Theo số liệu thống kê, Việt Nam đầu tư 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá việc phân bổ ngân sách còn bất hợp lý, dẫn tới hiệu quả thấp.
Cụ thể, ngân sách được phân bổ cho các cơ sở đào tạo đại học tăng hằng năm 5%-10% tùy khả năng bố trí của ngân sách, phân bổ bình quân giữa các ngành đào tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, cách phân bổ này không tạo động lực cho các trường trong việc đầu tư nâng cao chất lượng.
Được biết, tại hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay diễn ra vào ngày 18/10 vừa qua, Phó giáo sư Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính thông tin rằng:
Hiện ngân sách đang phân bổ trên số lượng sinh viên mà không quan tâm đến chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo đại học.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam đầu tư 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục. (Ảnh minh họa: Vietnam+) |
Thực tế như Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ngân sách nhà nước phân bổ cho trường lên gần 50% và hầu như toàn bộ sinh viên sư phạm trên cả nước đều được miễn học phí.
Thế nhưng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, làm trái ngành rất nhiều, chỉ một phần nhỏ làm công tác giảng dạy.
Trong khi đó có rất nhiều ngành nghề xã hội đang cần thì lại chỉ được phân bổ ngân sách ở mức 12%-15%.
Từ đó, ông Giang đề nghị nên đổi mới mô hình phân bổ ngân sách, nâng mức học phí để bù đắp chi phí đào tạo. Cùng với đó là cân nhắc điều chỉnh chính sách miễn, giảm học phí đối với sinh viên sư phạm phù hợp với yêu cầu phát triển.
Ngành giáo dục cần tinh giảm bao nhiêu biên chế quản lý? |
Khi nhu cầu giáo viên cơ bản được đáp ứng và chỉ một số ít sinh viên sư phạm được làm đúng nghề thì việc miễn, giảm học phí với sinh viên sư phạm không còn phù hợp. [1]
Về vấn đề có nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm làm trái ngành hay không, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, hiện nay có hai luồng ý kiến.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, Nhà nước xác định số lượng sinh viên sư phạm cần thiết và đặt hàng cho các cơ sở đào tạo.
Sinh viên được đặt hàng đào tạo không phải trả học phí và có trách nhiệm cam kết và thực hiện theo sự phân công của Nhà nước. Nếu không chấp hành đúng thì sẽ phải trả Nhà nước tiền đã được đầu tư.
Luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng, sinh viên học sư phạm phải nộp học phí, khi ra trường, sinh viên nào công tác trong ngành sư phạm một thời gian nhất định sẽ được Nhà nước hoàn trả học phí.
Là người đồng tình với luồng ý kiến thứ nhất, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, hiện nay ở nhiều nơi cha mẹ nuôi con đi học đại học rất khó khăn do đó Nhà nước nên đặt hàng cơ sở đào tạo, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người học.
Từ đây, ông Nhĩ khuyến cáo, trong thời gian tới, khi quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm thì cần phải nêu rõ chiến lược phát triển giáo dục phổ thông, kết cấu hệ thống, quy mô ra sao để từ đó định hướng tới số lượng học sinh, số lớp học, tính toán số giáo viên...
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì cho rằng:
“Thời gian tới cần đổi mới triệt để chính sách miễn học phí. Chúng ta chỉ nên phổ cập đại trà học phí đối với các đối tượng chính sách chứ cứ ưu tiên học phí đối với cả những gia đình có thu nhập trung bình trở lên thì không ổn”.
Nhìn nhận từ thực tế, sinh viên sư phạm được miễn học phí, ra trường không có việc làm, ông Khuyến nhấn mạnh: “Miễn học phí đối với một ngành học là vô lý, là tư duy mang tính cục bộ ngày xưa.
Còn muốn thu hút nhân tài thì cần đến chính sách sử dụng chứ không phải thu hút bằng chính sách đi học”.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/khong-mien-hoc-phi-cho-sinh-vien-su-pham-lam-trai-nganh-734328.html