Không cho dân tố cáo cán bộ về hưu, hóa ra ta làm đường băng để hạ cánh an toàn?

09/11/2017 09:21
XUÂN QUANG
(GDVN) - Thực tế, đã có nhiều trường hợp cán bộ cấp cao về hưu vẫn bị xử lý kỷ luật. Do đó, nếu không cho dân tố cáo cán bộ về hưu rất dễ bỏ lọt tội.

Cho phép tố cáo cán bộ công chức nghỉ hưu sẽ khiến tình hình phức tạp? 

Thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi sáng 8/11, Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, không nên điều chỉnh đơn thư tố cáo với cán bộ nghỉ hưu vì sẽ khiến tình hình phức tạp.

Đại biểu Nghĩa nói:“Tôi nghĩ cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ, có những vụ việc thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp, do đó nếu cho phép sẽ ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu”.

Đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh): Ảnh tư liệu đăng trên htv.com.vn
Đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh): Ảnh tư liệu đăng trên htv.com.vn

Ông Nghĩa cũng cho rằng có những cán bộ có năng lực, có nhiều cống hiến, có nhiều thành tích trong quá trình công tác nhưng nghỉ hưu rồi hay có những đơn tố cáo lợi dụng để hạ uy tín cán bộ. 

"Do đó không nên đưa việc tố cáo hành vi cán bộ công chức viên chức nghỉ hưu" - ông Nghĩa nhắc lại.

Trước đó, đầu giờ sáng ngày 8/11, trình báo báo cáo thẩm tra dự án luật Tố cáo (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng khi thấy có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người tố cáo báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn, khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm và cuối cùng mới là xử lý đối với người vi phạm (người bị tố cáo).

Không cho dân tố cáo cán bộ về hưu, hóa ra ta làm đường băng để hạ cánh an toàn? ảnh 2

Thanh tra chính phủ không muốn tiếp nhận tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử

Vì vậy, khi tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ bất kể người có hành vi vi phạm còn đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý và giải quyết theo quy định của luật Tố cáo và pháp luật có liên quan.

Do đó, tuy không cần ghi ngay tại điều 1 về phạm vi điều chỉnh nhưng việc quy định rõ trong luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Ủy ban Pháp luật, đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Chưa phù hợp

Thực tiễn có thể thấy, không ít cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao vừa về hưu đã bị phát hiện có vi phạm trong quá trình quản lý điều hành thời điểm đương chức.

Trong số đó, có những cán bộ bị kỷ luật nghiêm khắc, công khai trước dư luận về hành vi vi phạm.

Một số quan điểm cho rằng, nguyên nhân của việc chậm trễ phát hiện cán bộ vi phạm là do người được giao nhiệm vụ không làm đúng, đủ trách nhiệm, hoặc năng lực hạn chế.

Thậm chí người trực tiếp làm nhiệm vụ có thể chịu sự tác động nào đó, chứ chưa nói đến chuyện tiêu cực hay không. 

Do đó, nếu hạn chế, hoặc không để người dân tố cáo cán bộ về hưu, trong trường hợp phát hiện người đó có dấu hiệu vi phạm thì rất dễ bỏ lọt tội phạm. 

Luật sư Phan Xuân Xiểm – nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Bạch Đằng/giaoduc.net.vn.
Luật sư Phan Xuân Xiểm – nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Bạch Đằng/giaoduc.net.vn.

Phân tích thêm về việc này, Luật sư Phan Xuân Xiểm – nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng:

"Quy định của Đảng đã nêu rất rõ, kể cả cán bộ chuyển công tác, hoặc đã nghỉ hưu, nếu phát hiện những vi phạm lúc đương nhiệm, thì vẫn xem xét, xử lý.

Thực tế trong thời gian vừa qua, chúng ta đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao về hưu như trường hợp của ông Trần Văn Truyền - nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ; ông Vũ Huy Hoàng - cán bộ công tác tại Bộ Công Thương... có vi phạm trong quá trình quản lý, điều hành.

Không cho dân tố cáo cán bộ về hưu, hóa ra ta làm đường băng để hạ cánh an toàn? ảnh 4

Cán bộ yếu, bản lĩnh kém rất sợ đối thoại với dân

Việc cơ quan có thẩm quyền làm rõ sai phạm của các cán bộ thời điểm họ còn đương chức sẽ tạo tiền lệ tốt cho việc xử lý cán bộ vi phạm dù họ là ai, từng đảm nhiệm cương vị gì", Luật sư Xiểm nói.

Từ những phân tích trên, Luật sư Xiểm cho rằng, nếu quy định hạn chế hoặc không cho người dân tố cáo cán bộ về hưu thì chưa phù hợp.

Thậm chí điều này có thể hạn chế quyền giám sát của nhân dân trong việc đấu tranh ngăn chặn hành vi có dấu hiệu tiêu cực của cán bộ, kể cả những người đã về hưu.

"Nếu người dân tố cáo có cơ sở, thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên, phải xem xét, xử lý theo quy định.

Còn nếu không cho phép tố cáo cán bộ thì đó là tư tưởng hữu khuynh, thiếu trách nhiệm", Luật sư Phan Xuân Xiểm nêu quan điểm.

Ông Xiểm cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng, "Cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ, có những vụ việc thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp, do đó nếu cho phép sẽ ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu".

Theo Đại biểu Thích Nữ Tín Liên (thành phố Hồ Chí Minh) nếu không cho tố cáo cán bộ công chức nghỉ hưu sẽ dẫn đến lọt tội.

"Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xem xét những dấu hiệu vi phạm của cán bộ đã nghỉ hưu thì người ta sẽ đối chiếu những hành vi có dấu hiệu vi phạm của cán bộ thời điểm đương nhiệm với pháp luật thời điểm đó, chứ không đối chiếu theo các quy định hiện hành để xử lý.

Mặt khác, khi cơ quan có thẩm quyền xem xét nội dung tố cáo của công dân thì người ta phải căn cứ vào những chứng cứ, quy định của pháp luật trong việc xử lý thông tin tố cáo.

Nếu tố cáo không đúng thì cấp có thẩm quyền có thể gặp gỡ, trao đổi với người tố cáo giải thích cho dân hiểu. 

Nếu có việc người dân lợi dụng chuyện tố cáo để hạ uy tín cán bộ thì cấp có thẩm quyền phải đưa ra bằng chứng chứng minh, mới có căn cứ để xử lý người ta được", Luật sư Phan Xuân Xiểm nhận định.

XUÂN QUANG