LTS: Ngoài những kiến thức cơ bản được trang bị tại nhà trường, một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên hiện nay cần phải nâng cao kĩ năng sống (kĩ năng mềm) của bản thân. Đây là điều kiện cần nhưng lại đang rất thiếu đối với các bạn trẻ hiện nay.
Nhằm chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu chuyện về em Bùi Thị Hà, quê ở tỉnh Hà Giang, tốt nghiệp thủ khoa của trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vinh danh tại Văn Miếu năm 2016, sau một năm về quê nhà tìm việc nhưng chưa được phải ở nhà nuôi lợn, tiếp tục gây xôn xao dư luận xã hội trong mấy ngày qua.
Bên cạnh luồng ý kiến cảm thông, chia sẻ thì cũng có không ít ý kiến chê trách, vì cho rằng cô thủ khoa này quá nhút nhát, thiếu tự ti vào bản thân, có bằng cấp, học hành xuất sắc như thế tại sao không lao vào thực tiễn đời sống, đến nơi khác để làm việc, phát huy năng lực vốn có mà lại co ro, chờ việc, đợi một xuất biên chế ở quê nhà.
Hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên thường ỉ lại, thiếu kĩ năng trong việc tự lập (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn). |
Trong bài viết: "Tôi từng thấy, cử nhân gần 30 tuổi nhưng bố mẹ vẫn dắt đi xin việc" của tác giả Thùy Linh đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 12/10, dẫn nhiều ý kiến, phân tích, đưa ra những ví dụ rất xác đáng, thú vị của Tiến sĩ Đàm Quang Minh, tân Hiệu trưởng trường Đại học Thành Tây (tại buổi trao đổi về giáo dục đại học thời đại mới) liên quan đến tìm kiếm việc làm của Thủ khoa Bùi Thị Hà nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung.
Ông nhấn mạnh: "Việc sinh viên đạt điểm thủ khoa là chứng tỏ nỗ lực học tập của em đó. Tuy nhiên, cuộc sống thực sẽ không ai trả lương cho việc học thi lấy điểm cao mà trả lương cho những người hoàn thành tốt công việc và mang giá trị cho cuộc sống.
Thi điểm cao không có nhiều giá trị. Thế nên việc đạt thủ khoa không có gì đảm bảo cho việc cử nhân đó chắc chắn có việc làm tốt. Bởi đó là hai việc khác nhau”.
Một giáo viên người Canada sau buổi gặp gỡ cha mẹ học sinh Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:
"Cha mẹ người Việt chỉ quan tâm tới điểm 10 mà xem nhẹ quá trình làm việc, khả năng giải quyết vấn đề của chính con mình".
Một lời chia sẻ của người nước ngoài nhưng phản ánh đúng thực trạng, tâm lý chung của phần đông cha mẹ người Việt là cho con đi học chỉ là học chữ.
Quan niệm này rất khác lạ với thế giới nhưng nó lại đúng với mục tiêu của nhiều người Việt: đó là tâm lý học chạy, học để làm quan…
Tôi có anh bạn đang bác sĩ ở bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, anh rất chăm và thương con, cậu con trai đầu năm nay học lớp 12, ngoài việc học ra cháu không phải làm bất cứ việc gì, ngay cả chuyện đi học tại trường, học thêm, vợ chồng anh cũng thay nhau cán đáng luôn công đoạn chở đi, chở về.
Bố mẹ đã sai khi bảo bọc con trong lồng kính quá lâu |
Tôi nói: “Cháu nó lớn rồi, để cháu tự đi, nỡ hôm anh, chị đi công tác, không ai đưa đón thì sao?”.
Anh bạn liền giải thích: “Giao thông, xe cộ bây giờ phức tạp, nếu để cháu tự đi thì không yên tâm và nó cũng quen việc được cha mẹ chở rồi mà”.
Cách đây 25 năm, tôi và nhiều bạn ở quê đến lúc đi thi đại học ở Quy Nhơn, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh đều tự một mình khăn gói đi thi, chẳng có cha mẹ, anh, chị nào dẫn đi cả.
Trên đường đến trường thi, cái gì không biết, không rõ, chúng tôi tự tìm người hỏi han, nhờ giúp đỡ. Ra trường, khi đi xin việc, nộp hồ sơ trên Sở, tham gia thi tuyển công chức cũng đều một mình.
Còn thời nay, điều kiện kinh tế, xã hội đất nước được cải thiện nhiều, các cô, cậu học sinh, sinh viên được coi là thế hệ lanh lẹ, thông minh hơn nhưng đi thi, đi nộp hồ sơ, trả lời phỏng vấn…lại thường phải có phụ huynh, người nhà đi cùng.
Rõ ràng, không ít cha mẹ bây giờ lo lắng, bảo bọc cho con cái quá mức, thậm chí làm thay con đủ thứ trong khi con có thừa khả năng để hoàn thành nó.
Nhiều cha mẹ vì thương, lo cho con cái mà sớm biến con em mình thành những chú “gà công nghiệp” đích thực.
Thương con quá, hóa ra chẳng tốt đẹp cho con khi bước vào đường đời. Chắc chắn những chú “gà công nghiệp” này không thể thích nghi với một đất nước, môi trường xã hội đang chuyển mình, có nhiều đổi thay đáng kể.
Trả lời báo Đất Việt, số ra gần đây, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhận xét:
“Phổ biến hơn là tinh thần tự lập và khả năng tự giải quyết vấn đề của phần đông học sinh Việt quá kém. Do chỉ chú trọng vào việc nhồi chữ nên học sinh không được trang bị những kỹ năng tối thiểu của một con người để tồn tại trong xã hội, vì vậy, không lạ gì học sinh cấp III, thậm chí sinh viên đại học không biết quét nhà, rửa bát, không biết nấu cơm...”.