Chia sẻ trong tham luận tại Hội thảo đổi mới giáo dục phổ thông diễn ra ngày 22/9, Giáo sư Hồ Ngại Đại đặt ra vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, xoay quanh hai câu hỏi:
Thứ nhất, về triết học: Thế nào là đổi mới căn bản và toàn diện? Thứ hai, về lịch sử: Sức mạnh vật chất nào thực thi cuộc đổi mới ấy?
Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao? |
Giáo sư Đại dẫn giải rằng, cuộc cách mạng 1.0 là Máy hơi nước; Cuộc cách mạng 2.0 là Máy nổ – Động cơ đốt trong; Cuộc cách mạng 3.0 là Máy tính – Công nghệ thông tin.
Và bây giờ, Cuộc cách mạng 4.0 là Máy nghĩ – Trí tuệ nhân tạo – Tự động hoá quá trình sản xuất vật chất: Làm ra sản phẩm vật chất mà không cần mó tay vào.
Thực tiễn vật chất chưa hề có thì có tư duy của mình để xử lý các vấn đề triết học/lịch sử của mình.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhận định, nền giáo dục nước ta thời xưa chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Khổng – Mạnh, nhưng một thế kỷ qua giới trí thức đã tiếp cận được những tư tưởng triết học tiến bộ từ các cuộc cách mạng 1.0 và 2.0 ở phương Tây.
Dù vậy, đời sống thực tiễn trên toàn thế giới hiện đại đang biến đổi với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm” (Marx), đẩy nền giáo dục nước ta ngày càng lùi sâu vào quá khứ, ngày càng tụt hậu sâu hơn.
Nói theo Marx, về triết học, chúng ta là người cùng thời với thế giới hiện đại, nhưng về lịch sử, chúng ta là kẻ lạc hậu, rất lạc hậu.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: “Học để dùng, đó là cốt tủy cả triết học lẫn lịch sử của giáo dục hiện đại". ảnh: Ngọc Quang. |
Và theo tính toán của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, trẻ em hiện đại sinh từ ngày 1/1/2001 là nhân vật lần đầu tiên xuất hiện, xét về cả lịch sử lẫn triết học.
Trước đây, trong quá khứ, các thế hệ già chỉ lặp lại nhau, tất cả cùng chung một nguyên lý triết học, cùng chung một thực tiễn lịch sử.
Nền giáo dục dành cho trẻ em hiện đại phải là nền giáo dục chưa hề có, lần đầu tiên được xác lập trên thực tiễn lịch sử, theo một nguyên lí triết học chưa hề có, được thực thi trong thực tiễn sư phạm bằng một công nghệ giáo dục chưa hề có.
Ba kiến nghị của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa |
Xã hội của phạm trù cá nhân đã vượt bỏ các quan hệ một chiều, đấu tranh giai cấp, mà xác lập một quan hệ mới chưa hề có giữa các cá nhân:
Mỗi cá nhân hiện đại là duy nhất, có một không hai trên hành tinh.
Vì lợi ích của chính mình, mỗi cá nhân hiện đại phải hợp tác với các cá nhân khác, xác lập trong toàn xã hội quan hệ mới: phân công – hợp tác.
Cơ chế phân công – hợp tác ngày càng tác động sâu hơn vào đời sống xã hội, đến tận các cá nhân.
Mỗi cá nhân hiện đại muốn xứng đáng nhất với chính mình (có lợi nhất cho chính mình) thì phải hoà nhập vào cơ chế phân công – hợp tác của xã hội hiện đại, trên toàn thế giới.
Bằng cách đó, mỗi cá nhân hiện đại sẽ trở thành chính mình, một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh.
Trong lịch sử hiện thực, trong cuộc sống thực tiễn, cá nhân trở thành chính mình theo hai dòng song song, hỗ trợ lẫn nhau: Trưởng thành cơ thể và phát triển tinh thần.
Để trưởng thành, trẻ phải tự ăn. Để phát triển, trẻ phải tự học.
Theo quan điểm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Để trưởng thành, trẻ phải tự ăn. Để phát triển, trẻ phải tự học". ảnh minh họa: Linh Hương |
Làm thế nào để trẻ thấy “Đi học là hạnh phúc”?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng, thực tiễn giáo dục hiện đại được định hướng bởi triết học hiện đại và thực thi (thực tiễn lịch sử) bằng công nghệ hiện đại.
Công nghệ nói chung chẳng qua là một quá trình được tổ chức và kiểm soát sao cho sản phẩm là tất yếu (vượt qua may rủi ngẫu nhiên).
Ông lưu ý: “Trẻ em 6 tuổi đã nói sõi, 7 tuổi – nói đúng, 8 tuổi – nói chuẩn xác và tinh tế mọi điều. Can cớ gì mà viết sai câu? Viết sai là do thầy không biết cách dạy! Nghiệp vụ sư phạm không đủ sức!”.
Cũng theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, giải pháp thực tiễn phải tuân theo quá trình tự nhiên (logic tự nhiên) trưởng thành / phát triển của trẻ em hiện đại, dọc theo dòng thời gian tuyến tính trong cuộc sống tự nhiên, độc lập với tư duy.
“Tôi coi trọng hai giai đoạn cơ bản của giáo dục nhà trường dành cho đời người hiện đại. Một cho đại học, vì cuộc sống trực tiếp sát sạt ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay của cá nhân, của gia đình, của toàn xã hội.
Liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, hãy nhìn rừng, đừng nom cây |
Một cho tiểu học, vì cuộc sống thực của từng em, cho hôm nay, cho ngày mai, cho cả đời người/cho trẻ em, cho người lớn, cho toàn dân tộc.
Tiểu học là cơ hội cuối cùng bảo tồn truyền thống dân tộc, là cơ hội đầu tiên đi theo định hướng triết học và làm theo công nghệ giáo dục mới.
Đại học là cơ hội đầu tiên hội nhập ngay với thế giới hiện đại, tiếp cận ngay với khoa học – công nghệ hiện đại trên toàn thế giới”, Giáo sư Đại nêu quan điểm.
Giải pháp thực tiễn cho giáo dục nói chung thường gom vào hai cụm vấn đề: Sách giáo khoa và Nghiệp vụ sư phạm.
Giải pháp cho mỗi cụm vấn đề gồm có định hướng lý thuyết và quy trình triển khai thực tiễn – công nghệ thực thi.
Vậy xây dựng chương trình các môn học tiểu học theo định hướng lý thuyết nào? Theo quan điểm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, có ba nguyên tắc: Phát triển / Chuẩn mực / Tối thiểu.
Quá trình phát triển sẽ là tối ưu nếu diễn ra tự nhiên, theo logic nội tại, mà trí tuệ đương thời có thể phát hiện (phát hiện cái có trong hiện thực cuộc sống tự nhiên).
Giáo dục tiểu học vì lợi ích cơ bản cho mỗi cá nhân hôm nay, cho cả đời người, do đó những gì đưa đến cho trẻ em phải là chuẩn mực của thời đại, có tính hàn lâm, bền vững.
Những thành tựu hàn lâm hiện đại có rất nhiều, nhiều vô tận, thì nghiệp vụ sư phạm hiện đại phải biết chọn ra cái tối thiểu, cái không thể không có (như các thanh tà-vẹt đặt đường ray xe lửa), sao cho sự phát triển của trẻ em đi theo đúng chuẩn mực của thời đại.
“Học để dùng, đó là cốt tủy cả triết học lẫn lịch sử của giáo dục hiện đại. Không còn nữa học lấy tiếng để loè, có danh để được hưởng lợi vật chất.
Một khi việc học thiết thân như việc ăn – các nhân tố làm nên sự sống hiện đại, thì tôi tin rằng sẽ có thật điều tôi đưa ra 40 năm trước, nhân lễ khai giảng năm học đầu tiên trường Thực nghiệm (1978): Đi học là hạnh phúc! Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui!”, Giáo sư Đại nhấn mạnh.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: “Tôi ra trường sư phạm cuối năm 1954. Từ đó đến nay, liên tục hơn 60 năm ấy, tôi không một ngày xa rời giáo dục nhà trường, luôn luôn đau đáu về nghiệp vụ sư phạm. Cuối năm 1968, tôi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Tổng hợp Mat-xcơ-va (Lô-mô-nô-xốp) khoa Tâm lý học – chuyên ngành Tâm lý học trẻ em và sư phạm. Năm 1972 – Phó Tiến sĩ. Năm 1976 – Tiến sĩ Khoa học. Từ 1978 đến nay, tôi liên tục triển khai thực nghiệm giáo dục, làm căn cứ thực tiễn để định hướng – khai phá – kiểm nghiệm – khẳng định. Nhờ công phu tu dưỡng cả lý thuyết lẫn nghiệp vụ về tiểu học liên tục trong 50 năm, tôi tự mình viết lại, và năm nay, 2017, viết xong hai bộ sách giáo khoa tiểu học: Toán 1 – 2 – 3 – 4 – 5; Tiếng Việt 1 – 2 – 3 – 4 – 5. Năm học này, 2017 – 2018, có hơn 700.000 học sinh lớp Một học theo quyển Tiếng Việt lớp 1 tôi viết lại, ở 49 tỉnh/thành, rải khắp các miền đất nước. Dù em sinh ra ở đâu, trong gia đình nào, thuộc dân tộc nào, 6 tuổi lần đầu tiên đến trường, học Tiếng Việt theo sách giáo khoa của tôi thì cuối năm, em sẽ đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả (nắm chắc luật chính tả) và không thể tái mù. Theo mạch đó, học tiếp lớp Hai, em viết thành câu. Học tiếp lớp Ba, em không bao giờ viết sai câu tiếng Việt. |