Vào ngày 25/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp với Công ty cổ phần Đấu giá Số 5 - Quốc gia tổ chức, đối với quyền sử dụng đất khu đất ký hiệu ĐM1 thuộc phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm).
Theo thông tin chào mời các nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất (để thực hiện dự án đầu tư) xây dựng tại lô đất ĐM1 có diện tích 64.090m2 (6,4ha). Với giá khởi điểm là 320 tỷ đồng. Bước giá là 3 tỷ đồng.
Kết quả, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC trả 860 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần mức giá khởi điểm để giành quyền sử dụng khu đất.
Con số mà FLC đưa ra khiến các nhà đầu tư mà ngay cả các đơn vị tổ chức cũng phải choáng váng, bởi với 860 tỷ đồng thì các nhà đầu tư đều có thể sở hữu những lô đất ở khu vực có hạ tầng tốt, có giá trị sinh lời cao hơn.
Thế nhưng khu đất 64ha mà FLC trả tới 860 tỷ đồng tại phường Đại Mỗ là đất nông nghiệp, mới được giải phóng mặt bằng và môi trường sống khu vực xung quanh còn khá nghèo nàn.
Vị trí sơ đồ khu đất đấu giá FLC trúng thầu với giá lên đến 860 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay FLC mới chỉ nộp được 98 tỷ đồng. Ảnh: Thương Phạm/dauthau. |
Trong khi Đại Mỗ cũng vừa từ xã lên phường, người dân ở đây vẫn quen với tập quán làng xã, nhiều dự án bất động sản vẫn đắp chiếu, xây dựng cầm chừng thì việc FLC trả giá 860 tỷ cho lô đất trên khiến không ít người giật mình. Không ít nhà đầu tư tham gia buổi đấu giá hôm đó phải lắc đầu và tỏ ra khó hiểu.
Một số nhà đầu tư cho biết, dù đã tham gia nhiều buổi đấu giá, nhưng mức giá trúng thầu của lô đất trên là quá lớn so với giá trị thực tế của lô đất này.
Ngay cả một số cán bộ của quận Nam Từ Liêm cũng bất ngờ với con số khủng (860 tỷ) mà nhà đầu tư đưa ra để giành quyền.
Nhiều câu hỏi được đặt ra với FLC được xem như một “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản, nhưng cũng nhiều tai tiếng lại sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua một lô đất ruộng xa trung tâm nhằm mục đích gì?
Cũng có ý kiến hoài nghi và cho rằng FLC bỏ số tiền khủng trên ra mua lô đất ruộng để ủng hộ ngân sách cho quận Nam Từ Liêm hay FLC đang mưu toan mục đích khác?
Tuy nhiên, cũng có nhà đầu tư cho rằng, lô đất mà FLC trúng thầu có giá trị trong tương lai, bởi theo quy hoạch 1/500 của khu đất, đây là quỹ đất sạch để nhà đầu tư triển khai dự án.
Phía Đông Bắc giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang rộng 30m, phía Đông Nam giáp đường quy hoạch có mặt cắt ngang rộng 40m và khu đô thị Tây Nam đường 70, phía Tây Nam giáp đường quy hoạch có mặt cắt ngang 27m, phía Tây Bắc cũng giáp 1 tuyến đường quy hoạch rộng 17m.
Ngoài ra, lô đất ĐM1 cũng sở hữu vị trí khá thuận lợi và trong tương lai có thể kết nối với các chuỗi đô thị hiện đại đã hình thành ở phía Tây như chuỗi đô thị dọc đường Tố Hữu, khu trung tâm Mỹ Đình – Mễ Trì và gần vị trí mới của Bộ Ngoại giao.
Lô đất ĐM1 tại phường Đại Mỗ mà FLC trúng thầu là đất nông nghiệp, hạ tầng cở sở vật chất xung quanh lô đất này chưa có gì (ảnh minh họa). |
Mới đây, FLC cũng cho biết sẽ triển khai thực hiện trên dự án trên và sẽ sẽ xây dựng 15.000 căn hộ giá rẻ diện tích 25 - 50m2, mức giá từ 400 - 500 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang nằm trên giấy bởi FLC vẫn thưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước khi trúng thầu.
Số tiền FLC đã nộp rất ít, chỉ là 98 tỷ đồng (trong khi con số phải nộp là 860 tỷ đồng), bởi vậy cần thiết có chế tài trường hợp lợi dụng việc đấu giá vào mục đích riêng, kéo dài, làm lãng phí tài nguyên, lãng phí chi phí, công sức tổ chức đấu giá.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sáng 30/10, ông Ngô Ngọc Vân – Giám đốc Ban quản lý dự án Nam Từ Liêm cho biết: “FLC là đơn vị trúng thầu lô đất ĐM1 có diện tích 64.090m2 với giá 860 tỷ đồng.
Tại thời điểm trúng thầu FLC mới đặt cọc 48 tỷ theo quy định và sau 21 ngày theo quy định FLC phải thực hiện việc nộp số tiền còn lại.
Tuy nhiên, FLC mới nộp được 50 tỷ đồng. Như vậy đến thời điểm này FLC mới nộp được 98 tỷ đồng.
Số tiền còn lại họ chưa nộp mà trình bày đủ các lý do, theo thẩm quyền ngay sau đó chúng tôi đã báo cáo bằng văn bản lên Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.
Thành phố cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì để xem xét xử lý và có thể hủy quyết định trúng thầu của FLC”.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc FLC trả giá cao để giành thắng lợi rồi lại tìm đủ mọi lý do xin hoãn nộp tiền là một kịch bản mà nhà đầu tư này đã chuẩn bị từ trước, bởi không dễ gì người ta trả tới 860 tỷ đồng cho khu đất này.
Nếu FLC được trì hoãn nộp hàng trăm tỷ đồng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy xấu: Thứ nhất, nhà nước bị thất thu ngân sách. Thứ hai làm mất cơ hội của các doanh nghiệp khác. Thứ ba là tạo ra tiền lệ xấu, để rồi sau này nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ trây ì, tìm đủ mọi lý do xin chậm nộp tiền đấu giá.