Chuyện tinh giản biên chế đối với đội ngũ công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong những năm qua, chúng ta đã được nghe nhiều.
Các kế hoạch đã được đưa ra, thời gian cụ thể để ấn định số lượng tinh giản đã có. Tuy nhiên, chủ trương này vẫn chưa phát huy được hiệu quả.
Nếu có tinh giản thì chỗ này bớt được và vị trí, chỗ khác lại phình to ra vài người. Nhất là với đội ngũ lãnh đạo các ban, ngành.
Người ta vẫn tìm cách để đi đường vòng từ chỗ này để sang chỗ khác bởi động đến quyền lợi và những con người cụ thể.
Thành thử, chuyện tinh giản biên chế cũng chỉ mới chỉ dừng lại trên chủ trương và các văn bản hướng dẫn là chính.
Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Hình minh họa, nguồn: tes.com. |
Và ngày 25/10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (Nghị quyết số 19-NQ/TW) Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị quyết này đã thể hiện sự quyết tâm của Trung ương Đảng về việc tinh giản số lượng công- viên chức nhà nước nhằm hướng tới tinh gọn và nâng cao chất lượng hoạt động.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 19-NQ/TW đã chỉ rõ:
“Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao.
Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức.
Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công”.[1]
Như vậy, cùng với các văn bản trước đây, thì Nghị quyết 19 lần này đã tiếp tục khẳng định tính nhất quán trong việc tinh giản bộ máy.
Đây cũng là sự mong mỏi của toàn thể nhân dân, bởi theo chuyên gia kinh kế Phạm Chi Lan thì:
“Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức.
Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.
Giáo dục và quy luật … "Tít mù” |
Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy…”
Chúng ta còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói:
“Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”.
Và khi còn là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ông Lê Doãn Hợp nhận định: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ” [2].
Dẫn qua vài điều như vậy để thấy rằng, tinh giảm bộ máy hưởng lương khổng lồ từ ngân sách nhà nước đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết, sống còn.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trao đổi đôi điều về tinh giảm bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả và dễ nảy sinh tiêu cực trong ngành giáo dục.
Nhà báo Xuân Dương từng làm thử phép tính dựa trên những số liệu công khai không được cập nhật, và cho ra kết quả giật mình: 8 thầy cô phải "cõng" 1 cán bộ quản lý.
Đây là ngành có người đang trực tiếp hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhiều nhất. Theo con số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện nay có 1.1 triệu giáo viên từ mầm non đến phổ thông.
Những năm qua, dù thực hiện chung chủ trương tinh giản nhưng số lượng không giảm đi mà ngày càng cồng kềnh và phình ra.
Bởi có nhiều trung tâm, nhiều vị trí công việc được cơ cấu tăng biên chế nên hàng năm vẫn có nhiều người được kí hợp đồng.
Chỉ trong đầu năm học 2017-2018 này, chúng ta đã thấy có nhiều tỉnh thông báo tuyển mới hàng nghìn giáo viên, nhân viên ở nhiều cấp học.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin để viết bài này, chúng tôi đã thấy có nhiều bất cập trong việc cơ cấu, bố trí nhân sự ở một số phòng, ban của một số sở giáo dục.
Bộ máy lãnh đạo, vị trí chuyên viên ở các phòng, ban cấp sở có số lượng rất nhiều. Ngoài ra, các ở cấp phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trường học cũng thấy bố trí, sắp xếp nhân lực không hợp lí.
Nếu chúng ta muốn cơ cấu lại các phòng, ban, sắp xếp lại nhân lực ở các trường thì chúng tôi tin rằng chuyện tinh giản 10% biên chế hoặc hơn thế nữa cũng không phải là không thể.
Điều còn lại là cách làm và các ban ngành có muốn làm hay không mà thôi?
Tại sao, làm thế nào Bộ Giáo dục chuyển giáo viên sang hợp đồng lao động? |
Theo hướng dẫn hiện hành thì chỉ trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là được cơ cấu 4 phó giám đốc sở, các tỉnh còn lại không quá 3 phó giám đốc sở.
Thế nhưng, trên các Website của các sở chúng ta vẫn thấy có những tỉnh, thành có số lượng phó giám đốc không đúng với hướng dẫn hiện hành. Ví dụ như sở giáo dục thành phố Hồ Chí Minh có 5 phó giám đốc. [3]
Thông tư số: 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, tại Điều 4: Cơ cấu tổ chức của sở giáo dục và đào tạo thì các cơ quan sở giáo dục và đào tạo được tổ chức không quá 10 đơn vị, bao gồm:
a) Các đơn vị được thành lập thống nhất ở các sở giáo dục và đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Văn phòng; thanh tra; phòng tổ chức cán bộ; phòng kế hoạch - tài chính; phòng chính trị, tư tưởng;
b) Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác thuộc sở giáo dục và đào tạo được thành lập phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp giám đốc sở nội vụ trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác thuộc sở giáo dục và đào tạo. [4]
Có lẽ bởi hướng dẫn “được thành lập phù hợp với đặc điểm của địa phương” trong Thông tư này nên các phòng, ban ở sở giáo dục đã được thành lập thêm nhiều đã trở nên cồng kềnh và lãng phí.
Mỗi phòng, ban đều có một trưởng phòng và ít nhất là một phó phòng.
Không chỉ biên chế tăng lên mà có chức vụ thì ngân sách cũng phải chi thêm phụ cấp chức vụ.
Chúng tôi có tham khảo trên một số Website của một số sở giáo dục có số lượng phòng được cơ cấu trên 10 phòng, ban, thậm chí có địa phương lên đến 16 phòng, ban?!
Việc bố trí nhân sự ở các phòng, ban ở sở hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều sở giáo dục cơ cấu các phòng có số lượng lãnh đạo và chuyên viên rất đông.
Nhiều phòng có đến 2 phó phòng, thậm chí như Sở giáo dục Nam Định và Thanh Hóa có 3 tới phó chánh văn phòng [5],[6].
Riêng vị trí lái xe cũng được bố trí chưa hợp lí. Ví như ở Sở giáo dục Nghệ An có 3 lái xe, Sở giáo dục Hà Tĩnh có tới 4 lái xe [7],[8].
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sở giáo dục Vĩnh Phúc có 45 công chức và 4 lao động được ký hợp đồng.
Trong số 45 công chức, số lượng lãnh đạo từ ban giám đốc sở đến lãnh đạo các phòng ban là 38 người gồm:
1 giám đốc sở, 3 phó giám đốc sở và trưởng, phó các phòng ban; chiếm gần 85% công chức sở làm lãnh đạo. Còn lại 7 người là chuyên viên. Tính ra, cứ 1 chuyên viên thì có 5,4 lãnh đạo.
Ngoài việc bố trí nhân sự ở các phòng, ban của các sở có phần chưa hợp lí thì chúng tôi còn thấy một bất hợp lí nữa là các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề hiện nay.
Những ngộ nhận về "bỏ biên chế giáo viên" |
Mỗi tỉnh đã có một trung tâm, nhưng xuống cấp huyện, mỗi huyện lại có thêm một trung tâm nữa.
Các trung tâm ở cấp huyện thì mảng “giáo dục thường xuyên” là chịu sự quản lý của sở giáo dục và đào tạo, còn “ dạy nghề” lại chịu sự quản lý của các huyện nên tạo ra nhiều bất cập trong việc quản lí.
Còn về nhân sự, ta cứ hình dung mỗi trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề thì phải có 1 ông giám đốc và ít nhất là 2 ông phó giám đốc, các vị trí trong trung tâm giáo dục thường xuyên đều được cơ cấu đủ các chức danh làm việc.
Nhưng nhiều năm nay thực tế không ít địa phương cho thấy, chỉ có trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh còn có vài lớp học còn các trung tâm của huyện gần như không có hoạt động cụ thể.
Ngày trước, khi các trường phổ thông trung học còn ít, các em thi vào lớp công lập 10 rớt thì thường nộp đơn vào học bổ túc văn hóa hoặc một số người vì học hành dở dang nên khi đi làm thì có nhu cầu nâng cao trình độ văn hóa nên đi học.
Nhưng giờ đây, các trường cấp III chính qui đã “vét” hết các học sinh lớp 9 nên các lớp bổ túc gần như đã không mở được, hoặc lèo tèo mỗi khối 1 lớp mà số lượng học sinh/ lớp cũng rất ít.
Việc dạy nghề cũng thỉnh thoảng mới tổ chức được lớp học theo một dự án nào đó dành cho nông dân.
Đối với các em học sinh lớp 9 hay lớp 12 nếu học nghề thì các em đều vào trường nghề chính qui chứ chẳng mấy em vào các trung tâm giáo dục thường xuyên để học nghề.
Báo Hà Tĩnh mới đây đưa tin: Thưa thớt học sinh, các trung tâm GDNN - GDTX “chết lâm sàng”!
Thành ra chúng ta không chỉ lãng phí về nhân lực mà vô cùng lãng phí về cơ sở vật chất, nhiều nơi đầu tư nhiều, hoành tráng rồi bỏ không!
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các dự án trường học được xây dựng bằng ngân sách nhà nước sau đó hoạt động nhỏ giọt, bỏ hoang hay không thể đưa vào sử dụng như:
Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng. Cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy ở đây khá khang trang.
Điều đáng nói, trong khi trung tâm hiện chỉ có 20 học sinh nhưng vẫn phải bố trí 16 cán bộ, giáo viên và nhân viên để phục vụ công tác giảng dạy.
Thử hỏi chừng ấy học sinh mà phải bố trí chừng ấy con người có lãng phí không?
Chỉ duy trì hoạt động của một trung tâm bằng 20 học sinh mà mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi hàng tỉ đồng cho việc chi trả lương và duy trì hoạt động có đáng không?
Cả nước hiện có 713 huyện mà thường mỗi huyện phải duy trì 1 trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề thì lãng phí biết chừng nào?
Đó là chưa kể các trường trung học phổ thông thời gian qua cũng mở khá nhiều.
Thường mỗi huyện, thị có từ 3-5 trường công lập. Nhiều huyện có số dân ít nhưng lại có nhiều trường trung học phổ thông nên mỗi trường chỉ có vài trăm học sinh.
Nhưng cơ cấu các chức danh vẫn phải đầy đủ như các trường lớn. Vậy vì sao những nơi khó khăn, mật độ dân số ít, chúng ta không duy trì mô hình trường cấp 2-3 mà phải tách để làm gì?
Ngày trước, đa số mỗi tỉnh đều có trường cao đẳng sư phạm hoặc trung cấp sư phạm. Nhưng những năm qua, các trường này đều nâng cấp thành các trường đại học.
Trong bối cảnh hiện nay, các trường sư phạm tuyển sinh èo uột. Nhiều ngành không tuyển được chỉ tiêu, nhiều ngành khác phải đào tạo cầm chừng vì đào tạo xong là …thất nghiệp.
Vậy nhưng chúng ta vẫn đang phải đóng thuế duy trì bộ máy nhân lực của các trường sư phạm. Càng duy trì, càng tuyển sinh để đào tạo thì sinh viên ra trường lại càng thất nghiệp nhiều và hệ lụy cho xã hội là vô cùng lớn.
Sinh ra nhiều phòng, ban, sinh ra nhiều trường học hay các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề cũng đồng nghĩa phải cơ cấu đủ bộ máy hoạt động.
Nhân sự con người tăng lên, ngân sách phải đầu tư nhưng cũng chừng ấy công việc thì sự lãng phí là vô cùng lớn.
Vì thế, việc tinh giản bộ máy, tinh giản nhân lực ngành giáo dục là cần thiết để giảm biên chế, giảm chi tiêu ngân sách là đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và cũng là mong muốn của toàn thể nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
[1] Nghị quyết 19-NQTW-2017
[3]http://hcm.edu.vn/co-cau-to-chuc-cctc39752.aspx
[5]http://namdinh.edu.vn/about/Co-cau-to-chuc/
[7]http://nghean.edu.vn/co-cau-to-chuc/cac-phong-ban-so/van-phong/nhan-su-van-phong-so
[8]https://hatinh.edu.vn/co-cau-to-chuc