Chiều 14/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.
Theo dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018, tổng số thu ngân sách Trung ương là 753.404 tỷ đồng.
Năm 2018 tổng số chi ngân sách trung ương là 948.404 tỷ đồng (ảnh quochoi.vn). |
Tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Nghị quyết quy định phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 theo từng lĩnh vực và chi tiết từng bộ, cơ quan Trung ương theo các phụ lục kèm theo.
Số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu và phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo các phụ lục kèm theo.
Nghị quyết giao Chính phủ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chính phủ khẩn trương phê duyệt các chương trình mục tiêu để phân bổ, giao vốn kịp thời cho các bộ, ngành, địa phương đúng quy định.
Chính phủ phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.
Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương;
Bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 còn lại chưa thu hồi;
Kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; hạn chế tối đa việc điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định….
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn). |
Trước khi tiến hành thông qua dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - ông Nguyễn Đức Hải đã giải trình một số ý kiến Đại biểu Quốc hội về khoản chi đối với Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng.
Có ý kiến đề nghị ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa và giáo viên phổ thông.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải giải trình:
"Phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 Chính phủ báo cáo Quốc hội đã bố trí kinh phí cho các Đề án đào tạo của ngành giáo dục, trong đó có Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 911).
Đề án dựa trên chỉ tiêu đào tạo theo kế hoạch, mức chi từ nguồn ngân sách theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức và khả năng triển khai thực tế.
Giao kiểu “đồng này mua mắm, đồng này mua tương” là không nên |
Năm 2018, mức bố trí cho Đề án 911 đã dự kiến giảm mạnh so với các năm trước, nhưng vẫn phải duy trì một phần để tiếp tục đảm bảo kinh phí đào tạo các lưu học sinh đã tham gia nhập học các kỳ tuyển sinh trước đây.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các Đề án nói chung của ngành giáo dục và Đề án 911 nói riêng để đảm bảo việc sử dụng kinh phí được hiệu quả, tiết kiệm”.
Được biết đề án 911 đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020.
Đề án đặt ra đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới, khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 14.000 tỷ đồng, trong đó đào tạo toàn phần ở nước ngoài chiếm khoảng 64%; đào tạo phối hợp chiếm khoảng 14%; đào tạo trong nước chiếm khoảng 20%; đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng khác ở trong nước chiếm khoảng 2%.
Nguồn kinh phí bao gồm: ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%; từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các nhà trường chiếm 1%.