LTS: Với cương vị là một Phó hiệu trưởng, thầy Đỗ Tấn Ngọc chia sẻ những vất vả mà những cán bộ quản lý giáo dục phải đối diện khi phải giải quyết vấn đề báo cáo, giấy tờ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Có thể nói, hồ sơ, sổ sách của giáo viên bây giờ được giảm tải nhiều, theo quy định chỉ còn các loại hồ sơ gồm: giáo án, sổ điểm cá nhân, sổ sinh hoạt chuyên môn, ghi chép, sổ chủ nhiệm (nếu làm công tác chủ nhiệm), ở bậc tiểu học có thêm sổ theo dõi các mặt hoạt động của học sinh.
Còn về phần nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục, có bao nhiêu công việc, hoạt động thì có bấy nhiêu hồ sơ, sổ sách, báo cáo…
Nếu như thời trước đây khoảng 10 năm, hồi đó công nghệ thông tin chưa phát triển, số lượng báo cáo, sổ sách của Ban giám hiệu nhà trường thì không có mấy.
Nhưng mấy năm nay, số lượng, khối lượng báo cáo, hồ sơ, sổ sách theo yêu cầu của cấp trên đối với chúng tôi nhiều lên đến mức độ” khủng”.
Cán bộ quản lý giáo dục phải làm rất nhiều loại báo cáo, hồ sơ. (Ảnh mang minh họa từ Báo Bình Dương) |
Sáng đến trường, mở trang mạng nội bộ của ngành ra, ôi thôi, kính thưa các loại văn bản: chuyên môn, cơ sở vật chất, thiết bị, phòng chống các tệ nạn, các hội thi, cuộc thi…
Trung bình, mỗi ngày chúng tôi phải tải xuống, đọc và xử lý từ 4-5 văn bản.
Có những loại văn bản bắt buộc phải nộp, gửi sớm, trong khi đó các mục, số liệu, yêu cầu trình bày lại nhiều, cụ thể, Ban giám hiệu chúng tôi phải gồng mình, căng mắt lên soạn thảo, đánh vi tính để gửi đi đúng hạn.
Có những nội dung, số liệu chúng tôi phải báo cáo hết cho bộ phận này đến bộ phận khác. Nếu ở trên quy về một đầu mối tổng hợp, bộ phận nào cần số liệu, cái gì thì tìm đến, chúng tôi ở dưới này đỡ mất thời gian nhiều lắm.
Bên chính quyền, chuyên môn đã vậy, bên Đảng cũng không khá hơn. Hàng tháng, đảng ủy, chi bộ nhà trường chúng tôi lại nhận hàng đống tài liệu, văn bản của thành ủy.
Các loại báo cáo, kế hoạch của cá nhân, tập thể cứ thế vây bủa, giục giã, cặm cụi trên máy tính. Nhiều lúc, làm không kịp, chúng tôi phải nhờ các đồng nghiệp, quen biết các trường bạn “giúp sức”.
Ở trường, cán bộ quản lý không đủ thời gian để ...họp(GDVN) - Giáo viên bức xúc vì họp hành nhiều nhưng cán bộ quản lý tại các trường còn mất thời gian đi họp hơn rất nhiều. |
Bên Đảng, các mẫu báo cáo, kế hoạch thường gửi trực tiếp bằng đường bưu điện, hiếm thấy xuất hiện trên mạng, chúng tôi càng khổ sở, vất vả với nó khi hoàn tất.
Nhiều cán bộ quản lý các trường từng phàn nàn với cấp Sở, cấp Phòng giáo dục về tình trạng sao lại có nhiều loại kế hoạch, báo cáo phải làm như thế.
Các anh ở cấp Sở, Phòng cũng nói thật, những thứ này chúng tôi đâu muốn vẽ ra chi cho mệt thân nhưng đó yêu cầu, chỉ đạo của tỉnh, của trung ương, của ngành giáo dục.
Trường báo cáo cho Phòng, Sở. Phòng, Sở báo cáo cho huyện, tỉnh. Tỉnh lại báo cáo cho các ban ngành Trung ương… Có người nói rất đúng: nhà trường bây giờ như cái túi chứa của xã hội, có quá nhiều thứ phải kính gửi, báo cáo…
Mới đây, chúng tôi làm báo cáo có cả nội dung buôn bán người. Chúng tôi đã từng báo cáo những nội dung, kế hoạch đâu đâu, chẳng liên quan, chẳng để làm gì cả.
Báo cáo, kế hoạch, quyết định, hồ sơ, sổ sách quá nhiều đã khiến chúng tôi không còn nhiều thời gian để chuyên sâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra về chuyên môn, các hoạt động giáo dục để nâng cao chất lượng cho giáo viên và học sinh.
Tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo cử đi kiểm tra hồ sơ của Ban giám hiệu một số trường trong thời gian gần đây, thú thật, tôi khiếp đảm trước những chồng hồ sơ đồ sộ của họ.
Đúng, báo cáo, kế hoạch nhiều như vậy, hồ sơ, sổ sách sao ít đi được? Quy định hồ sơ, sổ sách theo Điều lệ trường phổ thông thì không nhiều nhưng trên thực tế thì phát sinh vô kể.
Để công nhận trường chuẩn quốc gia; kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn, tiêu chí của Cục kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ hồ sơ, sổ sách của nó còn khủng khiếp hơn nữa.
Đến gần thời điểm kiểm tra, thẩm định, nhà trường huy động hàng chục giáo viên, bộ phận làm việc đêm ngày nhằm hoàn thiện thật tốt, thật đầy đủ các loại hồ sơ, giấy tờ, minh chứng.
Nếu minh chứng phải in hết ra thì tốn một lượng giấy, mực lên đến chục triệu đồng.
Mặc dù, năm 2013, chính phủ từng có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính ở các lĩnh vực, trong đó giảm bớt các loại hồ sơ, sổ sách, giấy tờ không cần thiết nhưng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục, tình hình vẫn giậm chân tại chỗ, ít chuyển biến.
Hồ sơ, sổ sách, báo cáo, kế hoạch… tiếp tục “hành hạ” các cơ sở giáo dục, các cán bộ quản lý giáo dục.
Sổ sách, báo cáo, kế hoạch càng nhiều, càng dày thêm song lại không tỉ lệ thuận với chuyển biến của đạo đức học sinh, chất lượng dạy và học hiện nay.