LTS: Khai giảng năm học mới được vài ba tuần, những câu chuyện về lạm thu tiền trường, đòi “khai tử” Hội phụ huynh… khiến giáo dục càng thêm rối như tơ vò.
Là một nhà giáo có hai mươi lăm năm gắn bó với nghề, thầy Hưng Nhân cảm thấy thất vọng khi dư luận ngày càng gây áp lực nặng nề lên nhà trường, hình ảnh người thầy nhạt nhòa trong mắt phụ huynh.
Trước những đánh giá, phán xét của xã hội, thầy Nhân đã chỉ ra những tấm gương, những hình ảnh đẹp về người thầy vẫn luôn tận tụy với nghề và hết lòng yêu thương học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thị trường hóa nhà trường
Trên các trang mạng xã hội, báo chí có rất nhiều người cho rằng lạm thu tiền trường đang làm vấy bẩn môi trường sư phạm.
Hàng loạt các trường ở đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… vướng vào chuyện lạm thu.
Hiệu trưởng bị đình chỉ, cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra.
Với những thực tế diễn ra thật đáng buồn: “Năm học mới đi qua chưa đầy 1 tháng, hai hiệu trưởng đã bị đình chỉ vì liên quan đến lạm thu.
Hiệu trưởng nào dối trá, làm tiền, cần phải loại khỏi môi trường giáo dục |
Hàng chục nhà trường vướng vào những chuyện thị phi vì lạm thu. Chưa bao giờ giáo dục bị chê nhiều như thế.
Hình ảnh về thiên chức thiêng liêng của nghề giáo đang bị méo mó” (Hội phụ thu, Ban giám hiệu và đồng tiền bị... vấy bẩn!).
Đọc về chuyện lạm thu, tôi đã phải dừng lại rất lâu ở những dòng báo này và cảm thấy đau lòng:
“Người Việt vốn có truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, thế nhưng thật đáng tiếc là những năm gần đây nhiều thầy cô giáo khi nắm giữ các vị trí quản lý đã làm xấu đi hình ảnh của chính mình và gây ảnh hưởng không nhỏ tới đồng nghiệp, nói đi nói lại cũng chỉ vì... tiền.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” - có lẽ chẳng mấy ai không thuộc nằm lòng câu ca dao ấy.
Thế mà bây giờ phụ huynh học sinh phải bức xúc đến mức yêu cầu hiệu trưởng rời nhiệm sở. Họ chẳng còn tin người thầy lóa mắt vì những đồng tiền lạm thu đủ tư cách dạy con họ nữa”.
Nặng lòng lắm chứ, giận lắm khi đồng nghiệp vấp ngã không phải vì kiến thức, chuyên môn mà là vì đồng tiền.
Nhà giáo xưa nay vốn đồng lương chưa đủ sống, thầy cô phải làm đủ nghề tay trái để nuôi nghề giáo, nuôi đam mê bục giảng, nhưng không phải đồng tiền làm cho mờ mắt.
Cuộc sống nhà giáo vốn thanh cao, đạm bạc, cao quý. Tôi có nhiều bạn bè làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi gặp nhau là nhắc bạn: “làm hiệu trưởng là phải hy sinh”.
Quái thai của xã hội hóa giáo dục là lạm thu |
Đau xót lắm, song cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng: “Từ xưa đến nay, nghề giáo vẫn được xã hội nhìn nhận là một nghề cao quý của những nghề cao quý, nghề của những con người mang trong mình “trái tim đỏ như màu phượng vĩ”.
Vậy mà, thật tiếc khi vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, những người đã được gọi là thầy giáo mà lại lóa mắt vì “đồng tiền, phân bạc”, làm hoen ố giá trị của người thầy” ("Đồng tiền, phân bạc" và sự trung thực của người thầy!).
Phải thừa nhận, thời kinh tế thị trường, do tác động của đồng tiền, không ít trường học đã bị thị trường hóa. Chuyện bán mua, hoa hồng trong trường học đã làm nhiều nhà quản lý giáo dục “hoa mắt”.
Cứ đầu năm học là đồng phục, đồ dùng học tập… thay đổi mẫu mã. Không hiếm hiệu trưởng bắt học sinh “đồng phục” cả bìa bao, cặp sách…
Vậy nên, hiệu trưởng nào không làm chủ được mình sẽ bắt tay với đối tác làm ăn và biến trường học thành nơi bán – mua.
Cái tâm của người hiệu trưởng
Ngày mới ra trường, tôi về dạy học tại một trường trung học cơ sở ở tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau).
Tôi bất ngờ khi đầu năm học học sinh không phải đóng bất cứ một khoản tiền nào trong khi nhà trường thiếu thốn trăm bề: thiếu nước, thiếu nhà ở cho giáo viên xa nhà, sân trường sình lầy...
Đem chuyện này hỏi thầy hiệu trưởng thì tôi nhận được câu trả lời: “Học sinh đến trường là mừng lắm rồi”.
Có chuyện gì cần hỗ trợ là giáo viên lại nhờ đến ủy ban xã hay thầy hiệu trưởng chèo xuồng mấy chục cây ra phòng giáo dục xin.
Người thầy luôn hết lòng yêu thương học trò và đồng nghiệp (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn). |
Lớp học trò ngày ấy nhiều em giờ thành đạt, tình thầy trò vẫn gắn bó sâu nặng. Lần nào về lại nơi xưa tôi và đồng nghiệp cũ cũng được đón tiếp niềm nở, tay bắt mặt mừng.
Cái tâm của người thầy vì vậy chúng tôi luôn nhắc nhở nhau giữ gìn để sống với nghề cho trọn vẹn.
“Trường tôi là ngôi trường cấp II duy nhất ở xã thuộc vùng ven thành phố. Mức sống người dân tương đối ổn định.
Tuy nhiên, mức thu các khoản của trường tôi lại rất chênh lệch so với nhiều trường khác, tức là không "đội giá".
Mọi người thường đùa rằng thầy hiệu trưởng trường tôi "nhát gan" khi không thu nhiều tiền. Vậy mà thầy tôi chỉ cười đáp: "Mệt lắm, ăn không ngon với cấp trên, ngủ không yên với người dân trong xã!". Và thầy làm đúng như thế thật.
Ở nơi này, chúng tôi không có lạm thu mà sống hết mình vì học sinh thân yêu |
Những khoản thu tính đến đơn vị nghìn đồng có lẽ rất ít gặp trong xã hội ngày nay, nhưng trường tôi có đến vài khoản thu chỉ vài nghìn đồng mỗi tháng. Chẳng hạn, tiền vệ sinh 1.000 đồng/tháng, tức 9.000 đồng/năm học.” [1]
Thời gian sau này, tôi làm phó hiệu trưởng ở một thành phố công nghiệp. Trường tôi ngót nghét 1.500 học sinh, cơ sở vật chất rất thiếu thốn dù ở kế bên khu công nghiệp.
Hiệu trưởng nhắc tôi, dù nghèo cũng không được “đụng” đến tiền phụ huynh.
Học sinh chuyển trường, tuyển sinh đầu cấp cứ “thập thò” kèm xanh đỏ trong đơn, trong hồ sơ nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhận dù người đó lam lũ hay giàu có.
Tiền quỹ hội được sự thỏa thuận trong phụ huynh, chẳng một điều tiếng gì vì đều công khai, minh bạch tất cả các khoản thu chi đến từng phụ huynh.
“Bên cạnh khoản tiền "nặng ký" là bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cùng với mức đóng học phí theo quy định, trường tôi cũng thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục.
Vậy mà gộp chung tất tần tật các loại bảo hiểm, học phí, tiền đồng phục, quỹ đội, quỹ phụ huynh, bảng tên, sổ liên lạc, học bạ, giữ xe đạp, ghế chào cờ... lại chưa đến 500.000 đồng cho mỗi cháu vào lớp 6.
Nếu tăng thêm từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng cho một vài khoản thu, có lẽ chẳng có phụ huynh nào ý kiến bởi nó vẫn khá thấp so với mặt bằng chung.
Nhưng thầy không làm vậy. Bởi thế ai cũng tin, mến người thầy biết nghĩ cho cái khó, cái khổ của người dân.” [2]
Người thầy luôn yêu thương và tôn trọng học trò |
Anh bạn tôi, một hiệu trưởng trường tiểu học luôn trăn trở trước những khó khăn về hoạt động của trường do kinh phí eo hẹp, thầy cho biết:
“Ngân sách tài chính cấp khoán quỹ lương cho trường chỉ đủ trả lương, còn lại chi phí sửa chữa máy vi tính, máy in, mua văn phòng phẩm, trả tiền điện nước… gói ghém dữ lắm mới đủ.
Thế nhưng, hư hại về cơ sở vật chất lại thường xuyên. Quỹ hội thì không thể thu nên cứ phải tranh thủ xin mạnh thường quân. Xin hoài cũng ngại, nhưng biết sao được, không có thì học sinh thiếu thốn”.
Đó là chưa kể những học sinh nhà nghèo, bệnh tật cần sự hỗ trợ. Tôi biết, thầy sẽ không phải suy nghĩ, vất vả nhiều nếu thu tăng tiền quỹ hội như người ta vẫn làm.
Thầy bảo, phụ huynh không ai giống ai, những người nghèo bắt đóng nhiều tội nghiệp người ta.
Những học sinh khó khăn vào ngày khai giảng, trung thu, ngày tết… thầy đều tranh thủ sự hỗ trợ học bổng, quà của các phụ huynh nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Cho nên những phụ huynh vào trong Hội phụ huynh bao giờ cũng thiệt thòi vì phải đóng góp hơn rất nhiều so với những phụ huynh khác song ai cũng sẵn lòng.
Các phụ huynh này luôn tích cực đóng góp cho trường sửa chữa nhà vệ sinh học sinh, lát nền lớp học, trang bị cây cảnh làm đẹp trường lớp…
Có lẽ, đồng nghiệp làm quản lý trường học ai cũng nghĩ và có cái tâm như thầy thì hàng năm đâu còn điệp khúc… lạm thu tiền trường.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://tuoitre.vn/nguoi-thay-tu-tam-2017092112331965.htm
[2]http://tuoitre.vn/nguoi-thay-tu-tam-2017092112331965.htm
http://laodongdongnai.vn/Thoi-su/Trongdongsukien/67945D/chua-benh-lam-thu-tien-truong.aspx