Bộ trưởng Nhạ: Các thầy cô đứng lớp sẽ được mời phản biện chương trình mới

03/11/2017 10:56
Ngọc Quang
(GDVN) - Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, trong 5 năm tới đây sẽ tập trung đào tạo lại giáo viên, sử dụng tối đa giáo viên hiện có.

Viết sách giáo khoa không thể tùy tiện

Chiều 2/11, sau khi tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu làm rõ hơn những vấn đề các đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Nhạ nhận định, đổi mới chương trình – sách giáo khoa lần này là thách thức lớn của ngành giáo dục, chương trình và phương pháp làm sao cho học sinh phải năng động, phải sáng tạo và theo một số đại biểu nói đó là cách tiếp cận khai phóng theo quan điểm dân chủ, thực học, thực nghiệm, dân chủ. 

Nghị quyết 88 đã lường được điều này và có một yêu cầu là chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới phải phù hợp với điều kiện của ta hiện nay, chứ không phải mới có nghĩa là mới tinh. 

Vì vậy, trong quá trình chỉ đạo để triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chú trọng đến kế thừa và đổi mới. 

“Ở đây không phải chúng ta đưa một chương trình rất mới mà đổi mới ngay từ cấu trúc lại chương trình hiện hành theo hướng không phải chia cắt từng môn, theo hướng cụm các vấn đề logic với nhau và từ đấy nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp. 

Cũng là vấn đề đó, nhưng đổi mới về phương pháp thì hiệu quả rất cao theo hướng phát triển năng lực, lúc đầu rất lúng túng. 

Đây cũng là vấn đề mới, chúng tôi làm việc với các chuyên gia nước ngoài, họ cũng vậy. Hàn Quốc từ năm 1956 đến năm 2014, họ có 9 lần thay đổi, chứ không phải riêng ta, các nước cũng vậy.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy trong bối cảnh phát triển rất nhanh thì chương trình làm sao tiếp cận phải rất căn bản, nhưng phải có độ mở”, Bộ trưởng Nhạ cho biết. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết với Quốc hội, hàng năm sẽ công khai chi phí làm chương trình sách giáo khoa và các chi phí liên quan. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết với Quốc hội, hàng năm sẽ công khai chi phí làm chương trình sách giáo khoa và các chi phí liên quan. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Thiết kế theo hướng Nghị quyết 88 là những kiến thức cơ bản, nền tảng thì ổn định, có độ mở về phương pháp, dánh ra 20% để có giáo dục của địa phương, nhưng phải logic với chương trình tổng thể. 

“Đợt này chúng tôi có một đổi mới là lấy ý kiến trực tiếp của các thầy cô đang đứng lớp tham gia vào, không phải là chương trình của một số các chuyên gia. Các chuyên gia dự thảo ra còn các thầy cô đứng lớp phải tham gia thông qua giáo viên chủ chốt. 

Quá trình này chúng tôi cũng mất thời gian công phu để khi thực hiện thì không còn xa lạ nhiều với quá trình triển khai. 

Cho đến nay đã có khung chương trình tổng thể về cơ bản là ổn để trên cơ sở đấy xây dựng các chương trình môn học”, ông Nhạ khẳng định. 

Khi xây dựng môn học thử nghiệm lại quay trở về để chốt lại chương trình tổng thể, không phải cứ xong tổng thể là xong, mà khi thiết kế các môn học thì phải xem lại để điều chỉnh cho khớp với nhau  và quan trọng hơn phải phù hợp với điều kiện của đất nước.

Như vậy, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, không phải đợi đến năm 2019 mới đổi mới mà thực tế trong ngành giáo dục phải chỉ đạo đổi mới. 

Bộ trưởng Nhạ: Các thầy cô đứng lớp sẽ được mời phản biện chương trình mới ảnh 2

Triển khai ngay sách giáo khoa mới từ 2018 sẽ khó yên tâm về chất lượng

“Tới đây, chúng tôi cho phản biện và đặc biệt mời các giáo viên cốt cán ở các địa phương, các trường tham gia từ thành phố cho đến vùng hải đảo để khi chương trình đưa ra viết thì vào cuộc sống. 

Chúng tôi có hướng dẫn cách xây dựng chương trình môn học và không phải chỉ là một nhóm các nhà khoa học viết mà chúng tôi sau khi có hướng dẫn, có khung thì mời rộng rãi các giáo viên tham gia để làm sao chương trình sau đó được thẩm định. 

Cách tiếp cận vấn đề là cách làm thì chương trình đó sẽ nhẹ nhàng và phù hợp hơn, vẫn đảm bảo được nội dung tốt nhưng đẩy mạnh phương pháp và từng bước.

Không phải là chương trình cơ sở vật chất hiện đại hay phải sắm toàn bộ, mà chương trình ở đây được thực hiện trên cơ sở tổ chức lại các cơ sở vật chất hiện có và bổ sung dần.

Chúng ta không thay đổi tất cả mà là làm cuốn chiếu, bổ sung dần từng thiết bị theo từng môn, từng năm chứ không phải mua ồ ạt”, ông Nhạ cho hay. 

Về sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, xét thấy chưa có chương trình môn học và sách giáo khoa phải làm cẩn thận, cho nên chưa thể đưa chuẩn sách giáo khoa ngay, cần phải có một đề mô xong thì mới thẩm định. 

“Chúng tôi rất muốn nhiều người cùng tham gia vào sách giáo khoa, nhưng phải có khung và có sự thẩm định để đảm bảo sự thống nhất và căn bản, không phải tùy tiện. 

Đây là vấn đề rất nhạy cảm, chúng tôi cũng đã tính đến hiện trạng trăm hoa đua nở. 

Do vậy, phải tính rất kỹ đến vấn đề hướng dẫn, đảm bảo được dân chủ, nhiều người tham gia để thu hút được trí tuệ nhưng cũng phải có định hướng, tránh gây đến tình những cái không tốt cho giáo dục”, ông Nhạ cho biết. 

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khẳng định trong 5 năm tới tập trung đào tạo, bồi dưỡng lại giáo viên. ảnh minh họa: TTXVN.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khẳng định trong 5 năm tới tập trung đào tạo, bồi dưỡng lại giáo viên. ảnh minh họa: TTXVN.

Không đổi mới giáo viên, không thể thành công

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Chương trình có hay đến mấy mà giáo viên không có sự đổi mới và không quyết tâm thì cũng không thành công. 

Cho đến nay theo đánh giá của chúng tôi, rất kỹ chứ không phải chỉ có quan sát, phần lớn giáo viên của chúng ta là tâm huyết và cũng mong đổi mới chứ không phải là né tránh.

Tuy nhiên, chuẩn của giáo viên với chương trình hiện hành, với chuẩn của giáo viên đổi mới tới đây chương trình mới sẽ có cái khác. 

Chúng tôi đã tiến hành rất kỹ, nửa năm nay để rà soát lại bổ sung các thông tư về chuẩn giáo viên, chuẩn giảng viên sư phạm, chuẩn cán bộ quản lý trường học, hiệu trưởng và chuẩn cán bộ quản lý giáo dục, giám đốc sở, trưởng phòng giáo dục để có một chuẩn về nghề nghiệp”. 

Bộ trưởng Nhạ: Các thầy cô đứng lớp sẽ được mời phản biện chương trình mới ảnh 4

Nhiều đại biểu thấu cảm với Bộ trưởng Nhạ

Theo đó, xây dựng các chương trình bồi dưỡng đạt chuẩn và chủ yếu đào tạo online để cho các thày cô tự học, tự nâng cao và có hướng dẫn và sau đó tập trung, khác với cách bồi dưỡng truyền thống.

Coi trọng đến hướng phải tập huấn, bồi dưỡng, vì đội ngũ giáo viên phải được chuẩn bị kỹ.

"Chúng tôi cũng đã có chương trình Chính phủ đã phê duyệt chương trình quy hoạch các trường sư phạm, đào tạo đội ngũ giáo viên.

Gần đây, chúng tôi cũng làm rất cụ thể, tính toán nhu cầu giáo viên từng môn học và yêu cầu về chất lượng theo các chuẩn.

Sắp tới đây hướng dẫn các địa phương để sở giáo dục đào tạo của địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng với chúng tôi có kế hoạch bồi dưỡng dần.

Ở đây là chúng ta làm theo cuốn chiếu, do vậy trong chương trình của chúng ta kế thừa rất nhiều”, Bộ trưởng Nhạ thông tin. 

Tư lệnh ngành giáo dục cũng cho biết, đợt đổi mới này có cái thuận và cách làm mới là gắn các trường sư phạm với cao đẳng ở địa phương để đào tạo, bồi dưỡng lại. 

Tập trung nhiều trong 5 năm tới là đào tạo lại giáo viên chứ không phải đào tạo mới, trừ một số giáo viên trong môn mới có thể có nhu cầu, còn chủ yếu là bồi dưỡng để sử dụng tối đa giáo viên hiện có. 

Về kinh phí, Bộ trưởng Nhạ cho biết: “Đối với chương trình cho đến nay mới tiêu được 48,2 tỷ đồng, như vậy mới tiêu được hơn 2 triệu đô, không tiêu được nhiều. 

Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới có 2,3 tỷ đồng, tổng cộng hơn 50 tỷ đồng, còn lại mới đang trong quá trình kế hoạch.

Chúng tôi cam kết với Quốc hội từng năm một sẽ công khai chi phí này để giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền. 

Thực tế hiện nay đối với chương trình tổng thể mới có tiền chi cho các thầy làm chương trình, còn đối với chương trình đào tạo giáo viên, mới có tiền để xây dựng lớp bồi dưỡng, cũng chưa tiêu gì, chứ không phải nhiều tiền về vấn đề này”.

Ngọc Quang