Liên quan đến đề xuất điều chỉnh giờ làm việc, rút ngắn thời gian nghỉ trưa, ngày 1/11, bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trao đổi với báo chí Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng:
“Giờ làm việc, giờ nghỉ trưa đối với lao động khối hành chính, người lao động trực tiếp khác, theo tôi phải rất linh hoạt.
Do đó, hướng chung nếu chúng ta sửa Luật Lao động cũng sửa theo hướng quy định khung. Đối với các trường hợp đặc biệt nên giao cho Chính phủ quy định.
Riêng về giờ lao động trong ngày, chúng ta phải đánh giá tác động cụ thể chứ không thể tự nhiên nghĩ ra nên thay đổi thế này, thế kia”.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (ảnh Trinh Phúc). |
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: “Chúng ta phải có nghiên cứu bài bản, có đánh giá tác động kinh tế, xã hội, yếu tố quan trọng nhất là làm sao tăng năng suất lao động.
Thời gian tới chắc chắn bộ sẽ có đánh giá nhiều vấn đề, tuổi nghỉ hưu, làm thêm giờ, điều chỉnh giờ giấc, lương cơ bản, tổng thể các vấn đề”.
Tư duy, nhận thức của một số cán bộ, công chức "ô nhiễm" đến mức đáng sợ |
Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng: “Theo tôi, đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh là có cơ sở, hợp lý.
Bởi vì, chúng ta đang sống trong một xã hội công nghiệp. Tất cả các nước công nghiệp đều bắt đầu giờ làm việc buổi sáng muộn hơn.
Họ làm việc thông trưa, thời gian nghỉ buổi trưa ngắn chứ không dài như Việt Nam.
Ở các nước phát triển, họ sinh hoạt theo thói quen văn hóa là buổi trưa chỉ ăn nhanh.
Còn nếu như ở các vùng kinh tế chưa phát triển, áp dụng đề xuất này chưa chắc người dân đã thích nghi được”.
Ông Hoàng Văn Cường phân tích: “Như tôi nói, thời gian làm việc này phù hợp với các nơi phát triển.
Bởi nếu chúng ta dồn tất cả vào cùng một giờ làm việc ở trong một thành phố đông dân, cơ sở hạ tầng chưa phát triển có thể gây áp lực với giao thông, gây ùn tắc.
Thậm chí, ở thành phố lớn còn tính đến việc lệch giờ làm việc để tránh ùn tắc. Do vậy, ở Việt Nam cần tính đến những nơi có điều kiện thì thay đổi chứ không nên áp dụng đại trà.
Lấy ví dụ như ở các trường đại học lớn thường nghỉ trưa rất ngắn. Tuy nhiên, không nhất thiết phải áp dụng tất cả như thế.
Chính vì thế, nên áp dụng phù hợp trừ các cơ quan hành chính Nhà nước phải áp dụng thống nhất một giờ để thuận tiện, thống nhất phục vụ người dân.
Các cơ quan khác hoàn toàn có thể lựa chọn giờ làm việc phù hợp nhất với họ. Đặc biệt, không chỉ áp dụng phù hợp với cơ quan mà còn theo vùng phát triển. Rõ ràng, không nên áp dụng đồng loạt nhưng đây là đề xuất tiên tiến và tương lai phải hướng tới”.
Nghỉ trưa nhiều đồng nghĩa với nghèo Ngày 31/10, tài kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh đoàn Bình Định cho rằng: “Chính phủ cần nghiên cứu để điều chỉnh giờ làm việc trên phạm vi cả nước. Trên thế giới cũng như Châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ làm việc ở cơ quan hành chính khối văn phòng, cơ sở giáo dục từ 8h30 hoặc 9h; Thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng. Thông tin tổng hợp cũng cho thấy, đất nước có thời gian nghỉ trưa kéo dài có năng suất làm việc thấp hơn các nước khác trong cùng khu vực. Trong cùng một đất nước, vùng có thời gian nghỉ trưa dài hơn thì kinh tế cũng kém phát triển hơn vùng còn lại”. Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng: “Trở lại với thực tế ở Việt Nam, hiện nay thời gian bắt đầu làm việc thường là từ 7h hoặc 7h30 đến 5h chiều. Thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Theo tôi, nếu các nước đã nghiên cứu và áp dụng giờ làm hợp lý thì chúng ta cũng cần nghiên cứu để xem khung giờ làm việc hiện nay đã tối ưu chưa, hay chúng ta cần nghiên cứu để thay đổi. Đó là giờ làm việc sẽ bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 5h chiều, thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 giờ”. |