Liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, hãy nhìn rừng, đừng nom cây

25/05/2017 03:22
Xuân Dương
(GDVN) - Một vấn đề lớn, liên quan đến 100% các gia đình người Việt, đến tương lai, vận mệnh quốc gia, dân tộc hình như đang được tiến hành hơi vội vã.

Bài viết này không nhằm đi vào nội dung chi tiết các phần của dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vì như phóng viên Thùy Linh đã tổng kết trong bài “Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiếp thu những góp ý nào?” (Giaoduc.net.vn ngày 23/5/2017), có tới 200 bài viết và khoảng 400 ý kiến chia sẻ, cả 63/63 Sở Giáo dục và Đào tạo đã góp ý…

Vấn đề người viết muốn bàn là cách thức chúng ta tiến hành xây dựng dự án, cách đặt vấn đề ở tầm vĩ mô và chiến lược “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” được hiện thực hóa như thế nào.

Năm 2000, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 “Về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, có thể thấy những gì mà ngành Giáo dục làm được chưa đáp ứng mong đợi của người dân và cũng không mang lại những chuyển biến rõ nét cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà.

Áp dụng chương trình tổng thể từ năm 2018, vội vã hay là duy ý chí? (Ảnh minh họa: VOV)
Áp dụng chương trình tổng thể từ năm 2018, vội vã hay là duy ý chí? (Ảnh minh họa: VOV)

Bằng chứng là sau Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Phải mất ba năm, đầu năm 2017 Chính phủ mới kiện toàn hai cơ quan quan trọng là Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo.

Dành thời gian tìm hiểu thông tin từ Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không thấy nơi nào công bố thành phần “Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.

Cũng không thấy công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng quyết định của cơ quan nhà nước cử Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm “Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” (Chương trình tổng thể)

Tìm hiểu thêm được biết, ngày 8/12/2016 Ngân hàng Thế giới mới có thư chấp thuận Tổng chủ biên Chương trình tổng thể, ngày 14/3/2017 mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận thành viên các Ban Phát triển Chương trình môn học. [1]

Người Việt khá bức xúc việc vay vồn đầu tư từ Trung Quốc bởi kèm theo vốn là công nghệ lạc hậu và đội ngũ lao động chân tay được “cài cắm” vào các công trình xây dựng.

Vay Ngân hàng Thế giới vẫn phải trả cả gốc lẫn lãi, đây không phải là viện trợ không hoàn lại, thế nhưng lại không được tự chủ về nhân lực, phải được họ chấp thuận từ thành viên đến Tổng Chủ biên?

Liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, hãy nhìn rừng, đừng nom cây ảnh 2

Chương trình phổ thông mới: Cần thiết là chất lượng không phải là thời gian

Nếu biết rằng hàng chục dự án với nguồn vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng bị “đắp chiếu” thì mới thấy vì sao chỉ có 80 triệu USD mà chúng ta lại phải phụ thuộc người ta đến như vậy.

Như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời phỏng vấn: “Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mãi tới ngày 4/11/2016 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chưa có Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì chưa thể xây dựng chương trình giáo dục phổ thông”. [1]

Sau khi có Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, việc xây dựng chương trình tổng thể được tiến hành ngay lập tức là không khả thi vì chưa được Ngân hàng Thế giới chấp thuận Tổng Chủ biên và các Ban Phát triển Chương trình môn học.

Cứ cho rằng danh sách Ban soạn thảo và Tổng Chủ biên đã được nhà nước thông qua và đã hoạt động từ trước khi Ngân hàng Thế giới chấp thuận thì hoặc là chúng ta “soạn thảo chui” hoặc là danh sách thành viên không quan trọng, nếu Ngân hàng Thế giới không chấp thuận thì thay tên người khác còn nội dung dự thảo vẫn như cũ?

“Chưa có Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì chưa thể xây dựng chương trình giáo dục phổ thông” vậy thì nhờ đâu ngày 12/4/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có và công bố dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể mới?

Tháng 8 năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Chương trình tổng thể để lấy ý kiến nhân dân.

Bản dự thảo đã được các tầng lớp nhân dân, trong đó có các chuyên gia giáo dục đóng góp nhiều ý kiến.

Dự thảo lần này là sự kế thừa dự thảo trước, đồng thời được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia…” - trích ý kiến Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Nếu chương trình mới dựa vào dự thảo Chương trình tổng thể công bố tháng 8 năm 2015 thì có nên tách bạch bao nhiêu phần trăm là mới, bao nhiêu phần trăm “dựa vào”?

Liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, hãy nhìn rừng, đừng nom cây ảnh 3

Nhà giáo Phạm Toàn: Cải cách phải giản dị!

Điều này quan trọng để có sự đánh giá minh bạch về tài chính, nếu chủ yếu là “dựa vào” thì có cần vay số tiền 77 triệu USD - hơn 1.700 tỷ đồng cộng thêm vốn đối ứng 3 triệu USD của nhà nước?

Một vấn đề lớn, liên quan đến hàng chục triệu học sinh, giáo viên, đến 100% các gia đình người Việt, đến tương lai, vận mệnh quốc gia, dân tộc hình như được tiến hành hơi vội vã nếu không gọi là rất chủ quan!

Theo thông lệ, các dự án đầu tư, xây dựng bao giờ cũng có đánh giá tác động, nếu là đầu tư xây dựng cơ bản, các cơ sở kinh tế, kỹ thuật thì ngoài tác động đến môi trường còn cần đánh giá tác động đến dân sinh, hiệu quả kinh tế của dự án,…

Vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng là không lớn, tuy vậy không thể xem đây là số tiền nhỏ.

Điều quan trọng là nó tác động đến một số lượng hàng chục triệu công dân nên không thể không đánh giá tác động, không thể xem những gì mà Ban soạn thảo đưa ra chỉ có “lỗi kỹ thuật” chứ hoàn toàn khoa học, sáng tạo và vì thế cần cho thực thi ngay từ năm 2018.

Sự vội vã trong việc biên soạn chương trình kéo theo vội vã áp dụng đại trà với lớp 1 ngay năm học 2018 có phải để đáp ứng Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội hay là đã được chuẩn bị công phu, bài bản?

Theo đề xuất mới nhất, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sẽ được áp dụng đại trà trong năm học 2018 - 2019 ở lớp 1 nghĩa là không cần thí điểm rút kinh nghiệm?

Muốn thế trong vòng chưa đến 1 năm ngành Giáo dục cần hoàn thành việc bồi dưỡng giáo viên, biên soạn xong sách giáo khoa và chuẩn bị cơ sở vật chất: trường lớp, đồ dùng giảng dạy và học tập,…

Trong các khâu này quan trọng nhất là giáo viên, với chủ trương trong dự thảo “tích hợp cao ở cấp dưới (tiểu học, trung học cơ sở), phân hóa cao ở cấp trên (trung học phổ thông)” thì rõ ràng phải có đội ngũ “giáo viên tích hợp cao” để dạy lớp 1 và sau này là tiểu học.

Liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc, hãy nhìn rừng, đừng nom cây ảnh 4

Ba kiến nghị của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có chắc chắn sẽ đào tạo được đội ngũ “giáo viên tích hợp cao” trong vòng vài tháng tới hay vừa làm vừa “rút kinh nghiệm”?

Không có đội ngũ giáo viên đủ trình độ chuyên môn, mọi ý tưởng dù hay đến mấy, khoa học đến mấy trong dự thảo cũng thành vô dụng.

Giáo dục đã chậm nhiều năm rồi, đã tụt hậu nhiều rồi, nhanh hay chậm thêm một năm phải dựa vào sự hoàn thiện của nội dung chương trình chứ không phải để đáp ứng thời hạn đã đề ra.

Người viết không có cơ sở nào để tin, rằng chỉ trong vòng vài tháng (sau khi có Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân), các chuyên gia của chúng ta có thể hoàn thành và hoàn thành rất tốt một dự án tầm cỡ quốc gia như “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.

Trên tinh thần đó, người viết cho rằng Quốc hội nên bàn bạc, tham khảo ý kiến nhân dân để lùi lại thời hạn áp dụng, để Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo nhận thêm ý kiến đóng góp, hoàn thiện nội dung từng phần và tổng thể.

Trước khi “đổi mới toàn diện nền giáo dục” cần phải cân nhắc những “đổi mới” đó có mối quan hệ thế nào với pháp luật hiện hành.

Nếu các điều khoản trong luật không phù hợp thì phải thay đổi các đạo luật.

Chẳng hạn chủ trương bãi bỏ “viên chức giáo dục” sẽ tác động thế nào đến đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 hiện tại, hoặc có nên quy định trình độ chuẩn của giáo viên tất cả các cấp là cử nhân hay không.

Nếu trình độ chuẩn là cử nhân thì hệ thống trường Cao đẳng Sư phạm sẽ xử lý ra sao?.

Tóm lại, người viết rất mong các nhà hoạch định chính sách hãy nhìn rừng, trước khi nhìn cây, tránh vết xe “thấy cây mà chẳng thấy rừng”.

Tài liệu tham khảo:

 [1] https://tapchigiaoduc.moet.edu.vn/Tin-tuc-su-kien/gs-nguyen-minh-thuyet-chuong-trinh-moi-dao-tao-lop-nguoi-moi-co-du-pham-chat-nang-luc-197.html

Xuân Dương