Lý luận của các hiệu trưởng lạm thu và cách làm của nhà giáo trong sáng

15/09/2017 07:16
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhà trường chỉ lo dạy học và không dính đến tiền nong, càng không buôn bán kinh doanh đồng phục, sách vở và các vật dụng khác phục vụ học tập.

LTS: Trước tình trạng lạm thu ngày càng nhức nhối trong các trường học được truyền thông phản ánh thời gian qua, cô giáo Phan Tuyết gửi đến quý bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới, so sánh lý luận của một số hiệu trưởng lạm thu, với thực tế cách làm của các trường có người quản lý trong sáng.

Cũng từ thực tiễn, cô giáo Phan Tuyết đề xuất một số giải pháp ngăn ngừa, ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học. Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi. 

Vừa vào đầu năm học, dư luận cả nước lại sục sôi vì tình trạng lạm thu của nhiều trường học trên cả nước. 

Nhiều khoản tiền được nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng góp cao bất thường và hết sức vô lý như nhận xét của không ít người. 

Nhưng đó không phải là tất cả. Vẫn còn nhiều địa phương, nhà trường miễn nhiễm với hai từ “lạm thu” từ bao năm nay.

Nhiều nơi loạn thu 

Chẳng hạn tiền sửa chữa trong trường học, tiền điện ngủ trưa, quỹ đồng hành cùng bạn đến trường, hay năm nào học sinh cũng phải đóng tiền mua máy lạnh, đèn chiếu…

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Đặc biệt có những đứa trẻ lên 6 tuổi vừa vào lớp 1 Trường Tiểu học Lê Lợi (phường Phú Nhuận) và Trường Tiểu học Vĩnh Ninh (phường Vĩnh Ninh) tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải cõng trên vai 5 triệu tiền xây dựng cơ sở vật chất trường học. [1]

Nói về chuyện lạm thu ở các trường đang phổ biến hiện nay, một số hiệu trưởng cho rằng ngân sách hàng năm 85-90% chi lương, chỉ có 10-15% chi thường xuyên. 

Với khoản tiền ít ỏi thế, hiệu trưởng phải quyết chi rất nhiều thứ, chưa kể những hỏng hóc, sự cố phát sinh, những hoạt động trên địa bàn mà chính quyền, các hội, đoàn đề nghị nhà trường "hợp tác". 

Nói như một số vị hiệu trưởng “trần tình” với Báo Tuổi Trẻ về lạm thu trường học thì:

"Nếu đúng quy định thì nói thật là chúng tôi đang thu sai. Vì thu đúng, chúng tôi không có tiền cho hoạt động, dù là những việc nhỏ". [2]

Nếu nhìn vào bảng dự thu của một số trường bị tố giác, nhiều nguồn thu hết sức vô lý như tiền lương trả bảo vệ, tu sửa nhỏ, hỗ trợ xây dựng, mua máy tính, mua hương hoa nghĩa trang, tiền học tiếng Anh tăng cường…

Lập luận trên đây của một số quý thầy cô hiệu trưởng, đã bị chính các phụ huynh học sinh “bẻ” lại.

Một độc giả cho biết nêu ý kiến: 

“Nhà trường nên làm đúng chức năng dạy học là đủ. Giấy kiểm tra thì học sinh tự mua ở tiệm. Đồng phục thì chỉ cần yêu cầu vải trắng trơn may kiểu sơ mi hoặc áo dài để phụ huynh tự lo. 

Quỹ phụ huynh thì để cha mẹ tự vận động, tự chi, Học sinh còn nhỏ tốt nhất không tổ chức học tiếng Anh tăng cường, tăng tiết gì cả”. 

Có bạn đọc phản biện: 

“Trong bất kỳ cấp ngân sách của huyện, xã, tỉnh nào cũng có nguồn dự phòng, nguồn kết dư để sử dụng cho việc hỏng hóc vào những việc như trên. 

Một năm cấp kinh phí vào kỳ họp hội đồng nhân dân đầu năm, bổ sung vào kỳ họp giữa năm”.

Người viết thấy rằng thực tế tuy không phải không có những địa phương ít quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục và nhà trường gặp nhiều khó khăn về kinh phí. 

Việc huy động sức dân đồng hành với nhà trường vì tương lai của chính con em họ cũng là chuyện hết sức bình thường, nếu nhà trường biết tổ chức.

Ảnh minh họa: Phụ huynh trường Trung học cơ sở Nguyễn Khuyến tham gia lao động xây dựng trường. Nguồn ảnh: http://nkhuyen.violet.vn.
Ảnh minh họa: Phụ huynh trường Trung học cơ sở Nguyễn Khuyến tham gia lao động xây dựng trường. Nguồn ảnh: http://nkhuyen.violet.vn.

Hãy để cha mẹ học sinh tham gia theo đúng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Nhà trường chỉ lo dạy học và không dính đến tiền nong, càng không buôn bán kinh doanh đồng phục, sách vở và các vật dụng khác phục vụ học tập.

Làm như vậy không chỉ giúp các trường bớt đi gánh nặng phải lo những việc "trái ngành", nhạy cảm, dễ gây ra những dư luận xấu, mà còn có thời gian tập trung vào nhiệm vụ chính là tổ chức dạy và học.

Thực tế vẫn có nhà trường miễn nhiễm với hai từ “lạm thu”

Khác xa với nhiều trường học đang lợi dụng chuyện “xã hội hóa giáo dục” và vin vào cớ ngân sách eo hẹp để móc hầu bao phụ huynh bằng mọi giá, mọi cách thì vẫn còn những địa phương không để xảy ra lạm thu. 
 
Điển hình nhất phải kể đến Trường Tiểu học thị trấn 2 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) trong năm học 2017-2018, quyết định không thu bất kỳ khoản phí nào với học sinh ngoài bảo hiểm y tế là 422.000 đồng và 100.000 đồng bảo hiểm toàn diện. [3]
 
Thông tin này thật sự là niềm vui cho hàng trăm phụ huynh học đang có con theo học tại nơi này.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn 2 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) lại cho biết, nguồn kinh phí được ngân sách phân bổ đủ để trường chi tiêu cho cơ sở vật chất cũng như trong hoạt động nên trường không muốn thu thêm các loại phí.

Để tránh các loại phí phát sinh, nhà trường hướng dẫn học sinh tự giữ gìn trường lớp, cách bảo quản bàn ghế, đồng thời kết nối với các mạnh thường quân tài trợ, tổ chức các chương trình vui chơi cho học sinh trong các hoạt động phong trào. [3]

Việc làm của trường tiểu học vùng sâu này phần nào giúp giảm nhẹ gánh lo cho gia đình học sinh trong năm học mới.

Lý luận của các hiệu trưởng lạm thu và cách làm của nhà giáo trong sáng ảnh 3

Xin đừng biến nhà trường thành nơi kinh doanh bảo hiểm

Cũng như Kiên Giang nhiều trường học ở thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận biết bao năm nay các trường không bắt phụ huynh đóng một khoản nào khác ngoài mức thu theo quy định là bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn.

Riêng học sinh tiểu học thu thêm tiền phụ trội 2 buổi nhưng ở mức thấp nhất 40-50 ngàn/tháng/học sinh, trong khi nhiều nơi mức thu này đã là 150-200 ngàn đồng/tháng/học sinh.

Riêng khoản tiền hội phụ huynh, ông Lữ Duy Minh Trưởng phòng Giáo dục thị xã La Gi cho biết: 

“Phòng Giáo dục nhắc nhở các trường thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thông tư 55 nên bao năm nay trên địa bàn thị xã chưa xảy ra tình trạng bị tố giác các trường học lạm thu”. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi phổ biến tinh thần của Thông tư 55 về quỹ hội phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, phụ huynh đều đồng tình ủng hộ ở mức 50-100 ngàn/học sinh. 

Những gia đình nghèo, khó khăn thường không phải ủng hộ. 

Tuy kinh phí eo hẹp như thế nhưng các trường học nơi đây vẫn duy trì mọi hoạt động dạy và học khá tốt. 

Một số hiệu trưởng đề nghị giấu tên khi trao đổi với người viết đều cho rằng, tiền ngân sách cấp hàng năm cho các trường nếu hiệu trưởng không biết cân đối thu chi thì sẽ chẳng bao giờ đủ. 

Bởi thế, để duy trì các hoạt động thật tốt nhà trường phải biết “liệu cơm gắp mắm”. 

Trường học cũng như một gia đình thu nhỏ, tiền lương hàng tháng cố định nếu không biết chi tiêu ắt sẽ thiếu trước hụt sau.

Các cụ nhà ta vẫn nói, “khéo ăn thì no, khéo nằm co thì ấm”.

Một bạn đọc chia sẻ, nếu cứ lấy lý do kinh phí cấp không đủ để “nã” vào đầu phụ huynh thì chẳng biết sẽ thu một học sinh bao nhiêu tiền mới đủ. 

Lý luận của các hiệu trưởng lạm thu và cách làm của nhà giáo trong sáng ảnh 4

Giải pháp ngăn chặn thu, chi không minh bạch ở trường công lập

Từ thực tiễn này, người viết thiết nghĩ chỉ khi nào người đứng đầu nhà trường thực sự có cái tâm trong sáng của một nhà giáo, không lạm vào một cái kim sợi chỉ của dân và biết cách chi tiêu, quản trị tài chính thì không bao giờ có chuyện lạm thu.

Nhưng nếu chỉ dựa vào cái tâm nhà giáo và sự tự giác của người đứng đầu mà thiếu cơ chế quản lý giám sát thống nhất, minh bạch, sẽ khó tránh được lạm thu và lạm thu biến tướng.

Thực tế cho thấy vẫn còn không ít vị hiệu trưởng đã mờ mắt trước món lợi dễ kiếm, khi quyền lực của họ không được kiểm soát hiệu quả bởi tập thể như báo chí đã, đang phản ánh.

Cho nên theo người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần sửa đổi Thông tư 55 để tách hoàn toàn hoạt động thu chi tài chính của ban đại diện cha mẹ học sinh khỏi nhà trường;

Đồng thời quy định cụ thể về quy chế hoạt động của tổ chức này, đảm bảo mọi khoản đóng góp của phụ huynh nếu có, phải công khai, minh bạch và tự quản, nhà trường không can thiệp được;

Mọi hoạt động thu chi khác của nhà trường đều phải tuân thủ các quy định về tài chính, thông báo bằng văn bản có đóng dấu nhà trường, thu qua kế toán / thủ quỹ có biên lai, chứ không phải giáo viên chủ nhiệm.

Quý phụ huynh cũng cần tìm hiểu các khoản phải đóng góp ngoài học phí, bởi các địa phương khác nhau có những quy định khác nhau. Tất cả các khoản thu đều phải được thông báo công khai bằng văn bản, có biên lai.

Thanh tra ngành giáo dục các cấp cần phản ứng nhanh nhạy với các thông tin tố cáo lạm thu, thanh kiểm tra kịp thời và độc lập, không ngồi nghe báo cáo của cấp dưới bị tố cáo và lấy đó làm căn cứ kết luận.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên rà soát loại bỏ các quy định về sổ sách giấy tờ các loại không cần thiết trong nhà trường để giảm gánh nặng cho giáo viên, đồng thời ngăn ngừa tình trạng thanh tra giáo dục một số địa phương lạm dụng chuyện thanh tra sổ sách giấy tờ, chuyên môn...để kiếm phong bì từ cơ sở.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ai-cung-dong-y-huy-dong-dong-gop-chi-tai-giao-vien-khong-biet-cach-noi-post179383.gd

[2]http://tuoitre.vn/lam-thu-cac-truong-noi-gi-20170911165048332.htm

[3]http://tuoitre.vn/ngoi-truong-khong-thu-bat-ky-phu-phi-nao-20170908100506568.htm

Phan Tuyết