Chỉ đạo mới của Bộ về dạy tích hợp theo chủ đề trong chương trình hiện hành

15/10/2017 07:00
Thùy Linh
(GDVN) - Căn cứ vào chương trình hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp...

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.

Theo văn bản này, ngày 1/9/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 5842/BGDĐT-VP về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản để dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường.

Nhằm tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai một số công việc sau:

1. Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường

Với nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành;

Điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục;

Bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; 

Giáo viên sắp xếp nội dung chương trình hiện hành thành một số bài tích hợp (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Giáo viên sắp xếp nội dung chương trình hiện hành thành một số bài tích hợp (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa.

Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn;

Từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

2. Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực;

Xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học;

Chỉ đạo mới của Bộ về dạy tích hợp theo chủ đề trong chương trình hiện hành  ảnh 2

Tích hợp liên môn từ đình làng đến cửa sông, cửa biển

Chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học;

Dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình;

Giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

3. Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá

Với nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học;

Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ban hành quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông;

Quyết định số 02/2007/QĐ-BGDĐT, Thông tư số 26/2014/TT-BGD ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông;

Chỉ đạo mới của Bộ về dạy tích hợp theo chủ đề trong chương trình hiện hành  ảnh 3

Giáo sư Thuyết hy vọng loại bỏ được nền giáo dục "ứng thí thâm căn cố đế"

Nhà trường, tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập;

Đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành (đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông).

4. Tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét, góp ý kế hoạch giáo dục của nhà trường trực thuộc để thống nhất trong quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành;

Theo dõi, giám sát quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; quản lý hoạt động dạy học, giáo dục theo các quy định hiện hành và kế hoạch giáo dục của nhà trường;

Chỉ đạo mới của Bộ về dạy tích hợp theo chủ đề trong chương trình hiện hành  ảnh 4

VNEN chưa xong lại đến chương trình sách giáo khoa mới, giáo viên khó xoay sở

Chú trọng các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục.

Các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên phải dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.

Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường thông qua hội nghị, hội thảo, học tập, giao lưu giữa các nhà trường.

Tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn trên mạng "Trường học kết nối".

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học, giáo dục của các nhà trường theo quy định hiện hành;

Có hình thức biểu dương, khen thưởng với tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai các quy định về thực hiện chương trình; dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công văn số 5842/BGDĐT-VP và công văn số 7959/BGDĐT-GDTH, gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước 30/10/2017.

Thùy Linh