LTS: Với mong muốn được bày tỏ nỗi niềm kính trọng, cùng sự tri ân sâu sắc đến người thầy của mình - nhà giáo ưu tú Nguyễn Trường Sơn, tác giả Nguyễn Thi Kim Anh hiện đang là giáo viên dạy ngữ Văn của một trường trung học cơ sở tại Đăk Lăk đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết đầy ý nghĩa này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
“Em xóa bảng còn chăng lời tôi giảng
Tình nước nỗi ưu đời thành bụi phấn bay đi
Câu thơ Kiều truyền kiếp nỗi đau
Lay động bao sâu tình Tố Như ấp ủ”
Giọng đọc thơ ấm áp, đầy xúc động của thầy cứ vang vọng mãi trong ký ức tôi – cô giáo sinh trẻ ngày nào…
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời sẽ lại có những người thầy, người cô dìu dắt ước mơ, để lại những ấn tượng sâu sắc, có ảnh hưởng nhất định đến bản thân.
Nếu như các thầy cô giáo thời phổ thông là những người nhen nhóm trong tôi ước mơ làm cô giáo; thì thầy lại là người truyền lửa, giữ cho tôi ngọn lửa yêu nghề - nhà giáo ưu tú Nguyễn Trường Sơn – nguyên tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Sào Nam, Duy Xuyên, Quảng Nam – người thầy hướng dẫn thực tập của tôi năm ấy…
Từ ấn tượng đầu tiên và cả những ngày có thầy đồng hành suốt chặng đường đáng nhớ cho tới cái bắt tay thật chặt lúc thầy trò chia tay đều gợi cảm giác thân thuộc, gần gũi vô cùng!
Người thầy luôn yêu thương và tôn trọng học trò |
Đó là một người thầy có gương mặt chữ điền phúc hậu, một tấm gương nhà giáo mẫu mực đáng kính – người thầy có trên 38 năm gắn bó với nghiệp phấn bảng và nhiều thế hệ học sinh trưởng thành.
“Bao nhiêu năm đi dạy, thầy luôn làm công tác chủ nhiệm vì khi chủ nhiệm, mình mới có nhiều cơ hội để lắng nghe, gần gũi và hiểu hơn về học trò của mình.
Nghề nào cũng cần có tri thức. Nhưng đâu với nghề giáo, chỉ cần có tri thức thôi chưa đủ, người thầy phải có tấm lòng, phải có sự đồng cảm và thấu hiểu - nhất là người dạy Văn”.
Đó dường như là lời giải đáp vô tình nhưng hữu ý cho thắc mắc trong suy nghĩ của tôi: “Thầy đã lớn tuổi, chỉ còn mấy tháng nữa sẽ về hưu, thầy lại là tổ trưởng bộ môn; sao thầy vẫn chủ nhiệm?”.
Vậy đấy! Thầy có quyền chọn cho mình những ngày cuối trong nghề được nhàn nhã hơn, nhưng không, thầy vẫn kiên trì làm công tác chủ nhiệm cho tới ngày buổi lễ chia tay thầy về hưu được diễn ra long trọng có sự tham gia của rất nhiều thế hệ học sinh.
Một người thầy sắp sửa về hưu, thầy vẫn bám lớp trong hoạt động cắm trại mà không phó mặc hết cho chúng tôi – những người được phân công thực tập chủ nhiệm.
Thầy ngồi bệt ăn cùng học sinh những những bữa cơm do các em tự nấu ở trại, thầy nói với tôi rằng: “Đừng làm thay cho học trò em ạ! Hãy hướng dẫn, tin tưởng và quan sát”.
Hình ảnh nhà giáo ưu tú Nguyễn Trường Sơn - một tấm gương sáng trong giáo dục (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Thầy của chúng tôi, với hơn 38 năm trong nghề; tuy nhiên, thầy không phải là “ông giáo lạc hậu” – bao nhiêu sự đổi mới giáo dục thầy dường như đều không bỏ sót.
Từng câu chuyện thầy chia sẻ về cách thể hiện vai trò người giáo viên chủ nhiệm hay từng buổi thầy ngồi sửa giáo án của chúng tôi, nhận xét, góp ý sau mỗi giờ dạy - ấy là mỗi lần tôi như được khai sáng và vỡ tỏ nhiều điều về kinh nghiệm, về kiến thức.
Thầy tận tâm hướng dẫn từ việc làm thế nào đặt một câu hỏi phát vấn hay, dễ hiểu và không bị cũ theo lối mòn.
Vừa sửa giáo án, thầy lại vừa khéo lựa những câu chuyện gắn bó, gần gũi thường gặp nhất trong nghề để chia sẻ và truyền cảm hứng cho chúng tôi.
Thầy khiến bản thân tôi phải luôn nhận thức được rằng “mình là giáo viên ở thời kì giáo dục không ngừng đổi mới hàng ngày, mình phải là chính mình, phải học thật nhiều, phải sáng tạo và đổi mới không ngừng để theo kịp sự phát triển của xã hội”.
Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, thầy luôn chủ động để tìm kiếm kiến thức mới, nội dung mới, trong từng bài giảng.
Thầy mong muốn những ngày thực tập ngắn ngủi của chúng tôi phải thực sự hữu ích, phải học hỏi được nhiều điều gắn liền với thực tế, phải luôn ý thức việc tìm phương pháp mới, cách thức truyền đạt mới để học sinh hứng thú trong học tập.
Cả cuộc đời gắn bó với nghề, mặc dù rất dài nhưng cho tới tận những ngày tháng sắp sửa về hưu ấy, tôi luôn nhận thấy lòng yêu nghề và sự tận tụy ở thầy dường như là vô tận.
Bằng cái tâm sáng và trí tuệ người thầy, bằng sự bao dung và tấm lòng nhân hậu, thầy biết cách giữ lửa và nuôi dưỡng nghề giáo cao quý.
Trái ngọt giữa cuộc đời |
Trong suốt những năm tháng đến trường, từ mầm non đến đại học tôi tự hào vì bản thân mình luôn được các thầy cô giàu tâm huyết, giàu trí tuệ và lòng yêu nghề dạy dỗ, hình ảnh những người thầy giáo, cô giáo đáng kính, tận tụy và yêu nghề ấy đã để lại trong tôi biết bao tình cảm đáng quý, đáng trân trọng!
Dù ở thời đại nào, những người làm thầy bằng tất cả tấm lòng, trách nhiệm, sự nhiệt huyết hăng say vẫn luôn được xã hội tôn kính.
Khi đã là một người giáo viên đứng trên bục giảng – những điều thầy chia sẻ ngày nào vẫn luôn là hành trang cho tôi soi mình, định hướng cho mục tiêu, lí tưởng dạy học; và hơn bao giờ hết, tôi càng thấm thía những điều thầy tâm sự, gửi gắm.
Thầy từng nói với tôi: “Bước lên bục giảng, trước bao nhiêu ánh mắt trong veo, chờ đợi của học trò, người làm thầy phải mẫu mực, bao dung và nhẫn nại”…
Tôi nhiều lần bồi hồi nhớ lại những tiết dự giờ thầy Trường Sơn và tự nhủ mình phải cố gắng và kiên nhẫn nhiều hơn nữa.
Trong kí ức của mình, tôi vẫn nguyên vẹn hình ảnh về người thầy đứng trên bục giảng thật hiền hậu và gần gũi biết bao, thầy luôn có cách bao quát lớp một cách toàn diện nhất, để mỗi học sinh đều cảm thấy mình là một phần trong tiết học, các em đều bị cuốn hút vào bài giảng say mê mà chẳng hề lơ đãng phút giây nào.
Thầy luôn chăm lo cho các em học sinh nhất là những em có học lực yếu kém, những em có hoàn cảnh khó khăn với cử chỉ ân cần, với cái nhìn trìu mến, đầy ắp tình cảm động viên, khích lệ.
Nếu thời gian quay lại, tôi vẫn lựa chọn về Trường trung học phổ thông Sào Nam để được thầy hướng dẫn và truyền ngọn lửa yêu nghề - đó là khoảng thời gian rất đỗi bình yên, đáng nhớ với những buổi đầu tiên tôi giảng bài trên bục giảng; những bài học đầu tiên tôi nhận được từ môi trường thực tiễn giáo dục.
Dẫu thời gian có trôi đi, con người, cảnh vật, mọi thứ xung quanh mình có đổi thay thì hình ảnh người thầy ấy vẫn vậy, vẫn đức độ và tài năng trong tâm trí mỗi thế hệ học trò…