Xếp hạng đại học cũng phức tạp như chấm thi hoa hậu

17/09/2017 07:04
Trần Thị Tuyết
(GDVN) - Khi sinh viên quốc tế trở thành khách hàng béo bở của các trường đại học phương Tây thì xếp hạng đại học cũng trở thành một ngành kinh doanh khá hấp dẫn.

LTS: Gần đây, vấn đề xếp hạng đại học ở Việt Nam đang được dư luận hết sức quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Giáo dục Trần Thị Tuyết, hiện đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Thị trường Lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao Đông Liên Bang Đức chia sẻ bài viết sau đây nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về xếp hạng đại học.

Toà soạn mời quý bạn đọc theo dõi bài viết và trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trần Thị Tuyết! Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Xếp hạng đại học khác với việc chấm điểm các môn khoa học như Toán, Lý, Hóa. Với các bài toán, câu trả lời chỉ có thể là đúng hoặc sai, không phụ thuộc vào người ra đề hay người chấm điểm.

Trái lại, kết quả của các bảng xếp hạng đại học phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng các tiêu chí xếp hạng do những người đứng ra xếp hạng xây dựng lên.

Nói nôm na, xếp hạng đại học giống như một cuộc thi sắc đẹp, nó phụ thuộc khá lớn vào tiêu chí chấm của ban tổ chức và người chấm.

Hình minh họa: VTV.vn.
Hình minh họa: VTV.vn.

Về mặt khoa học, đó là sự khác nhau cơ bản về phương pháp luận giữa nghiên cứu định lượng (coi sự vật hiện tượng tồn tại khách quan, không phụ thuộc và chủ quan của chủ thể nghiên cứu) và nghiên cứu định tính (nghiêng về giải thích qui luật, hiện tượng thông qua lăng kính chủ quan của người nghiên cứu).

Tuy nhiên, đích hướng đến của các nghiên cứu định tính là độ tin cậy (reliability) và khả năng chuyển giao (transferability) của kết quả nghiên cứu.

Vì vậy các nhà nghiên cứu định tính thường phải có hiểu biết sâu rộng về vấn đề và đối tượng nghiên cứu để có thể đưa ra một khung nghiên cứu hợp lý và có sức thuyết phục.

Với các cuộc thi hoa hậu, để đảm bảo độ tin cậy và tính thuyết phục của kết quả chung cuộc, Ban tổ chức phải căn cứ vào các quan niệm phổ biến về cái đẹp (như vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ…) để lên tiêu chuẩn chấm điểm cho cuộc thi.

Đồng thời lượng hóa cụ thể các tiêu chí (cho điểm chiều cao, cân nặng, làn da, dáng đi…) càng chi tiết càng tốt để hạn chế việc cho điểm theo chủ quan của người chấm.

Tương tự, với xếp hạng đại học, tiêu chuẩn và tiêu chí xếp hạng được coi là quan trọng nhất và để nâng cao độ tin cậy và sức thuyết phục của bảng xếp hạng.

Các tiêu chuẩn thường được căn cứ vào sứ mệnh của các trường đại học (ví dụ như đào tạo, nghiên cứu, trách nhiệm xã hội hay chất lượng đầu ra).

Các tiêu chí chấm điểm cũng được qui định cụ thể và chi tiết, như việc qui định thang điểm cho các yếu tố thành phần như qui mô đào tạo, số lượng bài báo khoa học, chất lượng các bài báo, hay mức độ đáng giá của nhà tuyển dụng lạo động.

Nói tóm lại, đây là quá trình lượng hóa các yếu tố định tính.

Xếp hạng đại học cũng phức tạp như chấm thi hoa hậu ảnh 2

Đại học Y và Ngoại thương chỉ là trường trung bình trong bảng xếp hạng 49

Thuộc tính của các nghiên cứu định tính là nghiên cứu mang tính thời điểm, gắn với các yếu tố về lịch sử, văn hóa, thói quen, quan niệm nên kết quả của chúng thường gây tranh cãi.

Ví dụ như nhiều người Việt sẽ không thấy cô gái được đăng quang hoa hậu thế giới xứng đáng bằng cô á hậu.

Tương tự, vì cách nhìn nhận về cái đẹp của người châu Á, châu Âu và châu Phi có thể khác nhau nên nhiều người châu Á có thể thấy cô hoa hậu Nam Phi không những không xinh mà còn xấu là điều bình thường.

Các bảng xếp hạng với những tiêu chuẩn, tiêu chí và việc lên tương quan điểm cho các tiêu chí khác nhau sẽ cho ra những thứ hạng rất khác nhau.

Xếp hạng đại học để làm gì?

Xếp hạng đại học là một trong những công cụ đảm bảo chất lượng, tức là về mặt lý thuyết, chính quyền có thể dùng công cụ là các thước đo xếp hạng của họ để can thiệp vào định hướng giảng dạy và nghiên cứu của các trường đại học.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xếp hạng các trường đại học trên thế giới được dùng nhiều cho mục đích quảng cáo và thương mại hơn là các mục đích về học thuật.

Các tổ chức, trang mạng hay các nhà nghiên cứu độc lập đều có thể làm công tác xếp hạng đại học theo tiêu chí của riêng họ.

Mặc dù có rất nhiều bảng xếp hạng khác nhau nhưng chỉ có các bảng xếp hạng được coi là uy tín như bảng xếp hạng của Quacquarelli Symonds (QS) và Times Higher Education (THE) là được tham chiếu khá phổ biến.

Các bảng xếp hạng này được đánh giá là có uy tín bởi tính cập nhật của các tiêu chuẩn đánh giá và độ tin cậy của các số liệu mà họ có được khi đo lường các tiêu chí cụ thể.

Xếp hạng đại học cũng phức tạp như chấm thi hoa hậu ảnh 3

Xếp hạng đại học không phải để quản lý và phân bổ ngân sách

Khi giáo dục trở thành hàng hóa và khi sinh viên quốc tế trở thành khách hàng béo bở của các trường đại học phương Tây thì xếp hạng đại học cũng trở thành một ngành kinh doanh khá hấp dẫn.

Giống như việc các ngân hàng chạy đua để mang về cho mình một giải thưởng nào đó hàng năm và trưng ra cho khách hàng, một cuộc chạy đua khá tương tự cũng xảy ra ở các trường đại học định hướng quốc tế hóa.

Người học dễ dàng bắt gặp những dòng giới thiệu khá hấp dẫn về thứ hạng của bất kì một trường đại học nào mà họ muốn tìm hiểu và đầu quân vào.

Ví dụ như: Trường X là trường số 1 về nghiên cứu ở nước Y, trường W là trường nằm trong top 10 trường đại học tốt nhất theo bảng xếp hạng Z, trường G là trường nằm trong top 3 các trường đại học tốt nhất về các dịch vụ phục vụ sinh viên quốc tế theo bảng xếp hạng của tổ chức M…

Vì sao bảng xếp hạng 49 trường đại học ở Việt Nam gây tranh cãi

Trước hết, nó gây sự chú ý và tò mò, vì nó là bảng xếp hạng đầu tiên.

Thứ hai, nó đánh trúng tâm lý của người dân, đặc biệt ở một nền văn hóa ưa thứ bậc như ở Việt Nam.

Thứ ba, giống như các phân tích ở trên, việc có các ý kiến trái chiều về một nghiên cứu định tính là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, để nói về độ tin cậy và khả năng chuyển giao (transferability) của nó thì còn nhiều điều cần bàn.

Dù các tác giả bảng xếp hạng đã rất cố gắng để tính đến các yếu tố bản địa, tuy nhiên, có thể vì không có một tác giả nào là người nghiên cứu chuyên sâu về giáo dục đại học, yếu tố cần thiết để hiểu về đối tượng nghiên cứu trong nghiên cứu định tính, nên bảng xếp hạng được xây dựng chưa phản ánh được đặc thù và sự khác biệt của hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.

Cụ thể,  các tác giả đưa các tiêu chí đánh giá chủ yếu dựa trên lý thuyết và tham chiếu các bảng xếp hạng thế giới, vốn là các bảng xếp hạng dành cho các trường đại học theo chuẩn phương Tây (đại học đa ngành với thuộc tính là nghiên cứu song song với giảng dạy, giảng dạy chứ không phải đào tạo, đào tạo vốn là trách nhiệm thuộc các trường dạy nghề).

Trong khi sự phát triển của các đại học ở Việt Nam chưa thể tiệm cận được với các chuẩn phương Tây.

Do đặc thù và sự hạn chế về nguồn lực, đa phần các trường đại học Việt Nam là trường đơn ngành với sứ mệnh xuyên suốt là đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Nghiên cứu vốn không thuộc chức năng của các trường đại học, mà thuộc các trung tâm nghiên cứu, được thành lập riêng biệt.

Với đòi hỏi hội nhập, các trường đại học ở Việt Nam đang được khoác thêm các chức năng giống như các chức năng của đại học phương Tây.

Các trường đại học đơn ngành được khuyến khích phát triển thành đa ngành hoặc được tập hợp lại thành các trường đa ngành như Đại học Quốc gia hoặc các đại học vùng với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được đặt song song cùng nhiệm vụ đào tạo.

Tuy nhiên, số lượng các trường đơn ngành tập trung chủ yếu vào hoạt động giảng dạy và đào tạo vẫn chiếm số đông trong hệ thống các trường đại học ở Việt Nam.

Xếp hạng đại học cũng phức tạp như chấm thi hoa hậu ảnh 4

Bộ sẽ đưa xếp hạng vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi

Vì đặc thù trên nên việc áp tiêu chí nghiên cứu (40%) bằng với tiêu chí đào tạo (40%) của nhóm xếp hạng đầu tiên này chưa thực sự thuyết phục với đa số.

Hơn nữa, đào tạo là mục đích xuyên suốt thì chất lượng đầu ra có thể coi là yếu tố quan trọng bậc nhất để đánh giá xếp hạng trường, tuy nhiên, nó lại không được đưa vào tiêu chí xếp hạng.

Điều này, nếu liên tưởng tới một cuộc thi hoa hậu, thì tiêu chuẩn của làn da châu Á sẽ khác hoàn toàn về tiêu chuẩn về làn da ở châu Phi, và nếu áp chung một chuẩn là lấy làn da trắng sáng làm chuẩn mực thì các cô giá châu Phi chắc chắn thua cuộc.

Vì vậy việc đặt dấu hỏi với các tiêu chuẩn xếp hạng là điều dễ hiểu.

Nguồn dữ liệu được dùng để để đánh giá cũng là vấn đề làm giảm tính tin cậy của bảng xếp hạng, bởi việc căn cứ vào báo cáo 3 công khai của các trường – là các báo cáo các trường tự nhận xét, chưa thông qua kiểm định – thì dù việc phân tích và so sánh các con số trong các bản báo cáo đó có khách quan và được hỗ trợ bởi những phương pháp tính toán khoa học nhất thì kết quả của nó vẫn chưa thể khẳng định được về độ tin cậy.

Việc áp dụng chung các tiêu chí xếp hạng và gom tất cả các loại trường đơn ngành, đa ngành, trường chuyên về khoa học tự nhiên như Bách Khoa, Công nghệ với các trường thuộc khối xã hội như Luật, Nhân văn hay Báo Chí cũng làm giảm sức thuyết phục của bảng xếp hạng.

Nó giống như một cuộc thi sắc đẹp mà người ta dùng chung một chuẩn mực đánh giá, kể cả các chuẩn về hình thể với cả ba loại đối tượng: nữ sinh, nam sinh và người lưỡng tính vậy!

Với đặc thù của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, việc xếp hạng, nếu muốn, nên dừng lại ở các trường/khoa cùng chuyên ngành hoặc nếu gộp chung các trường đơn ngành thì phải cân nhắc các chỉ số rất cẩn trọng, giống như việc ở Đại học Quốc gia Hà Nội áp chỉ tiêu công bố cho các trường đại học khối khoa học xã hội và nhân văn chỉ bằng 25% chỉ tiêu của các trường khối khoa học tự nhiên, công nghệ và y-dược vậy.

Trần Thị Tuyết