Kiến nghị 12 điểm cho chương trình phổ thông mới

20/05/2017 13:16
Thùy Linh
(GDVN) - Qua quá trình tổ chức tham vấn, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam có 12 ý kiến đóng góp cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam có 12 ý kiến đóng góp cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đó là: 

Thứ nhất, cần bổ sung căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ vào lời nói đầu.

Thứ hai, cần bổ sung lộ trình thực hiện vào dự thảo

Hiện dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không đưa ra lộ trình thực hiện gây nhiều băn khoăn cho phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo, các cấp quản lý giáo dục và cộng đồng. 

Thứ ba, cần bổ sung phần phân tích bối cảnh, xu hướng phát triển trong nước và khu vực để làm căn cứ đưa ra định hướng mục tiêu của giáo dục phổ thông. 

Trong phần này có thể phân tích những thay đổi về mặt kinh tế, chính trị xã hội, công nghệ (lưy ý cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà giáo dục phổ thông của chúng ta không thể đứng ngoài) và Mục tiêu phát triển bền vững số 4 về giáo dục đến năm 2030 được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua tháng 9/2015– “Đảm bảo một nền giáo dục chất lượng, bình đẳng, hòa nhập và học tập suốt đời cho tất cả mọi người”. 

Kiến nghị 12 điểm cho chương trình phổ thông mới ảnh 1
Mục tiêu của giáo dục phổ thông mới là tới năm bao nhiêu? (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Đặc biệt trong thời đại mà những thay đổi về Công nghệ thông tin, truyền thông nhanh đột biến như hiện nay sẽ mang lại những thách thức hay cơ hội gì cho giáo dục của Việt Nam?

Cần chỉ rõ những kết quả đã đạt được và những mặt còn thiếu/yếu hiện nay của giáo dục Việt Nam, từ đó xác định tầm nhìn, mục tiêu của giáo dục phổ thông là tới mốc nào (ví dụ tới 2030) tạo ra những con người như thế nào (đây chính là kết quả đầu ra của giáo dục phổ thông).

Thứ tư, cần chỉ rõ chuẩn đầu ra mà chương trình hướng tới trong Mục tiêu của chương trình. 

Kiến nghị 12 điểm cho chương trình phổ thông mới ảnh 2

Một số góp ý của Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc về chương trình giáo dục tổng thể

Với việc chuyển sang xây dựng chương trình theo tiếp cận năng lực thì mục tiêu của chương trình phải được thể hiện bằng cách chỉ ra những chuẩn đầu ra (learning outcomes) mà chương trình hướng tới. 

Nghĩa là phải chỉ ra những cái mà người học biết, hiểu và có thể thực hiện khi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông. 

Ví dụ Singapore đặt ra kết quả mong muốn/chuẩn đầu ra của giáo dục đối với mỗi học sinh Singapore bao gồm: (1) là người tự tin, (2) là người học tự định hướng, (3) là một công dân có trách nhiệm, và (4) là một người đóng góp tích cực.

Thứ năm
, cần điều chỉnh những quy định về phẩm chất và năng lực học sinh cho dễ hiểu, dễ nhớ

Sáu phẩm chất và mười năng lực cốt lõi đưa ra trong mục III của dự thảo đã khá phù hợp nhưng có thể chưa đủ khái quát, chưa rõ nghĩa và còn khó nhớ. 

Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đề xuất các phẩm chất và năng lực căn bản và quan trọng nhất như sau:

- Các phẩm chất: Hiếu thảo, hiếu học, mạnh khỏe và thành đạt trong cuộc sống

- Các năng lực: tự học, tự chủ, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm

Hiếu thảo bao hàm cả yêu đất nước, yêu những người thân và mọi người xung quanh.

Kiến nghị 12 điểm cho chương trình phổ thông mới ảnh 3

Chương trình mới chưa thấy đề cập đến giáo dục cho người khuyết tật

Hiếu học nghĩa là thích được học, tự định hướng việc tự học và tính sáng tạo trong học tập.

Mạnh khỏe bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Mục tiêu về sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến định hướng và nội dung giáo dục liên quan. 

Ví dụ kiến thức về sức khỏe không thể chỉ nằm trong hoạt động thể chất/ thể thao như hiện nay. Sức khỏe tinh thần sẽ có được thông qua cả việc hưởng thụ âm nhạc, hội họa và mỹ thuật.

Thành đạt không thể hiện qua những tấm bằng hay tiền bạc mà chính là có một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, có việc làm phù hợp với khả năng, tôn trọng pháp luật và có đóng góp cho xã hội.

Phẩm chất và năng lực không tách rời mà nằm trong mối quan hệ với nhau. Làm thế nào biến các phẩm chất và năng lực thành hiện thực? Điều này phải được làm rõ trước hết trong định hướng về nội dung giáo dục.

Định hướng về nội dung giáo dục của từng môn học hoặc lĩnh vực giáo dục vẫn đang nói rất chung là “góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh”.

Thứ sáu
, hoạt động trải nghiệm sáng tạo nên được hiểu là phương pháp “học qua trải nghiệm”và cần được đưa vào như một phần của hoạt động giáo dục môn học chứ không nên đưa vào như một môn học riêng biệt mà cần là hoạt động gắn liền với từng môn học hoặc liên môn.

Học sinh sẽ được trải nghiệm về mặt cảm xúc, thể chất, xã hội…và tự phân tích rút ra bài học cho mình. Hoạt động này do các giáo viên bộ môn thực hiện ngay trong tiến trình lên lớp hoặc phối kết hợp với các giáo viên bộ môn khác tổ chức thực hiện nhằm hướng tới việc xây dựng các năng lực chung. 

Kiến nghị 12 điểm cho chương trình phổ thông mới ảnh 4

Bỏ kì thi tốt nghiệp là một thượng sách

Việc quy định thời lượng khung hiện nay cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hợp lý và cần thiết, nhưng bên cạnh đó chương trình cũng nên quy định dành sự chủ động cho Nhà trường và giáo viên trong việc xây dựng, lên kế hoạch thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học và liên môn.

Vì khi đó hoạt động này sẽ được thiết kế phù hợp với nhu cầu đa dạng và khả năng đáp ứng của từng địa phương, và sẽ thúc đẩy khả năng chủ động, sáng tạo của mỗi nhà trường trong kết nối với các cơ sở sẵn có tại địa phương (Bảo tàng, cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm, Vườn quốc gia, …) và với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội hay các doanh nghiệp có thể hỗ trợ hoạt động này để đem lại những trải nghiệm bổ ích và khơi gợi các sáng tạo từ học sinh.

Thứ bảy, cần bổ sung thời lượng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho người dân tộc thiểu số và Ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc.

Thời lượng dự kiến dành cho nội dung giáo dục của địa phương cùng với môn tiếng dân tộc thiểu số chỉ khoảng 5% tổng thời lượng chương trình. Như vậy là quá ít.

Ngoài tiếng dân tộc, dự thảo chưa đề cập đến ngôn ngữ đặc thù của các đối tượng người khuyết tật như Ngôn ngữ ký hiệu của người điếc, chữ Braille của người mù, để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận chương trình giáo dục một cách bình đẳng.

Riêng với người điếc cần được học theo phương pháp song ngữ (Ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt). Cần phải công nhận Ngôn ngữ ký hiệu là tiếng mẹ đẻ của người điếc. Vì vậy thời lượng học ngôn ngữ ký hiệu cần phải đảm bảo trang bị đủ khái niệm, kiến thức cơ bản để học sinh điếc theo kịp chương trình chung với các học sinh khác.

Thứ tám, quá trình hướng nghiệp cần được tiến hành sớm hơn và cân nhắc lại vị trí của lớp 10

Theo Dự thảo hiện nay, lớp 10 là lớp định hướng nghề nghiệp. Nói cho đúng thì việc định hướng này là một quá trình đã được tiến hành suốt các bậc học từ tiểu học đến Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Đến lớp 10 mới hướng nghiệp sẽ là muộn.

Kiến nghị 12 điểm cho chương trình phổ thông mới ảnh 5

Trải nghiệm sáng tạo và Người thầy

Theo thông lệ quốc tế hiện nay, chương trình giáo dục cơ bản cần 10 năm. Vì vậy Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đề nghị nếu có thể nên bố trí lại khung giáo dục Phổ thông là 5+5+2 (Tiểu học: 5 năm, Trung học cơ sở: 5 năm, Trung học phổ thông: 2 năm) thay cho khung 5+4+3 hiện nay.

Như vậy Bậc Trung học cơ sở có thêm thời gian để hoàn thành kiến thức phổ thông cơ bản cho người học. Bậc Trung học phổ thông sẽ thực hiện nhiệm vụ phân luồng cho người học triệt để hơn.

Thứ chín, làm rõ mục tiêu đánh giá là nhằm khuyến khích, cải thiện học tập, không ngừng nâng cao chất lượng học tập. Cần làm rõ hơn việc kết hợp ba phương pháp đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực để định hướng cho người viết sách giáo khoa, nhà trường và giáo viên trong tổ chức thực hiện:

Mười là, cần làm rõ bản chất của xã hội hóa giáo dục là huy động các thành phần trong xã hội tham gia cùng nhà nước không chỉ về mặt tài chính mà cả trong quản trị và hoạt động giáo dục để tránh tình trạng lạm dụng hay hiểu sai đang diễn ra rất phổ biến hiện nay là xã hội hóa nghĩa là huy động tài chính là chủ yếu. 

Thúc đẩy xã hội hóa phải song hành với chống xu thế thương mại hóa, tư nhân hóa và trục lợi trong giáo dục. 

Dự thảo cần làm rõ xã hội hóa giáo dục là việc huy động các thành phần trong xã hội tham gia cả về nhân lực, trí lực, tài lực và vật lực cùng với nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. 

Mười một
, bổ sung “Cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra” trong điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 

Hiện nay, chúng ta thiếu một cơ chế như vậy. Vì thế, một mặt không ngăn chặn được bệnh thành tích, mặt khác không có bằng chứng tin cậy để đánh giá việc thực hiện chương trình, làm cơ sở cho việc không ngừng điều chỉnh, bổ sung,hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông (phù hợp với quan điểm hiện đại chương trình mở và phát triển hiện nay trên thế giới).

Mười hai
là, cần cải tiến cách thức lấy ý kiến cho Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 

Cần tổ chức nhiều hội thảo kỹ thuật cấp Sở, Phòng, Trường với sự tham gia của đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục và của mọi người trong xã hội song song với việc mở chuyên mục lấy ý kiến qua mạng thông tin và báo điện tử của ngành giáo dục.

Có như vậy mới đảm bảo tính giải trình và sự tham gia của mọi người trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình quan trọng cho sự nghiệp giáo dục của con em chúng ta.

Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam

Ngày 07 tháng 01 năm 2015, Bộ Nội vụ ra Nghị quyết số 07/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam. 

Hiệp hội là một mạng lưới tự nguyện gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân người Việt Nam cùng hoạt động vì mục tiêu giáo dục cho Mọi người Việt Nam và bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ, các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương. 

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo là Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam.

Hiện Hiệp hội đã có 38 thành viên là các tổ chức trong nước, trong đó có 2 thành viên là cá nhân.

Thùy Linh