LTS: Với kinh nghiệm 14 năm liên tục làm công tác chủ nhiệm, bên cạnh những khó khăn, vất vả thầy Đỗ Tấn Ngọc đã có rất nhiều kỉ niệm vui, hạnh phúc khi được nhà trường giao cho trọng trách đầy vinh dự và tự hào này.
Thầy tin rằng, một ngày nào đó, các thầy cô giáo sẽ được hưởng “hoa thơm quả ngọt” như chính thầy bây giờ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đến nay, tôi từng có 14 năm liên tục được nhà trường phân công làm công tác chủ nhiệm ở nhiều khối lớp, đối tượng học sinh khác nhau.
Trường tôi ngày ấy còn là loại hình trường bán công, chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, nhiều em học lực hạn chế, sa sút về mặt hạnh kiểm, đạo đức.
Mỗi lớp học lại có sĩ số khá đông, từ 50 đến hơn 60 em. Lại do giáo viên cơ hữu ít nên có năm tôi phải “gánh” chủ nhiệm đến 2 lớp.
Đối với tôi, áp lực, vất vả của người giáo viên chủ nhiệm không phải là chuyện làm các loại hồ sơ, sổ sách, thu các khoản tiền hàng tháng của học sinh mà chính là công việc tổ chức, quản lý tập thể lớp, giáo dục, cảm hóa những em học sinh cá biệt, định hướng, giúp đỡ các em, tập thể lớp sớm đi vào khuôn khổ, nề nếp, nội quy của nhà trường.
Tôi từng đau đầu, nhức óc, mỏi miệng với tập thể lớp 12 C2 ở năm học 2005-2006 do có quá nhiều học sinh cá biệt, quậy phá….
Làm sao để thầy cô không ngại làm chủ nhiệm? |
Tôi từng vất vả, tốn nhiều công sức, thời gian để vận động, thuyết phục một số em học sinh bỏ học, bỏ nhà đi hoang, đi bụi đời… quay trở lại trường lớp học tập.
Tôi quên sao được biết bao nhiêu lần phối hợp với phụ huynh học sinh, ban quản sinh nhà trường trong việc xử lý, giáo dục, uốn nắn các học sinh vô lễ giáo viên, tổ chức đánh nhau hội đồng, trấn lột…
Tôi còn nhớ mãi những lần cùng giáo viên bộ môn, cán sự lớp đi đến tận nhà một số học sinh, phụ huynh (cách trường trên 20 cây số) có hoàn cảnh khó khăn để thăm hỏi, động viên.
Những lần đi thực tế đó, tôi càng thấu cảm hơn với những hoàn cảnh sống cũng như tính cách, khả năng của các em học sinh do mình chủ nhiệm, dạy bảo từng ngày.
Có năm lớp tôi chủ nhiệm đạt lớp giỏi, lớp toàn diện. Nhưng cũng có năm lớp tôi chủ nhiệm chẳng đạt thành tích gì cả, có thời điểm học sinh hư, cá biệt nổi lên nhiều, tôi bị ban giám hiệu nhắc nhở, phê bình không ít lần.
Nói thực, tôi không quan trọng, nặng nề lắm về chuyện chỉ tiêu, khen thưởng cho tập thể lớp, giáo viên chủ nhiệm vào cuối học kỳ, cuối năm học mà mong mỏi làm sao tập thể lớp, mọi học sinh đều chăm ngoan, tiến bộ...
Từ năm 2012, tôi lên làm ban giám hiệu nhà trường, không còn cơ hội được làm giáo viên chủ nhiệm nữa, tôi thực sự rất buồn và tiếc nuối, bởi công việc, nhiệm vụ đó đã từng đem đến cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc, dẫu có lúc cũng thật mệt nhọc, vất vả như người mẹ có con mọn vậy.
Người thầy giáo luôn tận tụy, tâm huyết và hết mình với công việc (Ảnh minh họa: baophapluat.vn). |
Không hạnh phúc sao được khi hàng ngàn học sinh nơi đây được tôi chủ nhiệm và giảng dạy giờ đã khôn lớn, trưởng thành.
Những học trò được gọi là học sinh cá biệt ngày nào lại nhớ và quý trọng tôi nhiều nhất. Gặp đâu cũng chào, cũng kính thầy.
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, các ngày lễ tết trong năm, trong tôi như có niềm vui bất tận khi nhận được hàng trăm tin nhắn, cuộc điện thoại chúc mừng của các thế hệ học trò. Và, luôn có rất nhiều học sinh cũ đến tận nhà thăm, tâm sự, hàn thuyên tới cả mấy tiếng đồng hồ.
Ôi, những kỷ niệm buồn, vui về các em, về tập thể lớp, tình cảm thầy - trò năm nào cứ ùa về, đong đầy mãi không thôi.
Tôi và gia đình cần việc gì, trong điều kiện, khả năng của mình, các em sẵn lòng giúp đỡ một cách vô tư, không một chút toan tính, thiệt hơn.
Từ đây, tôi muốn nhắn nhủ các thầy cô giáo hôm nay hãy nhiệt tâm, hết mình với công việc chủ nhiệm khi được nhà trường phân công, giao phó, đừng nảy sinh tư tưởng ngại và sợ nhiệm vụ nặng nề mà vinh quang này nữa.
Tôi tin, một ngày nào đó, các thầy cô giáo sẽ được hưởng “hoa thơm quả ngọt” như tôi bây giờ.