LTS: Đã có nhiều bậc phụ huynh cho rằng, việc đi họp đầu năm cho con chỉ là đến để có mặt và nghe thông báo đóng tiền.
Trước thực trạng đó, cô giáo Phan Tuyết đã có những chia sẻ và phương pháp để cuộc họp phụ huynh đầu năm không còn nặng về vấn đề tiền bạc, cũng như tạo được tâm lý thoải mái cho chính thầy cô và phụ huynh học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong và nội dung thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của tác giả.
Chỉ cần hỏi bất kì ai về cuộc họp phụ huynh đầu năm, chúng ta sẽ nhận được những câu trả lời theo kiểu “đi để móc hầu bao”.
Điều đó chứng tỏ một điều, cuộc họp phụ huynh chủ yếu chỉ liên quan nhiều đến tiền bạc hơn là các em học sinh.
Bởi, đã có nhiều cuộc họp phụ huynh đầu năm, thầy cô thường làm theo mẫu hướng dẫn thống nhất trong toàn trường như thông báo tình hình chung về trường, lớp, những thuận lợi, khó khăn.
Thông báo mức thu của học sinh năm học này, bầu ban đại diện phụ huynh lớp và thu tiền của những phụ huynh mang theo. Sau đó là cuộc họp kết thúc.
Phải làm thế nào để buổi họp phụ huynh đầu năm không còn nặng nề vấn đề tiền bạc ( (ảnh: HSU). |
Vậy phải làm thế nào để cuộc gặp mặt giữa giáo viên chủ nhiệm lớp với cha mẹ học sinh không còn mang nặng hai chữ “đóng tiền”?
Làm sao để phụ huynh thấy vui vẻ, thoải mái không cảm thấy bị bắt buộc khi hợp tác với nhà trường?
Điều này lại phụ thuộc vào cái tài của mỗi giáo viên chủ nhiệm.
Để bớt đi cảm giác nặng nề về tiền bạc, vào cuộc họp mỗi giáo viên sẽ thông báo tình hình chung của lớp những mặt thuận lợi, khó khăn.
Chia sẻ đến phụ huynh cách hợp tác với giáo viên sao cho hiệu quả. Cách hướng dẫn các em chuẩn bị bài ở nhà.
Thường thì các trường sẽ tổ chức cuộc họp phụ huynh sau khi học sinh đã ổn định học được vài tuần.
Bởi thế, ít nhiều thầy cô cũng đã nắm sơ bộ về tính tình, tinh thần học tập, lực học và cách sinh hoạt của từng em.
Dù thế, giáo viên cũng không thể đứng trên lớp mà khen em này ngoan ngoãn, chăm học hoặc phê bình em khác còn lười biếng, học yếu hay nghịch ngợm.
Đã có không ít phụ huynh than vãn rằng “thầy (cô) ấy chẳng tế nhị tí nào”.
Ai đời cả lớp còn đông phụ huynh như thế mà cứ lôi tuồn tuột cái xấu của thằng cu Tèo ra nói. Ngượng chín cả mặt mà chẳng biết trốn đâu.
Cũng vì điều này mà không ít bà mẹ, ông bố sau khi đi họp phụ huynh về đã nổi trận lôi đình mang con ra mắng xối xả là đồ ngu ngốc, làm nhục cha mẹ “hôm nay nghe cô mày nói, tao không có chỗ nào chui vào để giấu mặt”.
Phụ huynh bắt đầu chóng mặt với các khoản thu đầu năm |
Vậy làm thế nào để tâm tình với cha mẹ các em một cách tế nhị, để họ hiểu thêm về con mình mà không sợ mất lòng?
Cô Ly với kinh nghiệm dạy học trên 20 năm chia sẻ “Trước khi vào cuộc họp, mình sẽ gặp gỡ một số phụ huynh đến trước để trao đổi nhanh.
Hoặc hẹn phụ huynh gặp sau cuộc họp, cho số điện thoại để liên lạc riêng”.
Cô Hồng cũng bật bí “Mình sẽ nói những điều tốt, những mặt ưu điểm của các em trước lớp.
Bởi dù là đứa trẻ chưa ngoan, học chưa tốt nhưng vẫn có những điểm mạnh. Sau đó cũng sẽ mời riêng phụ huynh ấy ở lại vài phút…”.
Đến phần thông báo về các khoản tiền đóng góp cũng như ủng hộ tự nguyện, giáo viên cũng cần khéo léo, giải thích rõ ràng những khoản tiền đóng bắt buộc theo quy định.
Mục đích của những khoản đóng tự nguyện để làm gì? Giáo viên cần phải chuẩn bị những phương án trả lời, giải thích sao cho thuyết phục.
Khi phụ huynh hiểu rõ chắc chắn sẽ có sự ủng hộ một cách nhiệt tình.
Thầy cô nên dành thời gian để phụ huynh bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình. Nếu không biết khơi gợi, khuyến khích sẽ chẳng có ai đứng lên nói.
Giáo viên cần khuyến khích, gợi mở để phụ huynh đưa ý kiến đề xuất tập trung vào các giải pháp để nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của con em mình. Những mong muốn của phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm…
Khi đã có được niềm tin dành cho giáo viên và nhà trường sẽ có được sự hợp tác tốt nhất giữa hai môi trường giáo dục.