LTS: Từ câu chuyện của người bạn đồng nghiệp, cô giáo Phan Tuyết đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết của mình nhằm nói lên thực trạng một số vị phụ huynh hiện nay luôn mang trong mình tư tưởng, cũng như suy nghĩ sai lầm về phương pháp nuôi dạy con cái, từ đó dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau khi vắng mặt ở lớp dạy tại chức gần nửa tháng, cô giáo Phương Nga một giảng viên môn Tâm lý giáo dục đã trở lại lớp và nói chuyện với chúng tôi: “cô xin nghỉ để vào Sài Gòn tập cho cậu con trai mới đỗ đại học một số công việc. Lỗi này cũng là do cô đã không tập cho con từ trước nên giờ mới phải thế”.
Hình ảnh minh họa về những sai lầm trong suy nghĩ của Bố Mẹ (Ảnh: nhungcaunoihay.net) |
Cô kể: “cậu con trai vào mới vào nhập trường được hơn một tuần mà suốt ngày gọi điện “cầu cứu” mẹ những việc không đâu. Hỏi từ việc mắc màn như nào để không bị muỗi đốt, giặt đồ ra sao cho sạch, nấu cơm bằng nồi điện thế như thế nào? Luộc rau làm sao cho rau vẫn xanh? Cả đến việc quét nhà, lau nhà để không bị dấu chân…
Khi nhận được điện thoại của con mà sốt cả ruột gan, cũng tại mình mỗi lần con động đến việc gì trong nhà là cô lại gạt phắt đi và nói: “Con lo học hành cho tốt, đừng phụ công bố mẹ là được rồi. Mấy cái việc lẻ tẻ này, mẹ làm một loáng là xong”.
Thế là hàng ngày, con chỉ việc học, học chán rồi ngủ. Con có thể miệt mài học suốt cả đêm và ngày hôm sau ngủ vùi cả buổi. Cô luôn phục vụ con đến tận chân răng kẻ tóc mà không thấy mệt.
Không phụ lòng bố mẹ, năm nào con cũng đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của lớp. Nhiều người gặp cô thường không ngớt lời khen con “Anh chị là người sướng nhất đấy, có con học giỏi như thế thì sau này chỉ nằm mà hưởng phước thôi”.
Dạy con như thế nào cho đúng? |
Có lẽ, do bố mẹ luôn dành hết những công việc mà đáng ra phải để con tự trải nghiệm nên giờ trở thành thói quen con quên luôn mọi thứ. Ăn xong, con đứng lên vào phòng nghỉ ngơi. Quần áo thay xong, con vứt bừa bộn trong phòng. Mỗi lần giặt đồ phải đưa lên ngửi từng bộ xem cái nào là đồ bẩn, cái nào là đồ sạch.
Rồi cái cốc uống nước đến cả những vỏ kẹo, vỏ bánh ăn xong là con ném tại chỗ cô cũng phải vào dọn. Nếu tuần nào cô bận việc ít dọn thì y như rằng cái phòng chẳng khác gì “bãi chiến trường rác”.
Nhiều lúc thấy bực, cô góp ý con lại chống chế: “Mẹ nói con trai chỉ cần học cho giỏi, việc nhà sẽ có vợ lo hoặc thuê người giúp việc là gì”. Thoáng chút lo lắng, cô sợ sau này khi con ra ở một mình sẽ làm sao để tự lo cho bản thân chứ nói gì đến việc lo được cho người khác
Cho đến một ngày, bố mẹ có việc về muộn, gọi điện nhờ con nấu cho nồi cơm (nấu cơm bằng nồi điện). Con hỏi thật vô tư: “Có phải rửa gạo không mẹ hay chỉ đổ nước vào thôi?”
Con chỉ việc vo gạo, đổ nước vào và cắm điện nhưng cô phải hướng dẫn con thật lâu, thật tỉ mỉ thì con mới hiểu để làm. Vậy mà ngày hôm đó, cả gia đình đã phải ăn một bữa cháo đặc.
Thấy cách phụ huynh dạy con, tôi hoang mang quá! |
Ngày con đỗ đại học, cô đã rất mừng và luôn tự an ủi rằng mình đã làm đúng. Vì lo sợ con vào trường vụng về mọi chuyện, cô đã bắt đầu tập cho con làm một số việc nhà đơn giản như: cầm chiếc chổi quét nhà, nhặt rau, vo gạo, cắm cơm đến việc giặt quần áo, gấp đồ hay sao cách mắc màn trước khi đi ngủ vì sợ con bị muỗi đốt.
Dù đã tập cho con rất nhiều lần nhưng con vẫn mãi lóng ngóng không quen. Ngày con vào trường, cô đứng ngồi không yên vì liên tục nhận được điện thoại nhờ tư vấn. Cô đã xin nghỉ phép nghỉ nửa tháng để vào Sài Gòn tiếp tục hướng dẫn con làm một số việc cần thiết, để con biết cách ăn ở và tự chăm sóc tốt cho mình.
Con có kiến thức nhưng thiếu trầm trọng kĩ năng sống. Suốt bao nhiêu năm con chỉ đến trường, học và học. Về nhà lại vào bốn bức tường cũng chỉ mỗi học với học.
Bây giờ, ra ngoài xã hội, mọi thứ đối với con hoàn toàn mới mẻ, xa lạ. Đến lúc này, cô mới thấy mình thật sự đã sai. Con người có kĩ năng sẽ tự lo toan được cho cuộc sống của mình. Chỉ có kiến thức lý thuyết như con nếu rời xa vòng tay gia đình con sẽ trưởng thành ra sao?