LTS: Giới thiệu đến bạn đọc bài viết về Trường Đại học Tổng hợp Heidelberg - nơi đào tạo tiến sĩ nhiều và tốt nhất tại Đức, nhà giáo Đinh Tuyết Mai từ Cộng hoà Liên bang Đức hy vọng những thông tin này sẽ giúp những nhà quản lý giáo dục có thể khắc phục những vấn đề của đào tạo sau đại học ở nước ta.
Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết.
Sau khi đọc bài “Bàn về giáo dục tinh hoa” của tác giả Dương Quốc Việt, đăng ngày 5/9/17 và bài “Lò ấp” thạc sĩ, tiến sĩ, lắm thày tất phải “nhiều ma” của tác giả Xuân Dương, đăng ngày 29/8/2017 đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi rất hoang mang và lo lắng.
Vì vậy, tôi xin gửi tới các nhà chức trách và bạn đọc trong nước bài viết này, với hy vọng: Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nhanh chóng khắc phục tình trạng không mong muốn đang diễn ra trên lĩnh vực “đào tạo trên đại học” ở Việt Nam.
Qua đó tìm ra hướng đi đúng đắn, kịp thời để đào tạo được những tiến sĩ khoa học, thực sự có trình độ cao, chấm dứt việc đào tạo các “tiến sĩ giấy”, dẫn đến hiện tượng tiêu cực, làm trì trệ sự phát triển của đất nước.
Các chuyên gia giáo dục người Đức đã xác nhận “học sinh Việt Nam rất chăm chỉ, thông minh và có chí tiến thủ cao”.
Nếu đội ngũ giáo sư đầu ngành thực sự giỏi, cộng với chính sách khuyến khích nhân tài đúng đắn, kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam sẽ khai thác và khuyến khích được nguồn “tài nguyên chất xám” dồi dào và quí báu này của Tổ quốc.
Trường Đại học Tổng hợp Heidelberg là nơi đào tạo tiến sĩ hàng đầu ở Cộng hòa Liên bang Đức. Việc đào tạo và phát hiện nhân tài phải bắt đầu từ sinh viên:
Tên đầy đủ của trường là: “Ruprecht-Karls-Universitaet Heidelberg”; gọi tắt là Uni Heidelberg.
Trường Đại học Tổng hợp Heidelberg, nằm ở tiểu bang Baden-Wuertemberg, được thành lập năm 1386.
Đây là trường đại học lâu đời nhất ở châu Âu và tất nhiên là "anh cả" của các trường đại học ở Cộng hòa Liên bang Đức.
Các tòa nhà chính của Uni Heidelberg được xây dựng trên thành phố cổ Heidelberg, bên bờ sông Neckar hiền hòa.
Ngoài ra, các khu vực khác của trường nằm ở quận Bergheim và Neuenheimer Feld.
Uni Heidelberg – Tòa nhà chính, cổ kính nhất cuả trường |
Tổ chức toàn cầu “QS World University Ranking” đã đưa ra kết quả nghiên cứu bình chọn vào năm 2017 như sau: Uni Heidelberg được xếp hạng thứ 11 trong top 50 của các trường đại học tổng hợp tốt nhất châu Âu.
Trong số 960 trường đại học từ 80 nước trên thế giới được bình chọn vào năm 2017, Uni Heidelberg được xếp hạng thứ 42.
Trong phạm vi nước Đức, Uni Heidelberg được công nhận 4 năm liền (2014, 2015, 2016 và 2017) là trường đại học tổng hợp đứng đầu trong số các trường đại học có tên tuổi ở Đức.
Đặc biệt nổi tiếng thế giới là chất lượng đào tạo bác sĩ tại khoa Y học của Uni Heidelberg.
Muốn nộp đơn xin học y khoa ở đây, các thí sinh phải có điểm Abitur <1,2.
Tòa nhà được xây dựng năm 1907, Khoa Y học, Uni Heidelberg |
Uni Heidelberg bao gồm 12 khoa. Vào năm học 2016 - 2017, trường có 520 giáo sư và 30.787 sinh viên. Các giảng viên còn lại đều có 1 hoặc 2 bằng tiến sĩ.
Nhà trường đã hoạt động rất thành công trong việc đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, vì vậy Uni Heidelberg đã được công nhận là Eliteuniversity của Đức (tương tự như Đại học Oxford, Đại học Cambridge ở Anh và Đại học Harvard, Đại học Stanford và Đại học Columbia ở Mỹ).
Uni Heidelberg là một trong những thành viên sáng lập cụm nghiên cứu gồm các trường đại học tổng hợp đứng đầu châu Âu (gọi tắt là LREU).
Cho đến nay, đã có 56 giải thưởng Nobel do các giáo sư và công trình nghiên cứu của trường đạt được (giải độc lập hoặc giải chung với các viện nghiên cứu khác).
Có thể kể đến một số giáo sư từng được trao giải Nobel độc lập như:
Giáo sư Stefan W.Hell: Ông sinh năm 1962 ở Arad, Romania, công tác tại Đại học Heidelberg từ năm 2003. Năm 2014 ông được tặng giải thưởng Nobel về Hoá học
Giáo sư Harald zur Hausen: Ông sinh năm 1936 ở Gelsenkirchen Cộng hòa Liên bang Đức, giảng dạy tại Đại học Heidelberg từ năm 1988. Năm 2008 ông được tặng giải thưởng Nobel về Y học.
Giáo sư Bert Sakmann: Ông sinh năm 1942 ở Stuttgart, Cộng hòa Liên bang Đức. Công tác tại Đại học Heidelberg từ năm 1990. Năm 1991 ông được tặng giải thưởng Nobel Y học.
Điểm rất đặc biệt là, Đại học Heidelberg rất quan tâm, ưu tiên và khuyến khích những sinh viên tàn tật.
Phòng phụ trách sinh viên có riêng một chuyên viên đảm nhiệm việc tư vấn và giúp đỡ các sinh viên tàn tật muốn học hoặc đang theo học tại trường.
Thư viện cổ kính tại Uni Heidelberg |
Điều kiện để nhập học tại Uni Heidelberg:
Các bạn trẻ muốn trở thành sinh viên Uni Heidelberg, phải có bằng tốt nghiệp phổ thông (Abitur) với điểm khá giỏi.
Nhà trường nhân hồ sơ xin học của thí sinh vào 2 lần trong 1 năm. Hằng năm, sinh viên muốn được nhập học vào kỳ mùa hè (tháng 4), phải nôp hồ sơ trước 15/1.
Sinh viên muốn được nhập học vào kỳ mùa đông (tháng 10), phải nộp hồ sơ trước 15/7.
Phòng sinh viên kết hợp với các khoa sẽ duyệt hồ sơ của thí sinh và căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo để lựa chọn.
Đặc biệt một số ngành top như Y và Dược, các thí sinh có thể còn được mời đến trường phỏng vấn.
Những sinh viên được lựa chọn và cấp chỗ học, sẽ được nhà trường cấp giấy “Immatrikulation” - Giấy xác nhận là sinh viên tại trường.
Với “Immatrikulation”, sinh viên sẽ được làm thủ tục nhập trường. “Giấy xác nhận là sinh viên tại trường” sẽ được cấp mỗi năm một lần.
Đào tạo Đại học:
Trừ ngành Y, thời gian học của các khoa tại Uni Heidelberg khác nhau. Từ 3 đến 4 năm đầu, sinh viên được đào tạo khoa học cơ bản “Bachelor”.
Trong thời gian học Bachelor, sinh viên sẽ có các kỳ thực tập tùy theo từng chuyên ngành. Sau khi đã vượt qua kỳ thi Bachelor, sinh viên sẽ được cấp “chứng chỉ Bachelor”.
Một điều hoàn toàn khác so với Việt Nam: Một số sinh viên (phần lớn là các bạn gái) thường kết thúc quá trình học đại học tại đây và tìm xin việc làm với văn bằng Bachelor.
Bàn về giáo dục tinh hoa |
Họ sẽ được nhận mức lương theo văn bằng Bachelor. Những sinh viên còn lại sẽ xin học tiếp 1 đến 2 năm Master (Diplom trước đây).
Trong thời gian này, sinh viên sẽ có các kỳ thực tập tiếp theo; thậm chí họ có thể đi thực tập ở nước ngoài. Học kỳ cuối cùng, sinh viên sẽ viết bài Master.
Khi đã bảo vệ thành công Master, các bạn trẻ sẽ được cấp “chứng chỉ Master” cho các ngành khác nhau.
Ví dụ: Master of Education; Master of Science; Master of Arts; Master of Engineering; Master of Business Administration; Master of Law… cho lần lượt các ngành Giáo dục, Khoa học, Nghệ Thuật, Kỹ thuật, Quản trị Kinh Doanh, Luật…
Đến đây, quá trình học đại học được kết thúc hoàn chỉnh, các bạn trẻ được tự do tìm việc làm theo chuyên ngành đã học và được hưởng mức lương “Master”.
Trong quá trình học đại học, sinh viên có quyền được nộp đơn xin vay và trợ cấp (BAfoeg). Phòng sinh viên có nhiệm vụ duyệt và đề nghị mức tiền trợ cấp theo barem của Nhà nước.
Sinh viên con em của gia đình có thu nhập cao (ví dụ: cha mẹ là bác sỹ, kỹ sư…), sẽ không được trợ cấp. Con em của các gia đình nghèo sẽ nhận được trợ cấp (tùy theo mức thu nhập của cha mẹ).
Hằng năm sinh viên phải nộp đơn xin trợ cấp vào đầu năm học (tháng 10), bởi vì mức trợ cấp được xét duyệt hằng năm thay đổi theo mức thu nhập của cha mẹ.
Sau khi ra trường, đã có thu nhập ổn định, các bạn trẻ sẽ phải trả lại 50% tổng số tiền trợ cấp đã nhận (hình thức trả dần hằng tháng). Mức tối đa phải hoàn lại là 10.000 Euro.
Vì vậy, những con em của người nghèo ở Đức vẫn có thể học đại học, nếu họ có khả năng và quyết tâm. Các bạn trẻ có bằng tốt nghiệp đại học tại Uni Heidelberg sẽ có lợi thế rất lớn khi tìm nơi làm việc.
Sinh viên tốt nghiệp Master tạm biệt Uni Heidelberg |
Những nhiệm vụ quan trọng khác của Uni Heidelberg:
Ngoài nhiệm vụ đào tạo sinh viên các ngành nghề khác nhau, trường còn đảm nhận những nhiệm vụ rất quan trọng khác như:
1) Đào tạo Tiến sỹ cấp I - Promotion:
Hằng năm Uni Heidelberg đào tạo 1.300 tiến sĩ các ngành khác nhau. Nhà trường là nơi phát hiện nhân tài khoa học trẻ tốt nhất của nước Đức. Số tiến sĩ được đào tạo ở đây chiếm tỷ lệ 20% trong toàn quốc.
Trong quá trình sinh viên học Master, các giáo sư đã tìm và phát hiện được những sinh viên xuất sắc, giúp đỡ và tạo điều kiện để các em tham gia thực hiện từng bộ phận nhỏ cuả các đề tài nghiên cứu, cấp kinh phí giúp đỡ các em (nếu có thể).
Sau khi sinh viên tốt nghiệp Master, các em có cơ hội được giữ lại trường, tiếp tục nghiên cứu để viết luận án tiến sĩ, gọi là “Doktoranden”. Thời gian làm luận án tiến sĩ thường kéo dài 3 năm.
Trong thời gian làm luận án cấp I này, các em sẽ được hưởng mức lương Doktoranden (khoảng 50% lương giảng viên của trường đại học).
2) Đào tạo Tiến sĩ cấp II – Habilitation:
Môi trường tự do học thuật quyết định tới phát triển giáo dục tinh hoa |
Sau khi bảo vệ luận án, những Tiến sĩ cấp I xuất sắc, thường được nhận làm việc tiếp ở các trường đại học.
Trong thời gian này, họ thường phải tiếp tục bồi dưỡng, hoặc tham dự nhiều khóa học chuyên môn cao cấp, hoặc làm luận án Tiến sĩ cấp II…
Những giảng viên đã có 2 bằng tiến sĩ và các công trình nghiên cứu khoa học được công bố và đánh giá cao, mới được phép nộp đơn xin cấp học hàm Giáo sư - Professor.
3) Nghiên cứu khoa học:
Nhà trường được trang bị các máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm... tối tân nhất. Những trang thiết bị này được đổi mới thường xuyên. Đây là “điều kiện cần” để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Mỗi đề tài nghiên cứu được nhà nước xét duyệt và cấp kinh phí. Trên cơ sở đó, các giáo sư chủ nhiệm đề tài sẽ chọn nhân lực thực hiện là các “Doktoranden” và sinh viên làm “Master”.
Thời gian nghiên cứu sẽ được tiến hành từng bước, nhiều năm cho đến khi đề tài nghiên cứu thành công.
Phòng nghiên cứu khoa học của trường có trách nhiệm liên kết chặt chẽ với các đơn vị đầu ngành kinh tế, công nghiệp, y tế, phát triển đô thị, phát triển nông thôn… để thử nghiệm và chuyển giao các kết quả nghiên cứu thành thực tiễn…