Nỗi bất lực của giáo viên

01/10/2017 07:00
Thảo Ly
(GDVN) - Một số giáo viên sợ liên lụy đến mình nên bí quyết được truyền tai nhau, được nhắc nhở, dặn dò nhau thường xuyên là “hãy làm lơ xem như mình không biết”.

LTS: Chứng kiến những câu chuyện về sự ngỗ nghịch của học sinh, cô giáo Thảo Ly phản ánh nỗi bất lực của giáo viên khi chưa tìm ra cách giáo dục các học sinh hư một cách tốt nhất.

Một số giáo viên đành phải lựa chọn phương án làm ngơ, mặc kệ học sinh để tránh mang hoạ vào thân khi dám dùng biện pháp mạnh với học trò.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đầu năm nay, trường tôi tiếp nhận 3 giáo sinh mới ra trường. Nhìn các em còn rụt rè bỡ ngỡ sau mỗi tiết lên lớp, nhiều thầy cô lớn tuổi nói “trông bọn nhỏ giống như con cái mình nên thấy thương”.

Có lẽ vì thế mà thầy cô thường căn dặn các em đủ điều. 

Là giáo viên lâu năm, tôi cũng chẳng lạ gì khi nghe cô giáo Huyền nói với giáo sinh Mai:

Em ráng chịu đựng đám học trò lì lợm, nhắc nhở không nghe thì thôi cố mà dạy cho hết tiết, nhớ đừng đụng tay, đụng chân mà mất nghề đó nghe chưa”.

Cô lại dặn giáo sinh Hoa: “Học sinh nhiều em lì lắm, nói hoài cũng như nước đổ lá khoai, chỉ quất cho vài roi mới ngồi yên chịu học.

Cô già rồi, tức quá thì phạt cho vài cây thước, phụ huynh có kiện cáo cũng gần tuổi nghỉ hưu.

Còn con đang là hợp đồng, để phụ huynh có ý kiến hà khắc với con cái họ, coi như sự nghiệp của con tiêu tan”.

Nhiều giáo viên cảm thấy bất lực trước những học trò hư. (Ảnh minh hoạ: AN)
Nhiều giáo viên cảm thấy bất lực trước những học trò hư. (Ảnh minh hoạ: AN)

Một thầy giáo đứng bên cũng góp lời vào “Gặp học sinh lì lợm cứ phải lơ như không biết gì em nhá. Chứ càng nhắc nhở, nó càng chây ỳ đổ bướng ra là khỏi dạy đấy”.

Nghe thế, một giáo viên đứng tuổi khác vội la lên: “Từ từ các em sẽ hiểu hết và biết sẽ phải làm gì để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa an toàn cho bản thân.

Nay mọi người cứ làm thế, các em hoang mang mất tinh thần làm sao mà dạy được?

Cô bé Hoa lúc này mới lên tiếng, “tụi con cũng được nghe kể nhiều về chuyện này, nhưng không ngờ khi tiếp xúc thực tế lại kinh khủng đến mức như vậy. Mới dạy vài tuần mà thấy mệt mỏi quá cô ơi!

Một lần sau tiết lên lớp, khi về phòng hội đồng, thấy cô giáo Hoa ủ rủ, mắt đỏ hoe. Hỏi ra mới biết, “học trò không sợ em, càng nhắc càng ồn ào. Có em đang trong giờ học mà cứ ngồi chọc hết bạn này sang bạn khác.

Em nhắc trật tự nhưng nó nghếch mặt lên ra vẻ thách thức “nhưng em thích thế mà cô". Cả lớp cười nghiêng ngả, em chẳng biết phải làm sao, cứ thấy mình bị xúc phạm nên nản lắm.

Hôm khác, trống vừa hết tiết thấy cô Mai chạy xuống nói: “Cô ơi! Con không thể dạy được nữa rồi. Một số cứ ồn như cái chợ, không cho ai học cả.

Khi em giảng bài chẳng đứa nào muốn nghe, chúng đùa giỡn, chọc ghẹo cả em “Cô giáo xinh nhỉ? Cô có người yêu chưa cô? Xinh thế có mà ối người chết…” thế rồi chúng lại cười hềnh hệch”.

Hôm khác, Mai lại phàn nàn: “Con kiểm tra bài cũ nhưng một số em không thuộc. Con nói cho nợ về học tiết sau cô kiểm tra. Có em trả lời ngay “Cô cho luôn con 0 đi để đỡ mất công kiểm tra lại, chứ tiết sau em cũng không thuộc đâu”.

Nỗi bất lực của giáo viên ảnh 2

Lương tâm không bằng lương thực, hay điều gì làm thầy cô tổn thương nhất?

Cô Hồng nãy giờ im lặng, giờ mới bất ngờ lên tiếng: “Lớp 9A có một em ngồi bàn đầu, lúc nào cũng chống cằm ngồi nhìn chằm chằm vào em nên em khó dạy lắm.

Nhắc nhở chú ý vào bài học, nó trâng tráo trả lời “thì em đang chăm chú đây cô.

Mà nói chung nhìn cô còn trẻ hơn mấy bạn nữ lớp này ấy chứ. Trong trường gọi bằng cô, ngoài đường thì không dám đâu..."

Nghe thế, cả lớp cười vang. Em chẳng biết trốn đi đâu cho đỡ ngượng”.

Thầy Dũng trấn an: “Ráng mà dạy đi em, thầy cô lâu năm đây còn bất lực với đám học sinh ngổ ngáo huống gì mấy cô mới ra trường? Cứ làm mặt tỉnh để dạy cho xong, ai muốn học thì nghe, không nghe thiệt ráng chịu”.

Tôi biết, bất đắc dĩ thầy Dũng mới nói thế. Bởi do biết giáo viên không được phép làm gì với học sinh nên nhiều em chẳng coi thầy cô ra gì.

Như thời xưa, với những học sinh cứng đầu như thế này, giáo viên chúng tôi có thể cho lên bảng bắt quỳ cả tiết, đập cho vài roi hay bợp tai, cốc đầu, nặng nữa thì mời ra khỏi lớp, xuống phòng giám thị để viết bản kiểm điểm và mời phụ huynh đến.

Nhưng bây giờ, không ai được đụng đến các em bởi mọi người luôn đề cao quyền bổn phận quá.

Có giáo viên chỉ vì nóng nảy, muốn trò ngoan nên đã dùng biện pháp mạnh như phạt roi dù chỉ phạt một cây vào mông. Phụ huynh đã đưa đơn kiện tới 3 cấp.

Nỗi bất lực của giáo viên ảnh 3

Học sinh “nhờn thuốc” và thầy cô bất lực trong giáo dục

Có gia đình xông thẳng vào trường chửi mắng, xỉ xói thầy cô là con nọ, thằng kia “sao lại dám đụng vào con ông bà? Ở nhà, tao còn chưa đụng đến cái lông chân của nó mà mày dám hả? Mày chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ đúng không?

Tội nghiệp giáo viên còn thiếu nước quỳ xuống van xin họ tha thứ, vì không như thế để phụ huynh viết đơn sẽ ảnh hưởng, liên lụy đến trường, đến nhiều giáo viên trong trường.

Chứng kiến những cảnh thế này, học sinh đâu còn sợ thầy cô. Có em còn dương dương tự đắc “đố ông bà (thầy cô) nào dám đúng tới tao”.

Còn phạt các em viết bản kiểm điểm nhiều quá cũng thấy nhờn. Mời phụ huynh thì có người còn mắng té tát:

"Chúng tôi gửi con cái đến trường, thầy cô phải có trách nhiệm dạy dỗ chứ hở tí là gọi cha mẹ. Có ai rảnh mà đi được đây? Nếu chúng tôi dạy được cần gì đưa đến đây cho tốn kém?

Có người cũng chia sẻ thẳng “Gia đình tôi cũng bất lực rồi, thầy cô dạy được tí nào thì hay tí ấy”.

Học trò hư, ngổ ngáo và không chịu học trường nào, lớp nào cũng có. Để dạy và uốn nắn các em không chỉ dùng lời nói ngon ngọt mà phải sử dụng cả những hình phạt nghiêm khắc.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên sợ liên lụy đến mình trước những phản ứng thái quá từ phía phụ huynh. Bởi thế, bí quyết được truyền tai nhau, được nhắc nhở, dặn dò nhau thường xuyên là “hãy làm lơ xem như mình không biết”.

Nhưng như thế thì lương tâm, trách nhiệm của một nhà giáo chân chính chẳng thể nào yên ổn. Vậy để làm tròn bổn phận người giáo viên chúng ta sẽ làm gì?

Câu trả lời xin nhường cho các độc giả, và biết đâu sau đó, giáo viên sẽ tìm được nhiều cách giáo dục học sinh tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn cho chính bản thân của mình.

Thảo Ly