó ghê gớm như thế nào? 

Các nhà quản lý giáo dục và chuyên gia VNEN nói gì?

Tiến sĩ Lê Tiến Thành nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học và Giám đốc (đầu tiên của) Dự án GPE-VNEN cho biết:

"Chúng tôi nghĩ là trong cuộc sống thì những cái gì mà nó không phù hợp, không phát huy được ở địa phương, thì cái chuyện người ta dừng hay không dừng là cái quyết định của các địa phương.

Tôi cho là, nếu ở nơi nào đó, chỗ mà phụ huynh học sinh người ta không chấp nhận, người ta thấy rằng chưa tin tưởng, thì cái quyết định ấy hoàn toàn thuộc về phụ huynh và cái cộng đồng ấy”
. [4]

Đấy là thầy Thành nói về Hà Tĩnh, nơi cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh này phải vào cuộc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt, khách quan, minh bạch, khoa học mới dừng được VNEN.

Người dẫn chương trình Vấn đề hôm nay, Ban thời sự VTV và nhà giáo Lê Tiến Thành trao đổi về VNEN hôm 30/8, ảnh chụp màn hình. Nguồn: VTV.vn.
Người dẫn chương trình Vấn đề hôm nay, Ban thời sự VTV và nhà giáo Lê Tiến Thành trao đổi về VNEN hôm 30/8, ảnh chụp màn hình. Nguồn: VTV.vn.

Không biết thầy Thành nghĩ thế nào về tình cảnh, tâm tư của các phụ huynh học sinh có con học VNEN ở Trường Trung học cơ sở Hưng Dũng, Vinh, Nghệ An mà báo chí phản ánh?

Công văn 3459/BGDĐT-GDTrH chỉ đạo rà soát điều kiện để tiếp tục triển khai VNEN, về cơ sở vật chất quy định sĩ số tối đa, diện tích phòng học theo Điều lệ trường phổ thông.

Tức là lớp nào sĩ số đông, vượt quá 35 học sinh/lớp cấp tiểu học; quá 45 học sinh/lớp cấp trung học cơ sở thì không thích hợp với VNEN.

Nhưng thầy Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, người nhập khẩu mô hình này từ Colombia về Việt Nam mới đây tuyên bố:

Lớp chật hay sĩ số đông vẫn không ảnh hưởng đến việc dạy và học theo mô hình VNEN.

Theo thầy Hiển, sĩ số đông, lớp chật không kê được bàn học “theo mâm” thì kê hình chữ U; không kê được hình chữ U thì cho học sinh ngồi nguyên như học truyền thống. [4]

Còn về sách VNEN, ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 1/8 được Báo Tuổi Trẻ dẫn lời tuyên bố:

“Định hướng tới, ngành vẫn tiếp tục vận dụng mô hình VNEN. Trường nào, lớp nào có đủ điều kiện thì sử dụng ngay sách của mô hình.

Nơi nào không đủ điều kiện thì vẫn sử dụng sách cũ nhưng phương pháp dạy, cách thức tổ chức theo mô hình mới". [5]

Kê bàn học “theo mâm” khiến các trường phải cưa bàn, đập bỏ bục giảng cũng là các thầy bày ra;

Nay không “theo mâm” được thì chữ U cũng là các thầy; không kê bàn học kiểu chữ U được thì ngồi hàng ngang như cũ cũng các thầy;

Thậm chí không đủ sách VNEN thì dạy VNEN bằng sách giáo khoa hiện hành cũng các thầy;

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói sĩ số quá đông và lớp quá chật không hợp với VNEN, thì các thầy, cụ thể là thầy Hiển lại nói điều ngược lại: đông, chật cũng vẫn dạy VNEN được.

Giáo viên và học sinh VNEN cứ xoay như chong chóng. 

Phụ huynh VNEN thì như ngồi trên đống lửa.

Nhưng không phải phụ huynh địa phương nào cũng quyết liệt bảo vệ quyền tự quyết mô hình giáo dục cho con em mình như đất học Hà Tĩnh, Nghệ An.

Quyền tự quyết VNEN và câu hỏi gửi các thầy Nguyễn Vinh Hiển, Lê Tiến Thành... ảnh 4

VNEN qua góc nhìn tương phản từ hai vị Giám đốc Sở

Cá nhân người viết tin rằng, nếu làm một cuộc thăm dò về học hay dừng VNEN trong phụ huynh thì chắc chắn phải có tới 99% người đồng ý dừng VNEN. 

Vậy thì tại sao các địa phương hiện nay, học sinh vẫn đang phải học VNEN? Vì sao các sở, phòng giáo dục và đào tạo có triển khai VNEN không dám tổ chức lấy ý kiến công khai? 

Phải chăng ngoài nguyên nhân “không biết ăn nói thế nào với dân” như lãnh đạo một tỉnh nói với Giáo sư Phạm Tất Dong [6], còn động lực nào khác khiến các nhà quản lý giáo dục ở địa phương sống chết “cố thủ VNEN”?

Quyết liệt đến như thế, chính quyền tỉnh Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ đạo rõ ràng như thế, người ta còn phớt lờ cơ mà.

Ngay tỉnh của tôi dạy, người người đều có ước vọng muốn tìm cách chuyển trường cho con ra khỏi trường học dạy VNEN.

Nhưng giống như câu chuyện của một phụ huynh VNEN mà Báo Kon Tum phản ánh, các bậc cha mẹ có con học VNEN “chạy trời sao khỏi nắng”? [7]

Rất nhiều phụ huynh có con học VNEN và thày cô giáo dạy VNEN chưa ai đủ can đảm để lên tiếng phản đối, đấu tranh đòi thực hiện quyền tự quyết như tinh thần Công văn 3459/BGDĐT-GDTrH. 

Giáo viên thì chỉ còn biết chọn cách đối phó “sáng VNEN, chiều truyền thống”.

Còn phụ huynh nào quan tâm đến con, chuyển trường không được thì chỉ còn nước tìm đến các lò học thêm để cho con học những gì các học sinh “lớp thường” hàng ngày vẫn học theo chương trình chính khóa. 

Biết là sự thật ngược đời, nhưng nó vẫn đang diễn ra.

Chẳng cần nói chuyện xa xôi rằng, học sinh VNEN khó thi đỗ đại học, như câu chuyện Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ lại về các em học sinh Trường học mới Colombia. [8]

Học sinh VNEN muốn thi đỗ vào lớp 10, cũng cần phải có “cơ chế riêng” như chính đề xuất của một cô giáo ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội với thầy Nguyễn Vinh Hiển:

"Rất mong muốn là phía trên Sở hoặc Bộ có những tiêu chí dành riêng cho những học sinh của mô hình trường học mới, để sao cho các con thi vào (lớp) 10 không có sự chênh lệch quá so với nhóm đại trà."

Thầy Hiển được trực tiếp nghe điều này qua cuộc tọa đàm "Vì sao giáo viên "quay lưng" với mô hình VNEN?" trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam VOV2 ngày 16/8/2016. [9]

Người xưa còn đó, lời cũ còn đây, và VNEN thì vẫn thế, thậm chí tiếp tục được nhân rộng.

Thày Nguyễn Vinh Hiển dự một tiết học tại Trường Trung học cơ sở Vũng Tàu khi còn là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MINH THIÊN / chauduc.baria-vungtau.gov.vn.
Thày Nguyễn Vinh Hiển dự một tiết học tại Trường Trung học cơ sở Vũng Tàu khi còn là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MINH THIÊN / chauduc.baria-vungtau.gov.vn.

Tất nhiên khi đó thầy Nguyễn Vinh Hiển không đả động gì đến đề xuất “rất thực tế” của người đồng nghiệp ở cơ sở mà chúng tôi vừa dẫn lại phía trên.

Chúng tôi rất mong thầy Nguyễn Vinh Hiển, thầy Lê Tiến Thành hãy lên tiếng đối thoại.

Bởi hơn ai hết các thầy chính là người đưa mô hình này từ Colombia về và triển khai rộng khắp ra 63 tỉnh thành chỉ sau 1 năm, sau khi xin được 84,6 triệu đô la Mỹ tiền tài trợ dự án.

Dự án GPE-VNEN cũng đã kết thúc hơn 1 năm, 84,6 triệu đô la Mỹ cũng đã tiêu hết, nhưng bộ sách VNEN cho đến nay vẫn là "tài liệu thử nghiệm" được in rõ ràng trên bìa sách.

Hiện đã có 30% trường tiểu học trên cả nước đang được "thử nghiệm" VNEN, theo Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Không biết VNEN còn "thử nghiệm" đến bao giờ? Với cách làm "thử nghiệm" kiểu này, việc phụ huynh lo lắng, phản ứng chuyện con em mình bị "làm chuột bạch" cho VNEN liệu có gì không xác đáng?

Chúng tôi cũng xin được lắng nghe ý kiến thầy Phạm Ngọc Định là người kế tục sự nghiệp VNEN từ thầy Lê Tiến Thành, cô Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về các vấn đề người viết đặt ra trong bài này.

Mong sao Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lên tiếng giải thích rõ hơn về trình tự, thủ tục để phụ huynh VNEN, giáo viên VNEN được tự quyết nó theo đúng 2 chữ “tự nguyện” trong 2 công văn của Bộ.

Mong sao các cán bộ quản lý, nguyên cán bộ quản lý giáo dục nhập khẩu và triển khai mô hình Trường học mới về địa phương mình, hãy lên tiếng đối thoại những vấn đề chúng tôi đặt ra trong bài viết này.

Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với quý thầy, quý cô một cách chân thành, thẳng thắn, thiện chí, khách quan.

Nếu thực sự vì tương lai con em chúng ta, xin quý thầy, quý cô hãy lên tiếng! Đừng đánh đổi tương lai giống nòi chỉ vì thể diện, vì quyền lợi hẹp hòi của cá nhân ai đó.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/giao-duc/giam-doc-so-gd-dt-nghe-an-giao-duc-khong-the-ep-buoc-552097.ldo

[2]http://infonet.vn/nghe-an-neu-khong-dung-vnen-chung-toi-se-cho-con-nghi-hoc-post235955.info

[3]https://laodong.vn/giao-duc/phu-huynh-chap-nhan-mat-tien-mua-sach-xin-con-thoat-vnen-562533.ldo

[4]http://vtv.vn/van-de-hom-nay/mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-nen-dung-hay-tiep-tuc-20170831012121807.htm

[5]http://tuoitre.vn/ba-ria-vung-tau-muon-tiep-tuc-vnen-1361779.htm

[6]http://www.nguoiduatin.vn/vnen-vo-tran-that-bai-dau-don-cua-bo-gddt-a333331.html

[7]http://baokontum.com.vn/tieu-diem/ban-khoan-vnen-5457.html

[8]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/VNEN--Rang-hay-cung-lam-dieu-hay-post170139.gd

[9]http://vov2.vov.vn/dien-dan-giao-duc/vi-sao-giao-vien-quay-lung-voi-mo-hinh-vnen-c56-21706.aspx

Thuận Phương