LTS: Ban đại diện cha mẹ học sinh lẽ ra phải đại diện cho quyền lợi của học sinh và phụ huynh nhưng trong thực tế ở nhiều nơi đây lại là “cái loa” của nhà trường.
Từ đó, tác giả Kiên Trung đã có bài viết phản ánh thực tế trên, đồng thời mong muốn, họp phụ huynh đầu năm, nhà trường, giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh hãy bớt nói chuyện tiền bạc.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết. Nội dung và văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Thường thì sau khi buổi lễ khai giảng năm học mới kết thúc được vài ngày, trên cả nước tất cả các trường phổ thông đồng loạt tổ chức họp ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong giáo dục con em.
Một phần không thể thiếu trong phiên họp này là chọn lựa ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, gồm có 3 người (trưởng ban, phó ban và ủy viên).
Ban đại diện phụ huynh là một thành phần quan trọng của nhà trường (Ảnh: giaoduc.net.vn). |
Có một thực tế là, nhiều phụ huynh thường từ chối, không muốn làm, vì bận công việc, không có thời gian đi họp hành nên các giáo viên chủ nhiệm phải vận động, năn nỉ mới bất đắc dĩ nhận lời.
Cần nói thêm, có phụ huynh chối từ là vì mệt mỏi, ngán ngẩm với việc một số nhà trường, thầy, cô giáo chủ nhiệm hay “nhờ” họ đi vận động, thu quá nhiều khoản tiền “thỏa thuận” và “tự nguyện”.
Hội nghị ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường (gọi tắt là ban thường trực đại diện cha mẹ học sinh) sẽ gồm trưởng ban, phó ban và một số ủy viên.
Khi có việc thì nhà trường sẽ chủ động mời Ban thường trực này đến trao đổi, bàn bạc, nhờ cậy sự quan tâm, giúp đỡ của họ.
Mọi việc của nhà trường, nhất là chuyện tiền bạc, có được sự đồng thuận, thống nhất của Ban thường trực cha mẹ học sinh nhà trường là vô cùng thuận lợi.
Chủ trương ở trên đưa xuống, Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp cứ thế triển khai, thực hiện.
Khi câu chuyện đầu năm học vẫn chỉ là… tiền! |
Có năm, Ban Giám hiệu nhà trường “lựa chọn không đúng người” vào Ban thường trực.
Các gợi ý của lãnh đạo nhà trường về khoản này, khoản kia trong năm học đều bị một số phụ huynh “không đúng người” ấy phản bác đến cùng khiến ban giám hiệu đau đầu.
Năm học sau rút kinh nghiệm cho năm học trước, nhà trường ngắm nghía, chọn lựa kỹ hơn những thành phần phụ huynh “dễ chịu” vào ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và trường.
Một số giáo viên từng đề nghị nhà trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm trong cuộc họp phụ huynh đầu năm nên chọn lựa cha, mẹ học sinh vào Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp phải là các em học sinh chăm ngoan, học lực khá, giỏi thì tốt hơn.
Bởi lẽ, thực tế có tình trạng một số phụ huynh nằm trong ban đại diện đúng con em học yếu, hạnh kiểm sa sút, cậy mình là người có “vai vế”, có đóng góp cho lớp, cho trường nên hay nhờ vả, xin xỏ điểm số cho con em, làm khó nhà trường và giáo viên.
Do nể tình cha mẹ nằm trong ban đại diện nên buộc thầy cô phải ra tay “cứu giúp” mà làm thế thì cảm thấy áy náy, thiếu công bằng với các học sinh bình thường khác.
Mặc dù, cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới 2017-2018 chưa diễn ra nhưng một số trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế… lại xảy ra tình trạng lạm thu với khoản tiền lên đến hàng triệu đồng.
Phát hiện lạm thu, gọi đường dây nóng 01695122753 |
Đồng thời “đẻ ra” nhiều loại “đồng phục” kỳ lạ (giầy, dép, dụng cụ học tập…) trở thành gánh nặng, áp lực không hề nhỏ đối với nhiều phụ huynh, đặc biệt diện phụ huynh về điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn, khiến họ bức xúc.
Song, do sợ nhà trường, giáo viên “kém vui” nên nhiều phụ huynh chỉ biết than vãn, bức xúc ở bên ngoài cuộc họp mà thôi.
Nhiều phụ huynh cho rằng, chủ trương về công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực, trong đó có đóng góp của phụ huynh để chăm lo, phục vụ tốt hơn cho hoạt động giáo dục ở nhà trường, địa phương là hoàn toàn đúng đắn, chúng tôi luôn sẵn sàng ủng hộ tối đa.
Nhưng mọi thứ phải rõ ràng, công khai, minh bạch cho tất cả hội đồng sư phạm và phụ huynh học sinh biết.
Khi xây dựng, sửa chữa, mua sắm… cái nọ, cái kia từ nguồn đóng góp của phụ huynh thì nhà trường phải có lộ trình, kế hoạch hẳn hoi.
Phải được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không thể chấp nhận kiểu làm “du kích”, ngẫu hứng, thu - chi lại mập mờ, để ngoài sổ sách tài chính.
Mặt khác, phụ huynh cũng mong muốn, họp phụ huynh đầu năm, nhà trường, giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh bớt nói chuyện tiền bạc.
Hãy dành thời gian đề cập nhiều đến những chủ trương, đổi mới, giải pháp lớn cũng như các cam kết của của nhà trường trước phụ huynh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.