Để Hiệu trưởng lãnh đạo phong trào chống tham nhũng trường học thì...

15/10/2017 06:15
Thùy Linh
(GDVN) - "Quy định pháp lý hiện nay cho phép nhà trường nhận các khoản tài trợ xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân đang tạo khe hở để hợp thức hóa việc thu tiền..."

LTS: Như thông tin đã đưa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lệ Xá (Hưng Yên) thu hàng tỷ đồng sai quy định của học sinh trong mấy năm kéo dài, rồi sau đó mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa cho sai phạm.

Trước sự việc gây bức xúc tới dư luận đặc biệt là phụ huynh học sinh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020. 

Phóng viên: Hiệu trưởng trường Lệ Xá (Hưng Yên) thu hàng tỷ đồng sai quy định của học sinh trong mấy năm kéo dài, rồi sau đó mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa chi tiêu. Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vụ việc này? 

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Có lẽ đây là lần đầu tiên hiệu trưởng một trường tiểu học bị khởi tố hình sự và bắt giam do liên quan đến lạm thu học đường.

Theo thông tin tôi nắm được, công an khởi tố vị Hiệu trưởng này là “lợi dụng quyền hạn, chức vụ khi thi hành công vụ” và “mua bán trái phép hóa đơn”.  

Trước đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu trường Lệ Xá hoàn trả lại tiền lạm thu cho phụ huynh và kỷ luật cách chức hiệu trưởng. 

Đây là một vụ việc nghiêm trọng. Một điều đáng nói là hiệu trưởng luôn phản bác là các khoản thu của trường đều thực đúng quy định, các khoản khác bị nói là lạm thu chính là nguồn xã hội hóa do ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ nhà trường. 

Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020. (Ảnh: Tiến sĩ Tùng cung cấp)
Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020. (Ảnh: Tiến sĩ Tùng cung cấp)

Thậm chí có tờ báo đã lên tiếng khẳng định “hoàn toàn không có chuyện lạm thu”, “các ý kiến của đại diện phụ huynh nhà trường đều hết sức bức xúc, phẫn nộ trước những thông tin quy chụp cho rằng đã có việc lạm thu, tiêu cực trong các khoản đóng góp tại trường”. 

Và huyện Tiên Lữ đã từng thanh tra và kết luận “trong 2 năm học 2014-2015, 29015-2016 trường đã thu cơ bản đúng các khoản theo quy định, đúng mức thu, không có hiện tượng thu tăng, thu trái quy định” (kết luận Thanh tra số 148/KL-UBND ngày 5/9/2016).

Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng, căn cứ để khởi tố không phải là “lạm thu học đường”, vì nếu chỉ lạm thu – tức thu các khoản trái quy định – thì chưa phải là tội hình sự. 

Để Hiệu trưởng lãnh đạo phong trào chống tham nhũng trường học thì... ảnh 2

Khởi tố, bắt giam một Hiệu trưởng lạm thu

Tội danh bị khởi tố với hiệu trưởng trường Lệ Xá trong vụ này là “lợi dụng quyền hạn, chức vụ khi thi hành công vụ” để vụ lợi cá nhân, và “mua bán trái phép hóa đơn” để hợp thức số tiền vụ lợi. 

Không chỉ vụ việc ở trường tiểu học Lệ Xá, vụ việc lạm thu mới đây ở trường Đặng Cương (Hải Phòng) cũng đang tạo ra tranh cãi là “lạm thu” hay “xã hội hóa”. 

Tôi cho rằng, quy định pháp lý hiện nay cho phép nhà trường nhận các khoản tài trợ xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân đang tạo khe hở để hợp thức hóa việc thu tiền từ phụ huynh, việc lạm thu được núp bóng “xã hội hóa”, xem như đây là tiền tài trợ của ban đại diện cha mẹ học sinh.  

Ông nghĩ gì về cách quản lý giáo dục tại các cơ sở, đặc biệt là vai trò, chức năng, quyền hạn của các hiệu trưởng hiện nay và mối quan hệ của hiệu trưởng với ban đại diện cha mẹ học sinh?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Việc lạm thu hiện nay nói chung đều có sự phối hợp giữa hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường.

Đã có quy định khá rõ của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng lại không có điều nào quy định là nếu ban đại diện cha mẹ học sinh làm sai thì ai chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm thế nào?.

Để Hiệu trưởng lãnh đạo phong trào chống tham nhũng trường học thì... ảnh 3

Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền

Bởi thế những gì hiệu trưởng thấy làm không đúng thì cứ để cho ban đại diện cha mẹ học sinh làm là xong. 

Việc quản lý, giám sát hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh hiện đang là trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân quận, huyện, trong khi ban đại diện cha mẹ học sinh thì hoạt động tại trường, hiệu trưởng có thấy ban này làm sai thì cũng bỏ qua nếu thấy có lợi cho trường. 

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sửa lại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, không nên để những bất cập như vậy tồn tại. 

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy hầu hết các vụ việc liên quan đến vấn đề lạm thu, tiêu cực trong nhà trường đều có liên quan đến Hiệu trưởng.

Ông nghĩ sao về cơ chế chính sách trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, quản lý với đội ngũ Hiệu trưởng? Có gì bất cập? Nên khắc phục như thế nào?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng: Hiệu trưởng là người đứng đầu nhà trường, cho nên mọi việc xảy ra trong nhà trường đều liên quan đến hiệu trưởng là đúng rồi. 

Do đó, nếu lựa chọn được hiệu trưởng tốt, có cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của ban giám hiệu, đồng thời xử lý nghiêm khi hiệu trưởng vi phạm thì hoạt động của cơ sở giáo dục sẽ ổn. 

Tuy nhiên, các quy định của cơ quan quản lý nhà nước cần đầy đủ, chính xác, rõ ràng, hợp lý, tránh tình trạng quy định nhập nhằng giữa “lạm thu” với “tài trợ xã hội hóa” để bị lạm dụng như hiện nay. 

Cũng tránh các hoạt động mang tính hình thức, chẳng hạn yêu cầu phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tới tận các trường mầm non, tiểu học, và lại để hiệu trưởng làm trưởng ban này như hiện nay. 

Trân trọng cảm ơn ông. 

Thùy Linh