Đôi điều trao đổi cùng tác giả Hữu Sơn về vấn đề thanh tra trường học

10/11/2017 07:21
Nhật Duy
(GDVN) - Dân gian lâu nay vẫn truyền tai nhau câu thơ trào phúng: “Thanh tra, thanh chiếc, thanh gì/ Nếu có phong bì là có thank you”.

LTS: Không đồng tình với quan điểm của tác giả Hữu Sơn trong bài viết “Các thầy cô hãy tự trách mình sao lại trách thanh tra?”, thầy giáo Nhật Duy đã có bài viết trao đổi, phản biện với tác giả.

Tôn trọng tranh luận đa chiều, tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài viết “Các thầy cô hãy tự trách mình sao lại trách thanh tra?” đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 8/11/2017, dù có một số điểm thống nhất với nhận định của tác giả Hữu Sơn nhưng có nhiều điều chúng tôi không đồng tình.

Có phải giáo viên dưới cơ sở khi thấy thanh tra về thì “ngoan ngoãn, vâng vâng, dạ dạ, thậm chí nịnh nọt” rồi tiếp theo là “mời họ đi ăn uống, đưa phong bì” không?

Chúng tôi nghĩ giáo viên không phải là những người có tính cách và hành động tầm thường đến như vậy.

Chuyện thanh, kiểm tra các đơn vị cơ sở là việc làm thường xuyên hàng năm của ngành. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Chuyện thanh, kiểm tra các đơn vị cơ sở là việc làm thường xuyên hàng năm của ngành. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Chuyện thanh, kiểm tra thì ngành nào cũng có chứ không riêng ngành giáo dục.

Và, chuyện thanh, kiểm tra các đơn vị cơ sở là việc làm thường xuyên hàng năm của ngành.

Vì thế, chuyện thanh tra đến và đi không ảnh hưởng nhiều đến giáo viên.

Nhất là từ ngày 4/12/2013, Bộ Giáo dục đã ban hành Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT, Hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục thì việc thanh, kiểm tra chủ yếu là đối với những người đứng đầu như các thành viên Ban giám hiệu và các tổ trưởng chuyên môn.

Nếu có dự giờ giáo viên thì cũng chỉ là để kiểm tra, đánh giá công tác chỉ đạo, quản lí của nhà trường.

Sau khi dự giờ, cán bộ thanh, kiểm tra có thể nhận xét với giáo viên được dự giờ hoặc không cũng chẳng sao bởi người ta sẽ đánh giá nhận xét lãnh đạo, quản lí nhà trường.

Vì vậy, so với trước đây là thanh tra toàn diện giáo viên thì bây giờ công việc này đã giao lại cho nhà trường thực hiện trong công tác kiểm tra nội bộ.

Vì thế, chúng tôi muốn trao đổi với tác giả Hữu Sơn một số điểm mà tác giả đã đề cập trong bài viết “Các thầy cô hãy tự trách mình sao lại trách thanh tra?” như sau:

Thứ nhất, chúng tôi không đồng tình với nhận định: “Có một số giáo viên nhận thức chưa tới nên nghĩ rằng thanh tra, kiểm tra của cấp trên về là để hạch sách, bới lông tìm vết, làm khó nhà trường, giáo viên khiến họ lo lắng, mệt mỏi, áp lực, mất ăn mất ngủ bao đêm”.

Đôi điều trao đổi cùng tác giả Hữu Sơn về vấn đề thanh tra trường học ảnh 2

Bộ Giáo dục chỉ đạo thanh tra việc dạy thêm và thu chi đầu năm học

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, việc đổi mới thanh tra đã được triển khai mấy năm gần đây và được các đơn vị triển khai cụ thể trong các cuộc họp nên tác giả cũng đừng lo “giáo viên nhận thức chưa tới”.

Nói như vậy là vô tình đã xúc phạm giáo viên dưới cơ sở.

Thứ hai, tác giả Hữu Sơn cho rằng “Nếu không có thanh tra, kiểm tra gì hết, để mặc các đơn vị dưới này tự tung, tự tác thì càng nguy hiểm hơn.

Vì khả năng quản lý, năng lực chuyên môn của các thầy cô giáo không đồng đều nhau, có đơn vị, có người làm rất tốt, có đơn vị, có người làm rất tệ động đâu sai đó”.

Tôi đồng tình với tác giả là “năng lực chuyên môn của các thầy cô giáo không đồng đều nhau” nhưng tôi xin hỏi lại tác giả Hữu Sơn một câu là:

Tại sao năm nào cũng thanh, kiểm tra mà lại có trường trường học “rất tệ” như nhận định của tác giả để rồi khi thanh tra thì “động đâu sai đó”?

Bởi tác giả đã tự lí giải ở phần trên bài viết này là “Nhờ có hoạt động này mới kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, sai phạm, hời hợt của ban giám hiệu, thầy cô giáo, nhân viên về quản lý tài chính, về hồ sơ sổ sách, về chuyên môn”?

Và, nếu “rất tệ” thì công tác tổ chức cán bộ của ngành, của địa phương sẽ đánh giá sao đây?

Thứ ba, tác giả đặt vấn đề là: “Khi đoàn thanh tra đến thì ai nấy đều ngoan ngoãn, vâng vâng, dạ dạ, thậm chí nịnh nọt, tâng bốc các thành viên của đoàn thanh tra lên tận mây xanh, nào là tụi em đã nghe danh tiếng, tài năng của anh đã lâu, nay mới có cơ hội được gặp, được học hỏi, giao lưu.

Nào là chị quá lịch thiệp, xinh xắn, chúng em có gì sai sót, chị cứ thoải mái góp ý, phê bình, chúng em xin lĩnh ý và hoàn chỉnh ngay”.

Ôi, đã là thanh tra thì phải căn cứ vào các văn bản pháp qui để thực hiện nhiệm vụ của mình, cớ sao lại sa vào mấy lời “nịnh nọt” của giáo viên nhỉ?

Vì thế, bạn đọc sẽ đánh giá năng lực của cán bộ thanh tra ngành mình là thích nghe lời “nịnh nọt” sao tác giả Hữu Sơn?

Đôi điều trao đổi cùng tác giả Hữu Sơn về vấn đề thanh tra trường học ảnh 3

Bàn thêm về chuyện Phòng về thanh tra

Thứ tư, tác giả cảm thán rằng “Còn chuyện chi phí, ăn uống, chỗ nghỉ ngơi, bồi dưỡng cho các thành viên trong đoàn thanh tra, kiểm tra cũng do lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo tự bày vẽ ra, chứ có mấy ai trong đoàn thanh tra gợi ý, đòi hỏi, bắt buộc đâu.

Họ đến làm việc ở các cơ sở giáo dục đã có chế độ bồi dưỡng, công tác phí của Nhà nước rồi.

Nhà trường lo cho họ, mời họ đi ăn uống, đưa phong bì cho họ khi kết thúc đợt thanh tra thì đừng có rên rỉ, trách cứ làm gì”.

Rõ ràng, cách đặt vấn đề của tác giả cho chúng ta thấy những góc khuất trong công tác thanh, kiểm tra của một số cán bộ thanh tra ở các địa phương.

Nhưng, nếu ngành muốn làm nghiêm, muốn trong sạch và không để xảy ra tình trạng này thì khi cấp sở, phòng giáo dục ban hành các kế hoạch thanh, kiểm tra đầu năm chỉ cần ghi chú:

Các trường không được mời cơm, không được đưa phong bì cho cán bộ thanh tra”.

Khi về trường, lúc công bố kế hoạch thanh tra thì trưởng đoàn tuyên bố: "Trường không phải đón tiếp, không được trao đổi gặp gỡ riêng với cán bộ thanh tra" thì lãnh đạo nhà trường và giáo viên dưới cơ sở có dám làm không?

Đằng này, thanh tra ít nhất cũng 1 ngày, chẳng lẽ buổi trưa nhà trường không mời cơm?

Mà mời thì tất nhiên phải tốn tiền thì khi thanh tra đi họ “rên rỉ, trách cứ” cũng là chuyên bình thường thôi.

Chẳng thế mà dân gian lâu nay vẫn truyền tai nhau câu thơ trào phúng: “Thanh tra, thanh chiếc, thanh gì/ Nếu có phong bì là có thank you” là gì?

Cuối cùng, có lẽ tôi và tác giả Hữu Sơn cũng như hàng triệu giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục luôn mong muốn môi trường giáo dục trong sạch.

Mỗi cán bộ, giáo viên phải thực sự là tấm gương sáng tự học, tự sáng tạo để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong quá trình đổi mới giáo dục.

Và, chúng ta luôn hy vọng mỗi khi cấp trên về thanh tra làm đúng chức năng, quyền hạn của mình, không bị chi phối bởi những chiếc phong bì hay bữa cơm mời nhau để chúng ta tự hào về thanh tra của ngành mình và cũng đỡ phải tranh luận như thế này nữa.

Nhật Duy