Hành xử đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước, ai phải chịu trách nhiệm?

30/09/2017 08:52
Vũ Phương
(GDVN) - Sai phạm tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã rõ, nhưng cá nhân, tổ chức liên quan đi ngược lại lợi ích của nhân dân vẫn chưa bị xử lý là điều bất thường.

Những ngày gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã phát đi thông tin nhiều trạm BOT giảm giá vé, nhưng tuyệt nhiên không đề cập gì tới việc xử lý tận gốc các sai phạm ở từng dự án BOT, đó là xét tới trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan.

Giảm phí là điều đương nhiên phải thực hiện (nói chính xác là phải hạ xuống đúng với mức đầu tư thực tế), nhưng với cách làm nửa vời của Bộ Giao thông vận tải như hiện nay thì dư luận lại phải đặt ra câu hỏi: Giảm phí có phải là cách để các chủ đầu tư BOT đánh lừa dư luận, né trách nhiệm?

Chủ trương thực hiện hình thức hợp tác BOT là rất đúng đắn nhằm huy động được nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, từng bước phục vụ cho lợi ích người dân.

Tuy nhiên, để phát huy được chủ trương đúng đắn ấy thì điều quan trọng là phải hài hòa lợi ích giữa người sử dụng (nhân dân) với doanh nghiệp thì lại người ta lại lợi dụng khai tăng giá trị đầu tư, bỏ chi phí ít nhưng thu phí cao. Cách làm việc, hành xử như vậy là đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, của nhân dân thì phải xử lý thật nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điển hình là dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, kết luận thanh tra đã chỉ rõ nhà đầu tư mới đầu tư 30%, nhưng lại thu phí như làm đường mới một cách trắng trợn.

Hành xử đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước, ai phải chịu trách nhiệm? ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hoàn toàn có thể xử lý hình sự đối với những sai phạm tại các dự án BOT vừa qua gây bức xúc dư luận. Ảnh: Giaoduc.net.vn

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giao thông nhìn nhận: “Bộ Giao thông vận tải chỉ đồng ý cho chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ giảm giá vé là chưa đủ, bởi vì theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ thì mới đầu tư 30% mà thu tiền như đường làm mới. Tại sao vô lý như vậy mà lại tồn tại nhiều năm qua?

Bây giờ giảm phí 25% nhưng  giữ nguyên thời gian khai thác 17 năm là quá dài, không chấp nhận được, do đó cần có một cuộc thanh tra toàn diện để có căn cứ khoa học giảm giá vé sâu hơn nữa, tránh thiệt hại thêm cho người dân, doanh nghiệp.

Theo tính toán của tôi thì chủ đầu tư của dự án này phải giảm tới 50% giá vé mới đảm bảo lợi ích của các bên, nhất là đảm bảo lợi ích của người dân”.

Hành xử đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước, ai phải chịu trách nhiệm? ảnh 2

Quá nhiều sai phạm BOT: Cần phải xử lý hình sự

Để giải quyết tận gốc vấn đề BOT, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy chỉ ra: “Cần thiết phải công khai minh bạch các dự án BOT ngay từ đầu để người dân cùng giám sát.

Còn với các dự án BOT đã triển khai và đi vào hoạt động mà bị phản ánh là có vấn đề bất thường thì cũng phải thanh tra và công khai chi tiết từng dự án đầu tư như thế nào, chi phí cụ thể ra sao, tính toán mức thu thế nào và thời gian khai thác bao lâu?

Điều này hoàn toàn có thể giữa chủ đầu tư và Bộ Giao thông vận tải tính toán để công khai. Ví dụ như dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chi phí hết bao nhiêu tiền, cộng với lãi xuất, mỗi ngày bình quân thu bao nhiêu, dự báo những năm sau thu được bao nhiêu và tất cả cộng vào 17 năm thì ra số tiền bao nhiêu sẽ rõ.

Làm được điều đó thì hoàn toàn khách quan và minh bạch, người dân đâu phải dùng tiền lẻ, tụ tập đông người phải đối tại các trạm BOT”.

Điều dư luận quan tâm hiện nay đó là cá nhân, tổ chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước hàng loạt các dự án BOT sai phạm nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn cho rằng: “Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra sai phạm tại hàng loạt các dự án BOT rồi và đã phải điều chỉnh giảm số năm thu phí, nhưng câu hỏi đặt ra là những người ký quyết định, những người giám sát thực hiện các dự án BOT đó sao chưa được xử lý?

Không thể chỉ có giảm phí nhằm mục đích xoa dịu dư luận là xong mà phải xử lý đến nơi đến chốn và phải công khai để người dân, dư luận biết. Cần thiết phải xin lỗi nhân dân thì cũng phải làm chứ không thể im được.

Đối với những dự án sai phạm với số tiền lớn lên đến tiền tỷ cần thiết phải xử lý thật nghiêm, pháp luật đã quy định từ mấy trăm triệu đồng đã phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, sai phạm tại các dự án BOT vừa rồi số tiền lên đến tiền tỷ thì cơ quan điều tra phải làm rõ, nếu sại phạm đến mức phải xử lý trách nhiệm hình thì phải làm để đảm thượng tôn pháp luật.

Sai phạm nghiệm trọng như vậy không thể bỏ qua một cách dễ dàng như vậy, nhân dân, dư luận sẽ đặt câu hỏi nghi ngờ lợi ích nhóm, tiêu cực.

Trong câu chuyện BOT cần làm rõ những cá nhân nào khai khống chi phí lên, gian lận thu phí, làm những việc khuất tất để người dân phải khổ. Việc này phải làm rõ ràng, xử lý nghiêm để người dân có lòng tin vào cơ quan chức năng.

Có nhiều mức xử lý, trong đó có thể là công khai, nêu tên khiển trách, mức tiếp theo có thể kỷ luật giáng chức, đuổi ra khỏi ngành, còn nặng nhất có thể truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Hành xử đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước, ai phải chịu trách nhiệm? ảnh 3

Chỉ định thầu BOT vì quá cấp bách hay quá nhiều "lộc"?

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cũng lưu ý: “Các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí công nghệ cao không dừng.

Dư luận hết sức bất bình và khó hiểu trước việc chuyển đổi công nghệ. Chỉ việc mua về để lắp vào mà Bộ Giao thông vận tải lại khó khăn như vậy?

Áp dụng công nghệ tiên tiến thu phí tự động sẽ chính xác hơn, chống thất thoát, đảm bảo minh bạch, chống thất thoát, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.

Đồng tiền người dân nộp phí vào tài khoản và hoàn toàn minh bạch, khi đó những doanah nghiệp làm ăn đàng hoàng sẽ có cơ hội thể đầu tư, còn doanh nghiệp yếu kém chuyên sử dụng chiêu trò đi đêm sẽ phải tháo chạy.

Cần thiết phải dùng công nghệ mới để thu phí càng sớm càng tốt, triển khai một cách dứt điểm. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa thu phí tự động không có tiêu cực. Bởi khi triển khai phải có cơ quan kiểm tra, giám sát theo định kỳ. Còn nếu cứ nghe chủ đầu tư báo cáo thì họ có thể điều chỉnh, can thiệt vào thiết bị được ngay”.

Hành xử đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước, ai phải chịu trách nhiệm? ảnh 4

Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mới đầu tư 30%, nhưng thu phí như làm đường mới đến nay vẫn chưa xử lý cá nhân liên quan. Ảnh: Ngọc Quang

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa (Khoa Kinh tế - Vận tải, Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng: “Dù tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã giảm phí 25% nhưng phải có đánh giá khoa học trên dữ liệu chi phí đầu tư thì mới thấy họ giảm phí như vậy là có hợp lý không? Ít nhất tại thời điểm này nhiều ý kiến đã chỉ ra là mức giảm 25% phí vẫn quá ít, không hợp lý, vì Thanh tra Chính phủ đã cho biết tuyến đường này mới đầu tư 30% mà lại thu tiền như đường làm mới.

Việc các dự án BOT tiến hành giảm phí ít nhiều thì đối với người tiêu dùng là tín hiệu tốt, nhưng xét bản chất đây chỉ là cách chủ đầu tư đối phó với dư luận trong thời điểm bức xúc ngày càng gia tăng.

Điều quan trọng là bây giờ những cơ quan có thẩm quyền phải chỉ đạo quyết liệt để minh bạch chi phí đầu tư ở các dự án BOT, đấy mới là điều mà nhân dân chờ đợi”.

Cũng theo Phó giáo sư Từ Sỹ Sùa, sự vào cuộc của cơ quan chức năng phải làm sao để các dự án BOT hiện tại và sau này phải công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm, tiêu cực, méo mó có như thế người dân mới không nghi ngờ.

BOT phải trở về đúng nghĩa của nó là chủ trương rất đúng đắn góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Chứ không thể như những dự án BOT vừa qua có gì đó khuất tất, méo mó khiến cho lợi ích của các bên vênh nhau, trong đó lợi ích của người dân không được đảm bảo nên gây ra bức xúc”.

“Sai phạm tại các dự án BOT đã rõ việc quy trách nhiệm người đứng đầu là cần thiết. Trong việc này Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm trước nhân dân để các dự án BOT xảy ra sai phạm. Không thể để đồng tiền của người dân bị móc túi một cách dễ dàng và trắng trợn như thời gian qua được”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nói.
Vũ Phương