LTS: Vì căn bệnh thành tích, các địa phương đã biến cuộc thi sáng tạo cho thanh thiếu niên, nhi đồng từ một cuộc thi ý nghĩa thành gánh nặng cho cả thầy và trò.
Từ đó, những sản phẩm của sự gian dối được tạo nên bởi chính giáo viên và phụ huynh học sinh.
Cô giáo Thuận Phương phản ánh thực tế trên với mong muốn có thể tìm được giải pháp giúp trả lại sự trong lành cho môi trường giáo dục.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cuộc thi sáng tạo cho thanh thiếu niên, nhi đồng là sân chơi dành cho các em có độ tuổi từ 6 đến 19 tuổi.
Các giải pháp dự thi thuộc 5 lĩnh vực, bao gồm: Đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Thành công mang lại từ cuộc thi
Mục đích của cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Đồng thời, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ các em trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
Nhờ có cuộc thi này, nhiều học sinh đã được vinh danh nhận giải thưởng về sản phẩm của mình. Không ít học sinh đã được thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo.
Nhiều địa phương nhờ đó cũng được vinh danh vì đã đạt nhiều giải thưởng hay có tính ứng dụng cao.
Em Phạm Huy (học lớp 11A3, Trường Trung học phổ thông Quảng Trị, Quảng Trị) với sản phẩm “cánh tay robot giúp người khuyết tật”. (Ảnh mih họa từ Báo Nhân Dân) |
Điển hình như em Phạm Huy (học lớp 11A3, Trường Trung học phổ thông Quảng Trị, Quảng Trị) đã đạt giải 3 tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế do Intel tổ chức (Intel ISEF) tại Mỹ với sản phẩm “cánh tay robot giúp người khuyết tật”.
Nhiều sản phẩm đạt giải cấp quốc gia được đánh giá cao như “Nhà thông minh cho các gia đình ở nông thôn” của nhóm học sinh ở Quảng Ninh…
Những áp lực do thành tích tạo nên
Cuộc thi có ý nghĩa rất lớn khi khuyến khích được niềm đam mê của nhiều học sinh có năng khiếu.
Thông qua cuộc thi, nhiều sản phẩm có ích cho cuộc sống đã được ứng dụng. Có thể nói, cuộc thi đã mang lại những thành công nhất định điều đó không ai chối cãi được.
Thế nhưng, thay vì phát động cuộc thi để những ai có năng khiếu, có đam mê và khát vọng sẽ tình nguyện ứng thí, tranh tài thì không ít địa phương vì muốn có thành tích để phô trương thanh thế đã áp đặt chỉ tiêu xuống các trường học.
Với những trường nhỏ, trường chưa có danh hiệu thì cuộc thi này nhà trường chỉ phát động chung trên trường và học sinh hoàn toàn tự nguyện làm để dự thi.
Có trường được một sản phẩm, trường hai sản phẩm nhưng đây chính là sản phẩm tự tay các em làm.
Riêng những trường có danh hiệu như trường điểm, trường chuẩn quốc gia thì ban giám hiệu lại tham gia một cách đầy sôi nổi, nhiệt tình để chứng tỏ không phụ lòng ủy thác của cấp trên.
Một số trường muốn có nhiều sản phẩm dự thi lại áp chỉ tiêu xuống các tổ, các lớp.
Điều này, đã tạo cho cuộc thi vốn vô cùng ý nghĩa thành nỗi sợ hãi, sự áp lực cho không ít giáo viên chủ nhiệm.
Có giáo viên than rằng “biết đào đâu 2 sản phẩm dự thi bây giờ?”
Chỉ tiêu đã áp xuống, giáo viên chỉ có hai con đường, một là có sản phẩm nộp, hai là chịu mang tiếng không hoàn thành nhiệm vụ, chưa làm tốt công tác chủ nhiệm…
Thế là hầu như giáo viên nào cũng không muốn mình bị ảnh hưởng đến thi đua nên cũng chấp nhận “theo lao”.
Trước là tìm phụ huynh giúp đỡ.
Một giáo viên bậc tiểu học chia sẻ “may mắn gặp phụ huynh đồng ý giúp thì khỏe, có người từ chối thẳng thừng thì tự mình phải làm hết chứ biết phải làm sao?”.
Ngày nộp sản phẩm, thầy cô phải tự viết bản thuyết minh cho học sinh mà mình chọn đứng tên những sản phẩm ấy để các em đọc thuộc và thuyết trình tranh giải trong cuộc thi ở trường.
Nếu được chọn thi cấp huyện, cấp thị, giáo viên càng mệt mỏi, căng thẳng hơn.
Ở trường, hầu như thầy cô nào cũng hiểu đó chính là sản phẩm của cha mẹ hoặc thầy cô làm nhưng chẳng ai có ý kiến gì.
Nếu không chữa, bệnh thành tích sẽ "biến chứng" thành bệnh dối trá |
Họ chấp nhận sự dối lừa như một lẽ tự nhiên. Bởi hôm nay, đồng nghiệp này thì sang năm có thể đến lượt mình.
Nếu sản phẩm được chọn thi cấp cao hơn, thầy cô phải chuẩn bị cho các em một cách công phu, chu đáo hơn nhiều lần với hy vọng khỏi “bể mánh” là sản phẩm của người khác.
Một người bạn vốn là thành viên trong ban giám khảo cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên cấp tỉnh cho biết:
“Hàng trăm sản phẩm nộp dự thi phần lớn là những sản phẩm sao chép trên mạng cũng đủ biết cuộc thi cấp cơ sở luôn đặt nặng tính hình thức nên số lượng luôn áp đảo chất lượng.
Có những sản phẩm đạt giải nhưng không phải do chính các em học sinh làm mà chỉ là đứng tên hộ”.
Nghe thế, tôi giật mình không biết vì sao những mánh lới người lớn dùng đã bị lộ.
Bạn kể tiếp: “Có hai sản phẩm đạt giải nhất nhì nên có phóng viên xin số điện thoại phỏng vấn tác giả mới bật ngửa ra rằng các em chẳng hề biết gì về sản phẩm mình đã đứng tên”.
Câu chuyện vỡ lở, ban giám khảo xác minh thêm vài trường hợp nữa và biết rằng chính thầy cô chứ không phải ai khác đã dàn dựng màn kịch “hồn Trương Ba da hàng thịt” chỉ vì áp lực về chỉ tiêu.
Không có gì quá đáng khi khẳng định rằng, rất nhiều cuộc thi, kì thi ở các trường học hiện nay đều nhuốm màu dối trá.
“Căn bệnh nan y” này, đang rất cần một liều thuốc mạnh để thanh trừng góp phần trả lại cho môi trường giáo dục sự trong sạch vốn phải có.