Thời gian gần đây, Tiến sĩ Phạm Thế Dân – nguyên giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục gửi các thông tin đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, phản ánh những bất thường trong các luận văn Thạc sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, ông Phạm Thế Dân nêu, các luận văn Thạc sĩ của các ông bà: P.N.T.V.,T.H.V., T.T.S. (đều là giảng viên khoa Vật lý), N.T.T,Đ.T.V. đều trích nguyên văn nhiều nội dung từ sách, luân văn, luận án của nhiều người khác nhau, mà không thực hiện đúng nguyên tắc trích dẫn nguồn.
Sau khi có đơn tố cáo của ông Dân, trường đã thành lập tổ xác minh, làm việc và đi đến kết luận, toàn bộ các luận văn Thạc sĩ mà đương sự nêu đều có nhiều thiếu sót trong việc trích dẫn các tài liệu tham khảo, chưa đúng theo chuẩn mực quốc tế.
Chính vì vậy, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra hướng giải quyết, yêu cầu toàn bộ luận văn này đều phải được chỉnh sửa lại cho đúng theo quy định.
Kế tiếp, gần đây nhất, ông Phạm Thế Dân lại tiếp tục gửi thông tin về Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cho biết rằng, một lãnh đạo khoa Vật lý của trường này (hiện đã có bằng cấp Tiến sĩ), “biến” thông tin trong luận văn Thạc sĩ của mình thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.
Trường Đại học Sư phạm thành phố, nơi xảy ra nhiều vụ việc trong thời gian vừa qua (ảnh: P.L) |
Ngoài ra, cũng chính vị này đã sử dụng các thông tin trong khóa luận tốt nghiệp Đại học của sinh (do chính mình làm người hướng dẫn) thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở khác.
Tiến sĩ chép luận văn Thạc sĩ thành đề tài nghiên cứu khoa học |
Toàn bộ những sai phạm này đã được lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm thành phố kết luận, căn cứ theo thông báo kết luận 238, do Hiệu trưởng ký ngày 4/8/2016.
Nhà trường khi đó đã nói sẽ lập Hội đồng xem xét, đánh giá việc bồi hoàn kinh phí đã chi cho việc nghiên cứu đề tài khoa học của vị Tiến sĩ này. Còn đối với việc xử lý vị Tiến sĩ này thì không thể thực hiện được, do thời hạn xử lý viên chức đã bị quá hạn (thời gian xảy ra vụ việc đã quá lâu).
Chính vì vậy, hiện nay, thông tin mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được, vị Tiến sĩ này vẫn tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo khoa
Cho dù khi đó, vị Tiến sĩ có nêu ra một số điều giải trình với nhà trường, song dư luận khi nghe đến đây đã không thể nêu lên một suy nghĩ: Rõ ràng, việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hiện các luận văn Thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết.
Một bạn đọc lấy nick name Thanh Hòa đã gửi ý kiến về Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, việc đạo văn trong 2 đề tài nghiên cứu khoa học của vị Tiến sĩ, lãnh đạo khoa Vật lý là đã vi phạm vào các quy định đối với giảng viên không được phép làm.
Đó là một hành động gian lận, thiếu trung thực, trong học tập, nghiên cứu khoa học, và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, không còn đủ tiêu chuẩn để làm thầy, để làm giảng viên đào tạo ra giáo viên sư phạm.
Trước đây, trong một lần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã từng nói rằng, thầy cô giáo là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Người xưa đã từng có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Người thầy không chỉ đóng vai trò truyền thụ kiến thức, mà còn phải là tấm gương sáng, mẫu mực cho các thế hệ học trò noi theo, để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Vậy thì, đối với giảng viên có những hành động gian dối, thiếu trung thực kia, mà lại đang hàng ngày, hàng giờ đứng trên bục giảng, đào tạo ra chính những người làm thầy cô ở các trường, thì liệu nền giáo dục sẽ đi về đâu?
Trường học phải là nơi tôn nghiêm, dạy dỗ cho con trẻ những điều tử tế nhất. Chính vì vậy, nơi nào, cơ quan nào có thể tồn tại sự gian dối, thiếu trung thực, còn dứt khoát môi trường giáo dục không thể nào tồn tại điều này.
Đặc biệt, tại Trường Đại học Sư phạm, nơi đào tạo ra giáo viên cho cả nước thì lại càng phải trong sạch.
Do đó, hơn lúc nào hết, đây là lúc dư luận đòi hỏi lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý thật nghiêm túc, công tâm những cá nhân có sai phạm, nhằm đủ sức răn đe những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai, làm trong sạch ngành sư phạm.