Giáo sư Thuyết hy vọng loại bỏ được nền giáo dục "ứng thí thâm căn cố đế"

24/09/2017 06:50
Ngọc Quang
(GDVN) - Phương pháp giáo dục hiện tại nhìn chung còn lạc hậu, chưa chú trọng dạy cách học và phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới khẳng định như vậy khi tham dự Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2017 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội.

Phải chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Giáo sư Thuyết hy vọng loại bỏ được nền giáo dục "ứng thí thâm căn cố đế" ảnh 1

Thày Thuyết trả lời về tuổi thọ chương trình mới, sách Công nghệ giáo dục

Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 và Quyết định 404. Tư tưởng này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới hiện nay.

Về năng lực (competency), các nhà giáo dục học nêu ra nhiều định nghĩa khác nhau.

Nhưng về cơ bản, có thể hiểu năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.

Từ cách hiểu trên, có thể rút ra những đặc điểm chính của năng lực là:

- Năng lực là sự kết hợp giữa tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện của người học;

- Năng lực là sự tích hợp của kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí.

- Năng lực được hình thành, phát triển thông qua hoạt động và thể hiện ở sự thành công trong hoạt động thực tiễn.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hy vọng ở lần đổi mới này, nền giáo dục ứng thí thâm căn cố đế sẽ chuyển sang nền giáo dục học để phát triển. ảnh: giaoduc.net.vn
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hy vọng ở lần đổi mới này, nền giáo dục ứng thí thâm căn cố đế sẽ chuyển sang nền giáo dục học để phát triển. ảnh: giaoduc.net.vn

Dựa theo quan niệm về năng lực như trên, chương trình giáo dục phổ thông sẽ chú trọng những định hướng sau:

- Dạy học phân hóa để phát huy tốt nhất tiềm năng, sở trường, phù hợp với sở thích, hứng thú của mỗi học sinh; 

- Dạy học thông qua các chủ đề, học phần, môn học tích hợp để gắn nội dung giáo dục với thực tiễn;

- Dạy học thông qua hoạt động tự học, thực hành, vận dụng của người học để hình thành, phát triển vững chắc năng lực của người học qua hoạt động.

Thực học - thực nghiệp và dân chủ 

Quan điểm thực học – thực nghiệp thể hiện trước hết ở nội dung giáo dục thiết thực, chú trọng hướng nghiệp. 

Quan điểm thực học – thực nghiệp còn thể hiện ở phương pháp dạy học coi trọng hoạt động, coi trọng thực hành. 

“Trong thời gian qua, hình thức tổ chức giáo dục phổ thông ở nước ta chủ yếu là dạy học trên lớp, chưa coi trọng việc tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. 

Giáo sư Thuyết hy vọng loại bỏ được nền giáo dục "ứng thí thâm căn cố đế" ảnh 3

Các nhà quản lý giáo dục, xin hãy nghĩ lại!

Phương pháp giáo dục nhìn chung còn lạc hậu, chưa chú trọng dạy cách học và phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh”, Giáo sư Thuyết nhận định.

Đặc điểm chung của các phương pháp giáo dục được áp dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới là tích cực hoá hoạt động của người học.

Trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập.

Từ đó, học sinh tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển. 

Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống) được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như:

Học lý thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia thảo luận, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Tùy theo mục tiêu cụ thể và tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. 

Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.

Giáo sư Thuyết hy vọng loại bỏ được nền giáo dục "ứng thí thâm căn cố đế" ảnh 4

Tích hợp “1 sách 3 thày”, Ban soạn thảo càng ngày càng rối

Quan điểm dân chủ thể hiện ở tính mở của chương trình, trước hết là mở đối với học sinh. Giáo sư Thuyết cho biết:

“Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; yêu cầu cá thể hóa và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp Trung học Phổ thông chưa được xác định rõ ràng.

Bất cập này sẽ được giải quyết ở chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Chương trình mới sẽ  tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn môn học, học phần, chủ đề phù hợp với sở thích, sở trường và định hướng nghề nghiệp của mình. 

Học sinh được hoạt động để khám phá kiến thức, khám phá năng lực của bản thân và rèn luyện các năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Các em được nói lên suy nghĩ và nguyện vọng của mình”. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng mở đối với các địa phương và cơ sở giáo dục, những người viết sách giáo khoa và giáo viên.

Nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục.

Với mục tiêu học để phát triển, chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân. ảnh minh họa: Người lao động.
Với mục tiêu học để phát triển, chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cá nhân. ảnh minh họa: Người lao động.

Lần đầu tiên, Chương trình giáo dục phổ thông không quy định số tiết dành cho mỗi môn học và hoạt động giáo dục trong từng tuần, mà chỉ quy định thời lượng trong một năm, dành quyền cho cơ sở giáo dục tự sắp xếp thời khóa biểu.

Tỷ lệ trung bình giữa thời lượng giáo dục trong 1 năm học dành cho địa phương và nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học với tổng thời lượng giáo dục của các môn học và hoạt động giáo dục ở cấp tiểu học từ 12% đến 19%, ở cấp trung học cơ sở là 28%, ở cấp trung học phổ thông là 28%. 

Nội dung các chương trình môn học và hoạt động giáo dục cũng không quy định quá chi tiết, tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa, cơ sở giáo dục và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Loại bỏ phương pháp đánh giá lạc hậu 

Giáo sư Thuyết nhận định:

“Ở Việt Nam, phương pháp đánh giá học sinh nói chung còn lạc hậu. Kết quả đánh giá chưa đạt được mục tiêu cung cấp thông tin cho nhà quản lý và giáo viên để hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động dạy học. 

Giáo viên và học sinh có xu hướng dạy và học để ứng phó với kỳ thi, chạy theo thành tích, thay vì hướng đến việc đạt được mục tiêu giáo dục.

Do đó, các kỳ thi đã tạo ra nhiều áp lực cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và xã hội nói chung”

Giáo sư Thuyết hy vọng loại bỏ được nền giáo dục "ứng thí thâm căn cố đế" ảnh 6

Quan ngại kiểu "tích hợp" sách giáo khoa mới

Để giải quyết tình trạng này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Chương trình Khoa học giáo dục đã đặt hàng các chuyên gia giáo dục nghiên cứu một cách căn cơ về phương pháp đánh giá kết quả giáo dục. 

Qua xét tuyển, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giao nhiệm vụ này cho Trung tâm đo lường và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học Việt Nam. 

“Tôi hy vọng là kết quả nghiên cứu sẽ đề xuất được giải pháp đánh giá kết quả giáo dục phù hợp, nhằm chuyển đổi nền giáo dục ứng thí thâm căn cố đế ở Việt Nam sang một nền giáo dục học để phát triển.

Đó sẽ là một điều kiện bảo đảm cho Chương trình giáo dục phổ thông mới thành công”, Giáo sư Thuyết bày tỏ.

Ngọc Quang