Trong khi các trường tư thục phải đầu tư rất lớn cho cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy thì nhiều trường công lập được nhà nước đầu tư lại ung dung thu nhiều khoản không minh bạch.
Điệp khúc lạm thu, rồi lạm dụng cơ sở vật chất để liên kết đào tạo thu tiền đã diễn ra nhiều năm qua nhưng thực tế là cơ quan quản lý giáo dục tại các địa phương chưa có biện pháp nào ngăn chặn hiệu quả, minh bạch các khoản thu, chi ở các trường công lập.
Vậy là các trường công lập – nơi lựa chọn cho nhiều gia đình khó khăn (vì được nhà nước bao cấp) nay cũng phải chịu nhiều áp lực tiền bạc mà không biết phải thoát ra bằng cách nào.
Phải thẳng thắn nói ra rằng, thương hiệu của nhiều trường công hiện nay có được là do sự nỗ lực của biết bao thế hệ nhà giáo bồi đắp tạo nên kèm theo đó là sự chi trả từ ngân sách nhà nước.
Khi Nhà nước bỏ chi phí đầu tư cơ sở vật chất cho tới trả lương cho giáo viên thì đương nhiên ngôi trường ấy, thương hiệu ấy thuộc sở hữu của Nhà nước. Và ở một góc độ nào đó, thương hiệu ấy còn thuộc về nhiều thế hệ giáo viên đã gắn bó với trường.
Vậy mà hiện nay đang xảy ra tình trạng sử dụng thương hiệu, cơ sở vật chất của trường công để tuyển sinh các lớp thu học phí rất cao. Thí dụ như: Lớp Cambridge, A- Level, lớp chất lượng cao…
Số tiền thu được tự khai để chi vào lương giáo viên, tiền giáo trình, chi phí bản quyền, chi phí điều phối chương trình một ít cho vào quỹ cơ sở vật chất, bảo vệ…
Và câu hỏi cần phải đặt ra là: Liệu số tiền thu được có chi vào đúng số lượng và danh mục chi ra không? Liệu có lợi ích nhóm ở đây không?
Lấy thương hiệu của trường để thu hút tuyển sinh thì có phải trả tiền thương hiệu không? Thương hiệu cũng là một tài sản (tài sản vô hình). Ai kiểm soát số tiền thu lớn như vậy?
Để chấm dứt các khoản thu và chi phí không minh bạch, cần phải thực hiện thu qua tài khoản ngân hàng, chi qua ngân sách nhà nước. ảnh minh họa trên Kiến thức. |
Theo điều 105 luật giáo dục 2009: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh”.
Vì vậy, trường công muốn minh bạch thu chi thì cần phải thực hiện: Số tiền thu của học sinh cần cho vào ngân sách, chi ra thì cũng từ ngân sách. Lương giáo viên sẽ có hợp đồng và được thanh toán rõ ràng.
Nếu làm rõ như vậy thì ít nhất thương hiệu của các trường cũng được trả về cho ngân sách nhà nước.
Có thể làm một ví dụ: Năm 2017, Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An đã công bố lớp đầu tiên có 50 học sinh vào học chương trình A-Level với mức thu 7,5 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm lệ phí thi tốt nghiệp theo quy định của CIE).
Như vậy, mỗi tháng trường sẽ thu về 375 triệu đồng. Với 3 năm học, trường sẽ thu được hơn 11,2 tỷ đồng. Số tiền ấy sẽ tăng lên nếu trường có thêm học sinh đăng ký vào học chương trình này.
Vậy phải tính toán thế nào để thực sự minh bạch khoản thu này? Đó là một câu hỏi cần thiết và hết sức thời sự cần phải giải quyết, bởi vì cần phải nhắc lại Trường Chu Văn An là trường công lập do Nhà nước đầu tư và thương hiệu của ngôi trường này cũng phải được tính toán để trả lại chi phí vào ngân sách Nhà nước.
Nếu không giải quyết một cách sòng phẳng vấn đề này, vậy chẳng phải trường công lập thu tiền như trường tư thục nhưng vẫn không phải trả chi phí cơ sở vật chất và thương hiệu một cách minh bạch vào ngân sách Nhà nước?
Vài chục năm trước khi đất nước còn rất nhiều khó khăn, nhiều nhà giáo nghèo đã phải lao động (nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau, cấy lúa…) để có thêm thu nhập, để luôn giữ hình ảnh người nhà giáo mẫu mực, tằn tiện hy sinh để dạy dỗ học sinh nên người, để làm lên thương hiệu nhà trường.
Nhưng ngày nay lại có nhiều trường thoải mái tự thu, tự chi và tất nhiên nếu tiền thu về và chi ra mà không qua ngân sách nhà nước thì không thể kiểm soát nổi các khoản thu, chi ấy có thực sự minh bạch hay không.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì đã ban hành số đường dây nóng phản ánh lạm thu, nhưng có lẽ như vậy là chưa đủ, bởi đơn giản là phần lớn phụ huynh rất e ngại con em họ gặp phiền toái nếu dám lên tiếng về các khoản thu, chi của nhà trường.
Vậy thì nên chăng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hãy đi đầu bằng một kiến nghị, yêu cầu mọi khoản thu phải được minh bạch qua tài khoản ngân hàng, đưa vào ngân sách nhà nước trước khi chi ra, để ngăn chặn tiêu cực trong môi trường giáo dục.