Sai phạm tại các dự án BOT: Sao chưa ai phải cúi đầu nhận tội?

03/10/2017 07:10
Vũ Phương
(GDVN) - Đến nay chưa có cá nhân, tập thể nào bị xử lý liên quan đến hàng loạt dự án BOT sai phạm nhiều tỷ đồng.

Sau động thái giảm phí ở nhiều tuyến đường BOT mà không hề xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể ở những dự án này, nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là chiêu trò để đánh lừa dư luận nhằm né trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải và các chủ đầu tư BOT.

Dư luận đòi hỏi phải công khai, minh bạch các dự án BOT, nhằm ngăn chặn những nhà đầu tư yếu kém đạo đức, không có năng lực (được chỉ định thầu), tạo ra lợi ích nhóm. 

Những cá nhân, tập thể đi ngược lại lợi ích của nhân dân cần phải sớm bị xử lý nghiêm minh đúng pháp luật. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng vẫn nợ dư luận câu trả lời, dù sai phạm tại các dự án BOT cộng lại đã lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng 

Có thể dễ dàng chỉ ra hàng loạt dự án BOT chi sai tiền tỷ của nhà nước được Bộ Giao thông vận tải coi nhẹ như lông hồng thế nào mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận.

Như 6 dự án BOT ở thành phố Hồ Chí Minh sai phạm lên đến trên 2 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, 6 dự án khác tổng mức đầu tư giá trị phê duyệt sai tăng trên 450 tỷ đồng gồm: Dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia (Thừa Thiên Huế) tăng hơn 44 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng hơn 18,7 tỷ đồng. Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình tăng hơn 51 tỷ đồng.

Dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới tăng hơn 101 tỷ đồng. Dự án khôi phục và cải tạo quốc lộ 20 có hai đoạn tăng hơn 236 tỷ đồng.

Ngoài xác định phê duyệt sai, các dự án trên còn phát hiện nhiều sai phạm như đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp… cũng lên tới con số vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và nhiều dự án BOT khác làm thất thoát tiền tỷ ngân sách, nhưng đến nay chưa cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm. Ảnh: Ngọc Quang.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và nhiều dự án BOT khác làm thất thoát tiền tỷ ngân sách, nhưng đến nay chưa cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm. Ảnh: Ngọc Quang. 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu Quốc hội khóa 13) khẳng định: “Trong bối cảnh nước ta hiện nay đầu tư BOT vẫn là hình thức cần thiết và đúng đắn. Không chỉ BOT giao thông mà cần nhân rộng ra các mô hình khác.

Nhìn góc độ phát triển kinh tế phải nhìn một cách tổng thể, không thể thấy có những bất cập mà đánh giá sai hoàn toàn về loại hình đầu tư BOT.

Giao thông là mạch máu của nền kinht tế, thời gian qua nhờ có nhiều tuyến đường BOT đã thu hút được đầu tư nước ngoài hơn, kinh tế tăng trưởng, người dân đi lại thuận tiện.

Còn đi sâu vào từng dự án thì phải truy ra trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, không thể chỉ giảm phí là xong”.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, Chính phủ phục vụ, mà người phục vụ làm sai, làm không tốt cần xử lý thật nghiêm để đảm bảo công bằng. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, Chính phủ phục vụ, mà người phục vụ làm sai, làm không tốt cần xử lý thật nghiêm để đảm bảo công bằng. Ảnh: Giaoduc.net.vn

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng: “Quan trọng bây giờ phải gỡ được nút thắt vấn đề BOT để làm sao hình thức đầu tư này về đúng bản chất của nó. Tức là lợi ích của các bên được đảm bảo hài hòa, trong đó có lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Việc Bộ Giao thông vận tải rà soát hàng loạt các dự án BOT để giảm phí thời gian vừa qua chỉ là cách để hạ nhiệt dư luận. Còn về căn cơ thì tất cả các dự án BOT phải đem ra mổ xẻ từ đầu.

Tức là anh phải đưa ra bài toán như tiền đầu tư, thời gian đầu tư, mức thu phí, thời gian thu phí phải rà soát lại, tính toán lại từ đầu tất cả các dự án.

Còn việc giảm phí mà không công khai, minh bạch các dự án BOT thì làm sao thuyết phục được dư luận. Như vậy sẽ vẫn còn bức xúc.

Ví dụ như cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, chỉ đầu tư 30% mà thu như làm đường mới, giờ lại giảm 25% mức phí mà vẫn thu kéo dài 17 năm thì sao thuyết phục được.

Điều dư luận đang quan tâm chính là việc công khai tất cả các dự án, nhưng Bộ Giao thông vận tải có làm được hay không? Đó mới là nút thắt vấn đề.

Rõ ràng rà soát các dự án BOT để giảm phí là trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông, nhưng để thuyết phục dư luận đúng nghĩa vẫn phải là những con số và không có gì hơn là phải minh bạch”.

Theo ông Bảo, các dự án BOT đã bộc lộ quá nhiều yếu kém, sai phạm, chính điều này gây bức xúc cho dư luận.

Đặc biệt, do cách quản lý, đầu tư, vận hành, tính toán, hành lang pháp lý để dẫn đến BOT từ mục đích tốt đẹp bị méo mó phục vụ cho lợi ích nhóm.

Cách vận hạnh, điều hành, thực hiện không chặt chẽ, bài bản, buông lỏng quản lý, không kiểm soát được giá, thời gian vận hành, điểm thu, giá thu, thời gian thu đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Kết luận sai phạm tại nhiều dự án BOT đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước chỉ ra, nhưng có điều lạ chưa thấy cá nhân, tập thể nào bị xử lý.

Sai phạm tại các dự án BOT: Sao chưa ai phải cúi đầu nhận tội? ảnh 3

Tiếp tay cho những kẻ móc túi dân, đích thị là tội ác

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng thẳng thắn cho rằng: “Như Thủ tướng Chính phủ đã nói là Chính phủ phục vụ, kiến tạo.

Vậy cán bộ nào phục vụ nhân dân không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, thận chí phục vụ sai dẫn đến hại nền kinh tế phải xử lý thật công bằng.

Nếu không xử lý những người phục vụ sai đó thì người kế nhiệm, thế hệ sau sẽ nghĩ sao khi người làm sai không phải chịu trách nhiệm.

Người ta sẽ tư duy làm sai hay làm đúng cũng không ảnh hưởng gì. Tư duy như thế thì đất nước làm sao phát triển được.

Đã là sai phạm thì phải xử lý công bằng, và những cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm trước nhân dân phải giải trình và cúi đầu nhận tội nếu vi phạm, như thế mới đảm bảo công bằng và nghiêm minh”.

Hơn nữa, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng yêu cầu làm rõ: “Đối với những tuyến đường BOT khi bị hỏng cần phải sửa chữa thì doanh nghiệp đầu tư bỏ tiền sửa chữa hay dùng quỹ bảo trì đường bộ.  

Hay chỉ có những tuyến đường miễn phí mới dùng quỹ bảo trì đường bộ khi xảy ra hỏng hóc, xuống cấp. Bộ Giao thông vận tải cũng phải làm rõ số tiền bảo trì đường bộ dùng như thế nào cũng phải minh bạch”.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) cũng nhận định: “Rất đáng hoan nghênh ngành giao thông đã vào cuộc và kết quả là một số trạm BOT bắt đầu giảm phí.

Tuy nhiên, giảm bao nhiêu, giảm thế nào, giảm đúng mức chưa thì phải định giá lại từng dự án BOT cho rõ ràng minh bạch”.

Sai phạm tại các dự án BOT: Sao chưa ai phải cúi đầu nhận tội? ảnh 4

Hành xử đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước, ai phải chịu trách nhiệm?

Phó giáo sư Bùi Thị An khẳng định: “Để thuyết phục dư luận thì vấn đề công khai, minh bạch các dự án BOT là cần thiết.

Dự án BOT doanh nghiệp đầu tư bao nhiêu, chất lượng ra sao từ đó mới đưa ra mức thu phí như thế nào, thu trong bao nhiêu năm.

Giảm giá vé BOT chỉ là phần ngọn mà chưa giải quyết được gốc dễ vấn đề, khi chưa giải quyết được tận gốc thì dư luận vẫn còn bức xúc”.

Vấn đề được dư luận đặt ra là sai phạm các dự án BOT đã được  cơ quan chức năng chỉ rõ, nhưng chưa thấy xử lý cá nhân, tập thể liên quan.

Về việc này, Phó giáo sư Bùi Thị An cũng cho rằng: “Để xử lý mức độ sai phạm như thế nào của từng dự án BOT thì phải rà soát lại từng dự án. Từ đó sẽ xác định được cá nhân, tập thể nào vi phạm mức độ mức nào sẽ xử lý đúng người đúng tội.

Dự án BOT sai phạm nghiêm trọng làm thất thoát tài sản lớn của nhà nước thì vấn đề quan trọng là cần phải thu hồi được tài sản đó.

Còn xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể như thế nào các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền sẽ thanh tra làm rõ. 

Tùy mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý đúng mức, tương xứng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân, tập thể có liên quan”. 

Vũ Phương