Tuổi về hưu - Giáo sư ở Cộng hòa Liên bang Đức nghỉ hưu thế nào?

14/11/2017 07:17
Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Ở Đức, giáo sư có phải về hưu không? Đã về hưu thì giáo sư còn được gọi là giáo sư hay không? Tiêu chuẩn để được phong học hàm giáo sư thế nào?...

LTS: Là một nhà giáo đã về hưu tại Cộng hòa Liên bang Đức, tác giả Đinh Tuyết Mai tiếp tục gửi đến độc giả những thông tin về tuổi nghỉ hưu của các giáo sư tại đất nước châu Âu này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đợt về thăm quê hương Việt Nam vừa qua, tôi đã gặp gỡ, chuyện trò rất thân thiện, cởi mở với nhiều bạn gái cùng học đại học ngày xưa và nhiều cháu gái thuộc thế hệ con cháu của các chị. 

Mọi người thổ lộ những điều băn khoăn và day dứt dưới góc độ nhìn nhận của từng lứa tuổi, đặc biệt là phàn nàn của nhiều nữ giáo viên phổ thông và giảng viên trường đại học, đã phải về hưu khi đầy 55 tuổi. 

Những bạn gái này nhìn còn rất trẻ trung, khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

Con cái thì đều đã trưởng thành và có cuộc sống tự lập riêng, do vậy các chị thường có cảm giác chua xót như là “người thừa của xã hội”.

Mặt khác, rất nhiều chị trước khi về hưu đã là giảng viên trường đại học, băn khoăn muốn biết: ở Đức, giáo sư có phải về hưu không?

Đã về hưu thì giáo sư còn được gọi là giáo sư hay không? Tiêu chuẩn để được phong học hàm giáo sư thế nào?...

Và còn nhiều câu hỏi tương tự khác xung quanh chủ đề này. 

Chị em muốn biết rõ trình độ thực sự của giáo sư và tiến sĩ ở Đức. Bởi vì, mọi người đều rất bất bình về hiện tượng đào tạo “tiến sĩ giấy” và “thạc sĩ giấy” hiện nay ở nước nhà…

Qua thực trạng kể trên, tôi cảm thấy vừa buồn vừa vui, vui mừng vì tôi đã trực tiếp nhìn và nghe thấy lòng khao khát hiểu biết và sự đối xử công bằng trong xã hội của phụ nữ. 

Để đáp ứng được yêu cầu này của dân thì đây là trách nhiệm của ngành giáo dục dân trí.

Việc trả lời các câu hỏi này là trách nhiệm của các bộ chủ quản kết hợp với các phương tiện truyền hình, đài, báo chí và hoạt động ngoại khóa của trường học…

Để góp phần giúp đỡ các bạn gái, tôi xin gửi tới bạn đọc trong nước những thông tin mới nhất tại Cộng hòa Liên bang Đức và các nước tiên tiến trên thế giới, xung quanh chủ đề này. 

Tôi hy vọng rằng với tinh thần học hỏi nhanh và chí tiến thủ cao của dân Việt, Nhà nước và các bộ chủ quản sẽ sớm đáp ứng được những nguyện vọng của dân, trả lời các câu hỏi trên và những câu hỏi tương tự trong lĩnh vực giáo dục dân trí Việt Nam.

Tuổi về hưu

Qui luật tạo hóa đã được khoa học chứng minh: sinh - lão - bệnh - tử.

Dù là các nhà bác học uyên bác, các chính trị gia nổi tiếng hay những người lao động bình dân như nhân viên tạp dịch, tất cả mọi người đều sẽ già… rồi phải chết. 

Xã hội càng phát triển, mức sống càng cao thì bình quân tuổi thọ của mọi người càng được tăng. Tuổi thọ tăng lên thì khả năng và thời gian làm việc của con người cũng tăng lên.

Theo điều tra thống kê của tiểu bang Baden-Wuertemberg, Cộng hòa Liên bang Đức, tuổi thọ bình quân theo đầu người được thể hiện qua bảng số liệu sau:

Tuổi thọ bình quân từ năm 1970 đến 2014 tại tiểu bang Baden-Wuertemberg, Cộng hòa Liên bang Đức

Khoảng thời gian

Nam giới

Nữ giới

1970 - 1972

68,5

74,5

1993 - 1995

74,5

80,9

2012 - 2014

79,5

83,9

Chính phủ Đức và các nước tiên tiến khác ở châu Âu đã nhìn thấy kịp thời vấn đề này. 

Vì vậy, sau Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp rồi các nước khác nữa đã tuần tự thay đổi luật hưu trí, kéo dài tuổi lao động cho mọi người. 

Cách đây 7 năm, tuổi về hưu của người Đức là 65. Hiện nay tuổi làm việc sẽ từ từ tăng dần và bắt đầu từ năm 2031 trở đi, người Đức phải làm việc đến 67 tuổi mới được về hưu.

Không có sự phân biệt tuổi về hưu cho phụ nữ và nam giới. 

Professor i. R. - Giáo sư đã nghỉ hưu
Professor i. R. - Giáo sư đã nghỉ hưu

Ở Việt Nam, tuổi về hưu hiện nay vẫn là 55 cho phụ nữ và 60 cho nam giới. 

Ba câu hỏi cần đặt ra tại thời điểm này:

1) Tại sao nền kinh tế của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây tăng trưởng rất nhanh, mức sống của dân được cải thiện rất nhiều, tuổi thọ của dân Việt tất nhiên cũng tăng lên rõ rệt, song tuổi về hưu ở Việt Nam vẫn không thay đổi?

Có nhất thiết phụ nữ phải về hưu 5 năm trước nam giới không?

2) Với độ tuổi 55, phụ nữ Việt Nam đã phải về hưu, như vậy có quá sớm hay không?

3) Ở Việt Nam, ai đã có học hàm Professor (Giáo sư), có phải về hưu không?

Trình độ giáo sư ở Đức – Giáo sư nghỉ hưu như thế nào?

Giáo sư làm việc ở các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu ở Cộng hòa Liên bang Đức là những nhà khoa học đầu ngành.

Cả cuộc đời, họ đã cống hiến rất nhiều trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học tại nước Đức nói riêng và cho thế giới nói chung. 

Những giáo sư đang làm việc thì được ghi chức danh "Professor".

Tuổi về hưu của giáo sư cũng giống như những người lao động khác, theo đúng luật hưu trí hiện hành tại Đức. 

Khi nghỉ hưu, họ cũng hưởng lương hưu theo đúng luật hưu trí. Từ thời điểm nghỉ hưu, giáo sư sẽ có chức danh “Professor i.R.” (Professor im Ruhestand) - Giáo sư đã nghỉ hưu. 

Tương tự như cách gọi chức danh cho các vị chủ tịch nước hoặc tổng thống một quốc gia trên thế giới.

Sau một số nhiệm kỳ, nguyên thủ một quốc gia phải chuyển quyền lực lãnh đạo cho chính trị gia vừa thắng cử. 

Ví dụ: Ở Đức, người đứng đầu quốc gia được gọi là Kanzler - Thủ tướng.

Trước khi bà Angela Merkel nhận chức, Thủ tướng của Cộng hòa Liên bang Đức là ông Gerhard Schroeder.

Hiện nay ông Schroeder được gọi là cựu Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức. 

Tổng thống Obama ở Mỹ đã phải chuyển quyền lực cho tân Tổng thống Donald Trump sau cuộc bầu cử ở Mỹ dịp đầu năm 2017 vừa qua.

Hiện nay ông được gọi là cựu Tổng thống Mỹ Obama.

5 vị cựu Tổng thống Mỹ: George H. W. Bush, Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton và Jimmy Carter trong cuộc vận động quyên góp tiền giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão lụt ở bang Texas vừa qua vào tháng 10/2017
5 vị cựu Tổng thống Mỹ: George H. W. Bush, Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton và Jimmy Carter trong cuộc vận động quyên góp tiền giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão lụt ở bang Texas vừa qua vào tháng 10/2017

Giáo sư đã nghỉ hưu, nếu sức khỏe còn cho phép, họ vẫn thỉnh thoảng nhận lời mời tham gia giảng dạy tại trường đại học và được gọi là “Giáo sư được mời giảng”.

Ngoài ra họ còn được mời làm tư vấn cho các hội đồng khoa học, làm phản biện cho các luận án Tiến sĩ... 

Tiền chi trả cho những công việc này của giáo sư được gọi là Honoras. Đôi khi các giáo sư đã về hưu tình nguyện làm việc danh dự, không nhận Honoras.

Giáo sư đã nghỉ hưu đang tư vấn cho đồng nghiệp trẻ
Giáo sư đã nghỉ hưu đang tư vấn cho đồng nghiệp trẻ

Ví dụ một giáo sư rất có uy tín ở Đại học tổng hợp Stuttgart, đã nghỉ hưu có tiểu sử như sau:

Prof. Dr. Dr. i.R. Dieter H. Wolf

Ông chào đời ngày 18/09/1941 tại Frankfurt am Main, Cộng hòa Liên bang Đức.

Từ ngày 19/9/2011 ông đã nghỉ hưu ở Stuttgart. (Professor i.R.).

Thỉnh thoảng, khi Đại học tổng hợp Stuttgart có yêu cầu và gửi giấy mời, ông vẫn sẵn sàng tham gia giảng dạy, phản biện luận án Tiến sĩ hoăc tư vấn cho thế hệ trẻ trong lĩnh vực chuyên môn.

1962 – 1965: Học ngành kỹ thuật công nghệ Hoá tại Đại học kỹ thuật tổng hợp-TU Karlsruhe

1966 – 1968: Học chuyên sâu và làm luận án Diplom tại Đại học kỹ thuật tổng hợp-TU Munich

1968 – 1972: Làm luận án Tiến sĩ cấp I, tại Viện Hoá sinh, Đại học tổng hợp-Uni Freiburg

1972: Promotion - Ph.D. (Dr.) Biochemistry - Uni Freiburg (tiến sĩ cấp I)

1973-1975: Post Doctoral Research Fellow, Yeast Genetics - Cornell University, Ithaca, N.Y., USA.

1987: Habilitation, Biochemistry - Uni Freiburg (Tiến sĩ cấp II)

1989: Được phong học hàm Professor ; Từ đó ông làm việc ở Đại học tổng hợp (Uni) Stuttgart, “Viện kỹ thuật công nghệ hóa sinh” cho đến khi về hưu.

1989 – 2011: Giáo sư, Chủ tịch kiêm Giám đốc Viện Hóa sinh - Đại học tổng hợp Stuttgart (Professor, Chair and Director of the Institute of Biochemistry – Uni Stuttgart)

1994 – 1995: Chủ nhiệm khoa Hóa - Đại học tổng hợp Stuttgart (Dean of the Faculty of Chemistry - Uni Stuttgart)

Ngoài công tác giảng dạy và đào tạo, ông đã xuất bản nhiều tác phẩm khoa học và các bài báo ở trong và ngoài nước về chuyên ngành có giá trị thực tiễn cao.

Professor Dr. Dr. i. R. Dieter H. Wolf
Professor Dr. Dr. i. R. Dieter H. Wolf


Giáo sư và Tiến sĩ danh dự đã nghỉ hưu:

Trong một số trường hợp ngoại lệ, các trường đại học ở Cộng hòa Liên bang Đức và ở nhiều nước trên thế giới cấp học hàm “Giáo sư danh dự” hoặc cấp học vị “Tiến sĩ danh dự” cho những nhà khoa học có cống hiến vĩ đại trong lĩnh vực kinh tế, chính trị hoặc kỹ thuật… cho nước Đức hoăc cho toàn cầu. 

Mặc dù những nhà khoa học này không đủ thời gian để viết và bảo vệ chính thức luận án tiến sĩ cấp II (Habilitation).

Song, kết quả nhiều công trình nghiên cứu của họ có giá trị thực tiễn rất cao, được thế giới công nhận và áp dụng.

Vì vậy họ sẽ được các trường đại học trên thế giới phong tặng:

*Học hàm Professor với chức danh “Giáo sư danh dự”; được viết là “Professor E.h.”.

*Học vị Tiến sĩ với chức danh “Tiến sĩ danh dự”; được viết là Dr. h.c. E.h.
Giải thích cho các chữ viết tắt: E.h. (Ehren halber); h.c. (honoris causa).

Một giáo sư danh dự và đồng thời là tiến sĩ danh dự; đã về hưu ở Đức có tiểu sử như sau:

Prof. Dr.-Ing., Prof. E.h. Dr. h.c. E.h. Engelbert Westkämper i.R.

Ông chào đời vào 7/3/1946 ở Schloss Neuhaus, Paderborn, Cộng hòa Liên bang Đức

1967 – 1973: Học ngành chế tạo máy ở Đại học kỹ thuật Aachen, Cộng hòa Liên bang Đức, Bằng tốt nghiệp Kỹ sư chế tạo máy (Diplomingenieur)

1973 – 1977: Kỹ sư nghiên cứu tại phòng thí nghiệm chế tạo máy, Đại học kỹ thuật Aachen

1977: Promotion, bảo vệ luận án tiến sĩ cấp I: Dr.- Ing. tại trường Đại học Aachen

1977 – 1986: Trưởng phòng kỹ thuật một nhà máy cơ khí chế tạo ở Munich

1987 – 1988: Giám đốc trung tâm kỹ thuật sản xuất và nghiên cứu ở Frankfurt

1988 – 1995: Giám đốc viện nghiên cứu chế tạo máy và tổ trưởng bộ môn ở Trường Đại học tổng hợp - TU Braunschwein

1995 – 2011 : Giám đốc viện nghiên cứu chế tạo máy công nghiệp và tổ trưởng bộ môn ở Trường Đại học tổng hợp Stuttgart.

Giám đốc viện kỹ thuật sản xuất và tự động hóa nổi tiếng “Fraunhofer Institut” Stuttgart

2001 – 2002 : Trưởng khoa thiết kế và chế tạo ở Đại học tổng hợp Stuttgart.

2002 – 2006 : Trưởng khoa chế tạo máy ở Đại học tổng hợp Stuttgart

2004 – 2007 : Thành viên của chủ tịch liên hiệp kỹ thuật sản xuất FhG

2007 – 2012 : Chủ tịch của “Graduate School of Excellence for advanced Manufacturing Engineering GsaME” tại Trường Đại học tổng hợp Stuttgart

8/3/2012 : Professor i.R. - Giáo sư đã nghỉ hưu

Giáo sư Engelberg Westkaemper đã nghỉ hưu
Giáo sư Engelberg Westkaemper đã nghỉ hưu

Các công trình đã được công bố và xuất bản của Prof. Westkaemper:
 
Từ 1973 đến nay ông đã công bố và xuất bản khoảng 900 tác phẩm ở dạng sách hoặc bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành chế tạo máy trong nước và trên thế giới. 

Từ năm 1987 đến nay ông đã hướng dẫn khoảng 300 luận án tiến sĩ cấp I (Promotion) tại 2 Trường Đại học tổng hợp Braunschwein và Uni Stuttgart, Cộng hòa Liên bang Đức.

Học hàm “Giáo sư danh dự” và học vị “Tiến sĩ danh dự” cho Prof. Westkaemper:

Mặc dù Dr.-Ing. Engelbert Westkämper chỉ bảo vệ tiến sĩ cấp I vào năm 1977 tại Đại học kỹ thuật Aachen, song ông đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị lớn cho chuyên ngành chế tạo máy, được nước Đức và thế giới đánh giá cao.

Vì vậy ông đã được phong, tặng học hàm và học vị danh dự như sau:

1994: Doctor honoris causa (Dr. h.c.) tại Đại học tổng hợp kỹ thuật Cluj Napoca, Rumania

1999: Professor Ehren halber (Prof. E. h.) tại Đại học Công nghệ Sắt Thép, Bao Đầu, Nội Mông, Trung Quốc (University of Iron & Steel Technology, Baotou, Innere Mongolei, China)

2000: Dr.-Ing. Ehren halber (Dr. -Ing. E.h.) tại Đại học tổng hợp Magdeburg, Cộng hòa Liên bang Đức

2003: Dr. honoris causa (Dr. h.c.) tại Đại học tổng hợp kỹ thuật Charkov, Ucraine

Đinh Tuyết Mai