Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận về Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách lớn nhất nước. Tỉ lệ điều tiết về trung ương, những khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách của thành phố cũng là lớn nhất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: "Thu 100% các khoản thu, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được lấy lại 18% còn 82 % làm nghĩa vụ Trung ương.
Trước giai đoạn ổn định ngân sách, Thành phố Hồ Chí Minh được giữ lại 23% các khoản thu.
Tôi theo dõi quá trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong đó về ngân sách của thành phố, tôi cho rằng ngân sách của thành phố điều tiết dưới 20% thì phát triển chậm”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh Trinh Phúc). |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Đã là đầu tàu, kinh tế, vùng động lực mà đi chậm thì cả những toa tàu phía sau nó chậm theo.
Nên quy định cơ chế chính sách đặc thù phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh không phải cho riêng Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số, đóng góp vào GDP lớn nhất cả nước nhưng thời gian qua tốc độ tăng trưởng chậm lại. Nghị quyết này đưa ra để tạo động lực cho đầu tàu, từ đó tạo động lực cho cả nước”.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội còn cho rằng: “Giao cho Thành phố Hồ Chí Minh quyền phân bổ và quyết định ngân sách của mình là phù hợp với định hướng phát triển.
Chúng ta giao đồng này mua mắm đồng mua tương nhưng cuối cùng người không ăn mắm thì cũng không mua tương được.
Nên thay đổi cơ chế, giao địa phương chủ động phù hợp với thực tế của địa phương”.
Liên quan đến Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung về việc nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức Thành phố, trao đổi với báo chí ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm: “Tôi rất ủng hộ cơ chế này, vì khối lượng công việc của cán bộ công chức thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn so với các địa bàn khác.
Việc tăng thu nhập cho cán bộ công chức rất cần thiết để tạo động lực khuyến khích các cán bộ công chức làm việc tận tâm, tránh phát sinh việc sách nhiễu đối với người dân, đảm bảo mức lương cơ sở theo quy định nhưng vẫn có tỷ lệ điều tiết để nâng cao thu nhập của cán bộ công chức”.
Phân tích thêm về một số nội dung quan trọng trong dự thảo, ông Vũ Hồng Thanh cho biết: “Việc cho phép thành phố rộng tay hơn nữa vì chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn.
Ví dụ, quy định của Chính phủ là một địa phương có bao nhiêu Sở, Ngành nhưng thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể có đặc thù, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể tự chủ trong việc sắp xếp bộ máy của mình để đạt hiệu quả công việc ở mức cao nhất”.
Liên quan đến Nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Trường Giang băn khoăn về nội dung liên quan đến thuế, phí và lệ phí.
Theo ông Nguyễn Trường Giang: “Ở dự thảo có dự định cho phép Thành phố Hồ Chí Minh ban hành thuế tài sản nhưng vấn đề ở đây là vướng quy định của Hiến pháp.
Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định. Kể cả Quốc hội quyết định cũng không thể trái với Hiến pháp.
Sau này, thực hiện Nghị quyết số 25 và kế hoạch tài chính 5 năm, Chính phủ sẽ nghiên cứu về thuế tài sản này, có thể áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh hoặc một số địa phương khác và trình Quốc hội bằng một đạo luật hoặc một Nghị quyết tại các kỳ họp tới theo đúng quy định của Hiến pháp”.
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Trường Giang còn cho rằng: “Việc cho áp dụng các thuế suất cao hơn, tăng mức thuế, nếu quy định như thế này sẽ rất khó cho thành phố Hồ Chí Minh.
Dự thảo ghi là thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất với các sắc thuế này, có nghĩa là chỉ có tăng chứ không có giảm.
Đề nghị thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh, có thể tăng hoặc giảm. Mình không nên tất cả đều tăng, chỉ nên ở phạm vi hẹp thôi ví dụ như Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Bảo vệ môi trường”.