LTS: Chia sẻ một câu chuyện nhỏ về việc chống tham nhũng, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Phương từ Cộng hòa Liên bang Đức hy vọng chúng ta có thể rút ra những bài học về việc chống giặc "nội xâm" từ đó.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ở nước nào, dù tập quán ra sao thì quan hệ giữa người với người vẫn mang tính hai chiều “có đi có lại, mới toại lòng nhau”.
Cái khác giữa các nước chỉ ở mức độ và động cơ ẩn chứa bên trong.
Đối với ông H. người Á Đông, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm, tạp hoá, khá thành công trong một siêu thị lớn nổi tiếng Đức ở Tiểu bang Sachsen, thì nguyên tắc xử thế trên nhuần nhuyễn không riêng trong cuộc sống, mà nhất là trên thương trường rất hiệu quả như một năng khiếu trời ban.
Cửa hàng bán chạy như “tôm tươi“, ông bảo "lộc bất tận hưởng", hiếm dịp nào thiếu quà tặng cho Trưởng chi nhánh siêu thị.
Nước Đức có đến hơn chục dịp lễ thì ông cũng sắm gần ngần ấy lần quà, chưa kể sinh nhật, chia tay, gặp gỡ...
Trưởng chi nhánh coi ông như người nhà muốn gặp lúc nào cũng được, nhìn quà là đủ hiểu tình cảm, vui vẻ, cởi mở, không cần văn mỹ.
Đó là quan hệ thuộc 2 cá nhân, pháp luật không điều chỉnh.
Ảnh minh họa trên vneconomy.vn |
Buôn bán đang phất, ông dự tính nhân rộng mô hình. Chuỗi siêu thị chuẩn bị mở một chi nhánh mới, xây dựng từ mấy năm trước sắp khánh thành, đang tìm khách hàng cho thuê địa điểm kinh doanh.
Trưởng chi nhánh nơi ông được điều sang đó làm giám đốc. Ông H. gợi ý với Trưởng chi nhánh nguyện vọng của mình, được Trưởng chi nhánh ủng hộ nhiệt thành.
Đáng tiếc dự án ban đầu không hề dự tính loại cửa hàng thực phẩm của ông H., nên Trưởng chi nhánh không thể nhận lời cho ông thuê ngay mà trước hết cứ phải ưu tiên xem xét danh sách những người đã đăng ký theo mô hình kinh doanh như trong dự án.
Là một nhà kinh doanh chuyên nghiệp Đức, nên khi vào cuộc cân nhắc, ông chỉ nghĩ đến quan hệ công việc liên quan tới dự án vốn do luật pháp điều chỉnh mà không hề nghĩ đến quan hệ tình cảm riêng tư với ông H..
Thấy hai ba lần gặp với hai ba lần quà cáp gọi là, vẫn nhùng nhằng, ông H. nghĩ ngay tới dịp sinh nhật lần thứ 50 của ông Trưởng chi nhánh sắp đến vốn theo phong tục Đức thuộc lần sinh nhật lớn nhất đầu tiên trong đời, sẽ biếu một món quà thật giá trị để ông ta nhớ tới việc mình đang nhờ.
Với đầu óc kinh doanh, ông H. nhẩm, 50 năm, chắc tặng 50 tờ 100 Euro thì thật “độc chiêu” đầy ý nghĩa.
Tài sản tham ô, tham nhũng mà có, chết cũng phải thu hồi cho bằng được |
Tính ra chi phí quà cáp này chỉ chiếm chừng 2% tiền lãi kinh doanh một tháng hiện tại tương đương với mức ông giảm giá bình quân cho khách mua hàng hàng tháng, hoặc khi trả ngay bằng tiền mặt cho một lần nhập hàng được nhà cấp hàng ưu đãi.
Rốt cuộc vẫn là “mỡ nó rán nó“.
Ông liền cho tiền cùng thiếp chúc mừng sinh nhật in hình quả tim vào phong bì màu đỏ thắm găm hơi sâu vào giữa lẵng hoa gồm 50 bông hồng to được bao quanh bằng các loại hoa lan phớt hồng, ngoài cùng điểm xuyết các loại nhành lá xanh, trông thật đồ sộ rực rỡ, rồi tất cả được phủ lên bằng giấy bóng kính với các tua ánh kim lóng lánh đủ màu sắc; chở đến nhà riêng, khệ nệ bê tặng.
Ông Trưởng chi nhánh nhận lẵng hoa hoành tráng lộng lẫy, cảm động, rối rít lặp đi lặp lại lời cảm ơn, khen lấy khen để.
Theo lệ thường, người Đức mở quà tại chỗ, nhưng vì đang bận khách, phong bì gắn lẫn vào giữa lẵng hoa ông không để ý kỹ cứ thế bê đặt tạm lên bàn.
Ông H. ra về hài lòng được tiếp đón nhiệt thành, thầm khấp khởi.
Thông thường, các lần tặng quà trước, nếu bận khách không tiếp được lâu, ngày hôm sau, ông Trưởng chi nhánh gọi điện đến cảm ơn ngay.
Nhưng lần này, chờ mãi ba ngày sau, ông H. gọi cũng không thấy cầm máy.
Đến ngày thứ 4, ông H. nhận được bức thư đánh máy trên mẫu giấy công văn của siêu thị mới do Trưởng chi nhánh ký tên (trích):
“Ngài H. kính mến! (đang xưng tao mày vốn ở Đức được dùng trong quan hệ bạn bè thân thiện, nay bỗng chuyển sang ngài mang tính pháp lý đã đủ làm ông H. giật mình).
Xin cảm ơn ngài về bó hoa và những lời chúc mừng của ngài nhân dịp tôi sinh nhật. Tuy nhiên tôi thật sự ngạc nhiên với hiện vật để trong thư chúc mừng.
Vì lý do đó, vấn đề hợp tác với ngài nơi chi nhánh mới là không thể.
Quyết định này phù hợp với ý kiến của ban lãnh đạo đã được tôi thông báo ngay sau khi phát hiện.
Tôi sẽ chuyển hiện vật chứa trong thư cho một làng trẻ mồ côi SOS (thông lệ khi từ chối nhận quà đã biếu ở Đức)”.
Ông H. bị bất ngờ trước nghịch cảnh “tiền mất tật mang”, nhưng cũng chỉ nghĩ chắc số tiền lớn làm ông Trưởng chi nhánh ngại, nên viết thư cố cứu vãn số tiền bằng cách lấy tập quán dân tộc làm cứu cánh (trích):
“Thực lòng tôi chỉ muốn thể hiện sự kính trọng của tôi đối với ngài theo cách thức tập quán dân tộc tôi.
Ở nước tôi trao tặng một món quà sinh nhật có chứa đựng con số biểu tượng cho số tuổi rất ý nghĩa, đặc biệt những lần sinh nhật quan trọng.
Thông thường quà cho lứa tuổi trẻ em được chọn con số gấp 5 lần số tuổi, người lớn gấp 10 lần, được kính nể đặc biệt gấp tới 100 lần, vì ở chúng tôi người già rất được tôn kính.
Lẽ dĩ nhiên người nhận quà hoàn toàn tự nhiên, có thể từ chối hoặc sau đó trả lại.
"Ông Sở, bà Phán" đã nhúng chàm, ơ hơ, rửa sạch cả rồi! |
Việc trao tiếp quà đó cho người khác sẽ làm người tặng rất buồn, cảm giác bị coi thường.
Nay tôi mới vỡ ra sự khác biệt, ngài không thể nhận món quà tôi tặng bởi nó không phù hợp với tập quán Đức.
Nếu có thể được, xin ngài chuyển lại tôi món quà gây hiểu nhầm đó.
Tôi rất đau lòng, nếu vì món quà đó, mà tôi đã vô tình làm ngài bận tâm.
Tôi xin đề nghị ngài giữ nguyên mối quan hệ hợp tác đã được vun đắp từ trước, không để bị ảnh hưởng bởi sự hiểu nhầm đã xảy ra”.
Một tuần sau, ông H. nhận được thư hồi âm của Trưởng chi nhánh (trích phần lý do):
“Điều 9 Hợp đồng lao động thuê giám đốc ghi rõ: Cấm nhận quà biếu từ những người giao dịch hoặc liên quan tới công việc mình đang hoặc trong tương lai sẽ giải quyết.
Phải khai báo kịp thời với cấp trên khi có người biếu”.
Dẫn liệu trên ở Đức cho thấy, tham nhũng vụ lợi chỉ có thể phòng tránh bắt đầu từ mọi mối quan hệ công việc nhỏ nhất phải đặt dưới sự chế tài của pháp luật bằng các điều khoản thích ứng.
Bản chất quà biếu thuộc về phạm trù tình cảm có ở mọi quốc gia dân tộc, nhưng như ở Đức quà biếu lớn tới giới hạn nào đó hoặc liên quan tới công việc thì sẽ được nhìn dưới phạm trù pháp luật.
Chưa nói đến luật chống tham nhũng, cả trong hành xử của lãnh đạo, công chức, lẫn trong các hãng tập đoàn tư nhân Đức đều có những quy định nội bộ chặt chẽ và cụ thể để chống tham nhũng vụ lợi hối lộ.
Vì thế mà Thống đốc bang Badenwürttemberg mất chức năm 1991 chỉ bởi ông được một doanh nhân mời đi du lịch mấy chuyến không mất tiền.
Cách 10 năm sau, năm 2002 Rudolf Scharping phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng vào chỉ tại bộ áo com-lê của một doanh nghiệp tặng, giá trị còn ít hơn nhiều số tiền ông H cho vào phong bì.
Tiếp 10 năm sau, Tổng thống Wulff bị Viện Kiểm sát đệ đơn lên Quốc hội đòi hủy quyền miễn trừ để điều tra cáo buộc tội được một khách sạn miễn phí 750 Euro cho con nhỏ đi theo dự lễ hội tháng 10 ở München, buộc phải từ chức ngày 17/12/2012.
Liệu với vấn nạn “giặc nội xâm” ở ta có thể tham khảo được gì ở thiết chế phòng chống tham nhũng vụ lợi ở họ?