Con quay như chong chóng, tối mắt tối mũi vì lịch học, có cha mẹ nào biết không?

09/10/2017 07:47
Đỗ Quyên
(GDVN) - Giảm áp lực học tập cho các em không còn cách nào khác ngoài việc lên án mạnh mẽ kiểu dạy thêm trá hình để tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc dạy và học này.

LTS: Từ thực tế tại chính địa phương mình, tác giả Đỗ Quyên đã có bài viết phản ánh về tình trạng dạy học phụ đạo nhưng kém chất lượng trong các trường học hiện nay.

Theo cô, với lịch học dày đặc khi vừa học chính khóa, vừa học phụ đạo tại trường, lại vừa phải đi học thêm ở ngoài đã khiến cho nhiều em học sinh bị quá tải, gây ra tâm lý mệt mỏi và căng thẳng khi học tập.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Những khuôn mặt bơ phờ mệt mỏi, những cái ngáp dài tưởng xái cả quai hàm, những cái đầu gục xuống tranh thủ chợp mắt dù chỉ là vài phút ít ỏi là hình ảnh thường thấy của các nam nữ học sinh bậc trung học phổ thông bây giờ.

Với lịch học dày đặc, các em hầu như không còn nhiều thời gian nghỉ ngơi cho lại sức. Cơ hội này càng trở nên hiếm hoi đối với những học sinh nhà ở xa trường nhưng phải ở lại để học phụ đạo buổi chiều.

Hình ảnh minh họa cho việc chạy học thêm của các em (Ảnh: tuyensinh247.com).
Hình ảnh minh họa cho việc chạy học thêm của các em (Ảnh: tuyensinh247.com).

Có thể điểm qua lịch học của các em mà bất cứ người có tâm nào cũng phải giật mình thương cảm.

Buổi sáng 6 giờ đã phải rời nhà lên xe bus tới trường. Bữa ăn sáng chỉ là gói xôi, vài cái bánh mua vội trước cổng hay là bát mì tôm ở căn tin lúc chuyển tiết. Tan học, ra tới cổng trường cũng đã là 11 giờ 30 phút.

Em nào ở gần trường còn có thể về nhà làm giấc ngủ trưa để chiều đi học tiếp nhưng với học sinh cách nhà khoảng vài chục cây số chỉ đi xe bus hoặc xe máy thì buổi trưa ăn xong ngoài quán chỉ ngủ ngồi để đợi chiều đến đi học phụ đạo trong trường.

Một em học sinh khối 12 của một trường trung học phổ thông nói rằng “một tuần chúng em phải đi học 3 buổi chiều, 1 buổi học thể dục, 2 buổi học phụ đạo văn hóa. Tan học phụ đạo bọn em phải ở lại để tối đi học thêm.

Hôm nào về đến nhà cũng 9-10 giờ đêm, dù người mệt rã rời cũng phải học bài cho ngày hôm sau nếu không sáng mai thầy cô kiểm tra bài không thuộc thì viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh thấy mệt hơn nhiều. Giấc ngủ chỉ thật sự đến khi đã bước sang một ngày mới”.

Con quay như chong chóng, tối mắt tối mũi vì lịch học, có cha mẹ nào biết không? ảnh 2

Học thêm trong nhà trường và những “bí kíp” kéo học sinh đến lớp

Nghe các em kể, tôi hỏi rằng đã học phụ đạo trên trường sao còn phải đi học thêm? Cả đám nhao nhao trả lời “Học phụ đạo ở trường không được chọn thầy cô mình thích mà học với đúng thầy cô giáo dạy chính khóa nên tụi con không muốn học”.

Hỏi kĩ thì được biết trên lớp thầy cô dạy buồn ngủ lắm, phương pháp dạy không lôi cuốn, thầy dạy không nhiệt tình nên học sinh không hiểu bài.

Học chính khóa đã phải chịu đựng, học phụ đạo cũng thế nên buộc phải đăng kí học thêm bên ngoài.

Đây cũng chính là lý do mà nhiều học sinh đưa ra phản đối việc nhiều trường tổ chức dạy phụ đạo trong trường.

Có em bức xúc, giá không phải đi hai buổi chiều vô ích này tụi con sẽ dành thời gian này tự học ở nhà, học trên máy, hoặc học kèm với giáo viên mình tin cậy thì đâu phải ăn dật ở dờ ngoài đường, đâu phải ngồi ngáp ngắn ngáp dài và thèm ngủ đến như thế?

Tìm hiểu một vòng quanh địa phương tôi, quả đúng như lời học sinh nói, phần lớn các trường trung học phổ thông đều tổ chức cho các em học phụ đạo sau buổi sáng học chính khóa.

Lớp học và giáo viên dạy của buổi phụ đạo không có gì thay đổi nên chẳng gây hào hứng gì với các em.

Một số giáo viên cũng không mặn mà khi phải đi dạy phụ đạo. Theo họ, nhà trường thường trả thù lao cho giáo viên theo tiết. Nếu tính bình quân chỉ khoảng 70-80 ngàn đồng/tiết, số tiền này còn thua xa số tiền nhà nước trả cho một giáo viên khi dạy vượt mức giờ quy định.

Một giáo viên khác tâm tư “để dạy một tiết luyện thi cho học sinh 12, giáo viên phải soạn bài kĩ lưỡng, phải đầu tư rất lớn khi dành thời gian nghiên cứu, tham khảo thêm nhiều kiến thức ôn tập ở các tài liệu, nhiều đề thi nhưng thù lao trả như thế không đủ để tái tạo sức lao động.

Con quay như chong chóng, tối mắt tối mũi vì lịch học, có cha mẹ nào biết không? ảnh 3

Vì sao ban giám hiệu lại muốn tổ chức dạy thêm trong trường?

Trong khi dạy thêm bên ngoài chỉ khoảng chục em thì một lớp dạy phụ đạo trên trường phải đông gấp 3 lần như thế.

Các thầy cô chỉ mỗi việc sửa bài cho học sinh cũng đã đuối nói gì đến hướng dẫn, giảng giải cho từng em khi chưa nắm được bài”.

Giáo viên không mặn mà, học sinh không muốn học nhưng tại sao nhiều trường học vẫn cứ thích tổ chức việc dạy phụ đạo ở trường như thế?

Nếu làm một cuộc phỏng vấn, đương nhiên chúng ta sẽ nhận được câu trả lời của những hiệu trưởng không thể hay hơn là “để nâng cao chất lượng học tập cho các em, để đảm bảo cho kỳ thi trung học phổ thông đạt kết quả tốt, để các em có nền kiến thức tốt đáp ứng yêu cầu trong kì thi tuyển sinh đại học…”.

Nhưng thực chất nó lại nằm ở nguyên nhân sâu xa hơn đó là tiền phần trăm được nhận của ban giám hiệu nhà trường không hề nhỏ sau hoạt động dạy phụ đạo trong trường.

Với tỉ lệ ăn chia hiện nay, chỉ tính riêng hiệu trưởng có trường đã nhận gần 10% trong tổng số tiền học sinh toàn trường đã đóng.

Nhiều trường học cứ vin vào cớ đã thông qua ban đại diện hội phụ huynh, thông qua các chi hội phụ huynh lớp cùng với sự im lặng cam chịu của phần lớn phụ huynh nên việc dạy phụ đạo trong các trường trung học phổ thông cứ xảy ra một cách công khai như thế.

Giảm áp lực học tập cho các em không còn cách nào khác ngoài việc cần lên án mạnh mẽ kiểu dạy học thêm trá hình trong nhà trường trung học phổ thông để tiến tới việc chấm dứt hoàn toàn việc dạy và học kém chất lượng về kiến thức nhưng lại tốn khá nhiều thời gian của các em như thế.

Đỗ Quyên