Đề xuất hợp nhất một số Bộ, thu hồi quyết định bổ nhiệm không đúng tiêu chí

30/10/2017 11:26
Diệu Linh
(GDVN) - Ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: "Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ".

Thông tin này được thể hiện trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, được Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội - ông Nguyễn Khắc Định trình bày trước Quốc hội, sáng nay (30/10).

Báo cáo nêu rõ, tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành nên vẫn phải hội họp nhiều, quy trình xử lý công việc còn chậm.

Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều đầu mối. Cụ thể, vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.

Ở cấp địa phương thì thôn, tổ dân phố đang có xu hướng chuyển từ tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trở thành một cấp quản lý ở địa phương với cơ cấu tổ chức nhiều bộ phận, không khác nhiều so với ở cấp xã. 

Nhiều công việc của cấp xã giải quyết phải thông qua thôn, tổ dân phố. Ở một số nơi, chính quyền cơ sở còn quan liêu, xa dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ, khi xảy ra tình huống phức tạp đều phải do cấp trên xử lý, giải quyết.

Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý. 

Việc sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương tăng nhanh (năm 2011 là hơn 1,971 triệu người, đến năm 2016 là hơn 2 triệu người, tăng khoảng 5,8%).

Ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Đoàn giám sát xác định, để xảy ra những bất cập, hạn chế trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, có trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; trong xây dựng, ban hành văn bản, tổ chức thực hiện; trong giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. 

Quyết định bổ nhiệm không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ

Trước thực trạng này, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế.

Nghiên cứu điều chỉnh ngành, lĩnh vực quản lý giữa các cơ quan để xác định hợp lý số lượng các Bộ, cơ quan; nghiên cứu hợp nhất một số Bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước. 

Đề xuất hợp nhất một số Bộ, thu hồi quyết định bổ nhiệm không đúng tiêu chí ảnh 2

Ông Vũ Quốc Hùng: Tìm cán bộ cho nước cho dân, không phải do yêu hay ghét

Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ tinh gọn, giảm cấp trung gian; giảm số lượng đầu mối, giảm biên chế và cấp phó;

Không duy trì phòng trong Vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt thì phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. 

Các quyết định thành lập đơn vị, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chí phải bị thu hồi, hủy bỏ.

Đối với chính quyền địa phương thì thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân các cấp, thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân ở cấp huyện, cấp xã ở nơi có điều kiện.

Cũng theo đoàn giám sát, cần nghiên cứu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo hướng thu gọn đầu mối; thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện và tạo quyền chủ động, sáng tạo cho địa phương. 

Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.    

Áp dụng cơ chế khoán kinh phí hành chính, khoán biên chế, khoán số lãnh đạo cấp phó đơn vị trực thuộc, khoán tổ chức cho các địa phương tự chủ quyết định cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc thù địa phương.

Để tinh giản biên chế thì cần phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, công bằng, công khai về kết quả thực thi nhiệm vụ, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. 

Xây dựng tiêu chí làm cơ sở xác định đối tượng cần tinh giản một cách khoa học, chính xác, thuyết phục.

Diệu Linh