Chiều 29/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết:
Cuối tháng 2/2017, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Hội đồng Thẩm định xem xét, thông qua với khuyến nghị sửa chữa, bổ sung một số chi tiết.
Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định thành lập Ban Phát triển các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Tại sao một số tỉnh tha thiết xin lùi triển khai chương trình phổ thông mới? |
Ban này đã bắt tay vào khởi thảo các chương trình và cho tới nay đã hoàn thành các công việc sau:
Biên soạn dự thảo lần 1 các chương trình, tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến của chuyên gia tư vấn quốc tế và chuyên gia trong nước về 18 chương trình môn học và hoạt động giáo dục, trên cơ sở đó chỉnh lý, hoàn thành dự thảo lần 2.
Dự thảo lần này sẽ tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên để hoàn thiện trước khi trình Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu được Ban Chỉ đạo đồng ý, các dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.
Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tiết lộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 1 năm để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn... (Ảnh: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cung cấp) |
“Theo tôi dự kiến, nếu mọi việc suôn sẻ thì nửa cuối 10/2017 có thể công bố dự thảo để xin ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào kết quả lấy ý kiến chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên sắp tới và ý kiến của Ban Chỉ đạo.
Chỉ cần dự thảo chương trình một môn học chưa nhận được sự nhất trí cao, việc công bố toàn bộ các chương trình cũng chưa thực hiện được”, ông Thuyết nói.
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Giáo sư Thuyết hy vọng loại bỏ được nền giáo dục "ứng thí thâm căn cố đế" |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và đặc biệt tại cuộc họp tổng kết năm học 2016-2017 vừa diễn ra vào tháng 8/2017, nhiều địa phương đã có ý kiến là nên lùi việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ít nhất 1 năm.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có khuyến nghị tương tự.
Căn cứ ý kiến của các chuyên gia, các địa phương và tình hình cụ thể biên soạn chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 1 năm.
Như vậy sẽ có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc xây dựng, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc giãn tiến độ 1 năm cũng tạo điều kiện để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa.
Và trong thời gian chưa triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi toàn quốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học chương trình hiện hành;
Đồng thời đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được thuận lợi.